Nga phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat vào ngày 21.4.
Chiến tranh hạt nhân là điều không thể chấp nhận được và Nga đã thành công trong việc thuyết phục Mỹ và các cường quốc hạt nhân về điều này vào năm ngoái, ông Lavrov nói.
Tuy nhiên, tình hình thế giới kể từ đó đã tồi tệ hơn nhiều, đến mức có nguy cơ thực sự về một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Tháng 6.2021, Nga đã thuyết phục Mỹ về việc tái cam kết tuyên bố năm 1987 của các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô, rằng không ai có thể chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến như vậy không được xảy ra, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Lavrov nói.
Trung Quốc, Pháp và Anh cũng đồng ý và đưa ra tuyên bố chung vào tháng 1.2021. “Đó là lập trường cơ bản của Nga. Nhưng nguy cơ chiến tranh hạt nhân là rất đáng kể. Tôi không muốn thổi phồng vấn đề này. Nguy cơ là có thật và không thể bị xem thường”, ông Lavrov nói.
Dưới thời ông Biden, Mỹ đã gia hạn thêm 5 năm hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New Start). Hiệp ước lần đầu được Mỹ ký kết với Nga năm 2010. Nhưng đây cũng là hiệp ước duy nhất còn lại về vũ khí hạt nhân mà hai bên ký thỏa thuận.
Nói về cuộc xung đột ở Ukraine, ông Lavrov một lần nữa khẳng định rằng “Moscow buộc phải hành động vì miền đông Ukraine đã xung đột kéo dài suốt 8 năm mà phương Tây phớt lờ”.
Ông Lavrov nói tình hình hiện tại tương tự như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. “Ở thời đó, vẫn còn các kênh liên lạc mà hai bên có thể tin cậy. Nhưng bây giờ, không có các kênh liên lạc như vậy. Không ai nỗ lực thiết lập kênh liên lạc”, ông Lavrov nói.
Ông Lavrov nói Mỹ và các đồng minh ngày nay thường sử dụng cụm từ “trật tự thế giới dựa trên quy tắc”, nhưng quy tắc ra sao thì không được giải thích cụ thể.
“Ai cũng nói rằng Thế chiến 3 không được phép xảy ra, nhưng Mỹ và đồng minh lại đổ thêm dầu vào lửa khi không ngừng chuyển vũ khí cho Ukraine, làm kéo dài cuộc xung đột để khiến Nga hứng chịu thêm tổn thất”, ông Lavrov nói, theo RT.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.