Nhiều loại rau quả tưởng "tắc đường" vào châu Âu vì thị trường giảm, chất lượng rau "có vấn đề", nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước cùng cách làm sáng tạo của nông dân, ngành rau quả Việt Nam đã đổi mới để lần đầu tiên cán đích với giá trị xuất khẩu trên 800 triệu USD.
Tìm lối đi trong khó khăn
Năm 2012, xuất khẩu (XK) rau quả gặp rất nhiều khó khăn bởi ngay từ đầu năm 2012 liên tiếp xuất hiện những cảnh báo từ nhiều thị trường về việc phát hiện các lô hàng rau xanh của Việt Nam (VN) bị nhiễm dịch hại. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, trong năm 2012, EU đã cảnh báo khi phát hiện có 3 lô hàng rau xanh nhập khẩu từ VN bị nhiễm dịch hại gồm húng quế, ớt, cần tây, khổ qua (mướp đắng), ngò gai. Tổng Vụ Sức khỏe người tiêu dùng (Ủy ban châu Âu) đã ra thông báo đến 15.1.2013, nếu EU phát hiện 5 lô hàng nữa bị nhiễm dịch hại thì sẽ xem xét việc đóng cửa thị trường đối với rau quả VN.
|
Đóng gói rau muống xuất khẩu tại HTX Phước Hải ( TP. Hồ Chí Minh). |
Bên cạnh đó một số mặt hàng có nguy cơ cao phía EU cảnh báo gồm: Cà tím, cà pháo, rau răm, mận, ổi, cam, chanh, xoài, mãng cầu; các loại rau như lá lốt, lá mơ, ngò gai, kinh giới...
Trao đổi với Báo NTNN, ông Bùi Sĩ Doanh- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết: "Đây là cú sốc đầu tiên trong năm 2012 đối với ngành rau quả. Đứng trước tình thế đó, Cục BVTV đã đề xuất với Bộ NNPTNT nhiều giải pháp để kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên. Sau đó Cục BVTV quyết định ngừng cho phép XK vào EU đối với 5 mặt hàng trên đến ngày 1.2.2013, đồng thời có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) siết chặt hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch chặt chẽ rau quả tươi XK sang EU".
Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho người sản xuất về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch thực vật trong sản xuất, XK. Tất cả các lô hàng rau quả sau khi kiểm tra xong, trước khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho xuất sang EU, đều phải xin ý kiến của lãnh đạo Cục BVTV.
Tuy nhiên, càng về cuối năm 2012 ngành rau quả VN đã có những khởi sắc và đạt được những thành quả ngoạn mục. Theo báo cáo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong năm 2012, XK rau quả đạt 805 triệu USD, vượt trên 100 triệu USD so với chỉ tiêu đề ra, đây là năm giá trị XK đạt cao nhất từ trước tới giờ. Các thị trường chính XK rau quả trong thời gian này là Trung Quốc, Italia, Nhật Bản, Mỹ… Với đà tăng trưởng trên, hiện VN đã lọt vào top 5 quốc gia XK rau quả lớn nhất thế giới.
Phấn đấu cán đích 1 tỷ USD
Đánh giá về bước tiến ngoạn mục của ngành rau quả trong năm 2012, PGS-TS Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam cho rằng: "Kết quả đó có được từ sự nỗ của cơ quan quản lý nhà nước cùng sự đồng lòng của DN và nông dân. Với việc đẩy mạnh triển khai các mô hình VietGAP trên nhiều loại rau quả, chúng ta đang thu được "quả ngọt", thanh long VietGAP đã bắt đầu XK sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, chôm chôm VietGAP cũng xuất sang Mỹ, đó là bước đột phá tạo nên bức tranh tươi sáng của ngành rau quả trong năm 2012".
“Để xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch cao, ngoài việc ổn định vùng nguyên liệu, trồng rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP, các DN cần tăng cường về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và mẫu mã, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.
Ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả VN
Bên cạnh đó, một số tỉnh cũng đã đầu tư cơ sở chiếu xạ và xử lý hơi nóng cho hoa quả XK như ở Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, và sắp tới là Long An, Vĩnh Long… Nhiều nước nhập khẩu như Mỹ, Nhật Bản yêu cầu rau quả phải được chiếu xạ hoặc xử lý hơi nóng để diệt dịch hại, ruồi đục quả.
Nếu không có điều kiện chiếu xạ, xử lý hơi nóng thì dù có VietGAP thì cũng không thể XK. Cùng với những hoạt động trên, theo PGS-TS Nguyễn Minh Châu, việc đẩy nhanh cấp COD (mã vạch, mã vùng) để truy xuất nguồn gốc rau quả cũng là một bước tiến quan trọng góp phần thúc đẩy giá trị XK.
Trước những bước tiến vững chắc của ngành rau quả trong những năm qua, Hiệp hội Rau quả VN tự tin đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch XK 1 tỷ USD trong năm 2013, tăng 30% so với năm 2012.
Đình Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.