Ngồi 1 chỗ biết vùng nào trồng nhiều lúa nhất nhờ bản đồ đặc biệt?

Thuận Hải - Anh Thư Thứ ba, ngày 31/10/2017 16:10 PM (GMT+7)
Đóng góp ý kiến về Chiến lược phát triển thị trường lúa gạo Việt Nam định hướng đến năm 2030 (vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), một số chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử, báo cáo chi tiết từ sản xuất đến tiêu thụ, dự báo thị trường… đồng thời cần xây dựng bản đồ xuất khẩu cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Bình luận 0

Ngồi một chỗ nắm sản lượng gạo cả nước?

Tìm hiểu về Chiến lược phát triển thị trường lúa gạo Việt Nam định hướng đến năm 2030 (xem thêm NTNN số ra ngày 24.10), bà Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (Bộ Công Thương) cho rằng, trên thế giới, tùy vào điều kiện tài chính và các mục tiêu khác nhau, các tổ chức quốc tế và mỗi quốc gia đều áp dụng những cách thức khác nhau để dự báo và cung cấp thông tin, phục vụ sản xuất, thương mại và tiêu dùng lúa gạo.

Theo đó, kênh đơn giản nhất là sử dụng kết quả dự báo của các tổ chức uy tín trên thế giới như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Viện Lúa quốc tế (IRRI), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA)...

img

Nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn ở Thạnh Hóa (tỉnh Long An). Ảnh: Trần Đáng 

"Việc xây dựng bản đồ điện tử về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trên nền bản đồ thế giới, tạo thuận lợi cho việc tra cứu thông tin về thị trường xuất khẩu gạo theo khu vực địa lý”.

Bà Đinh Thị Bảo Linh

Các tổ chức này định kỳ hàng quý hoặc hàng tháng sẽ công bố các báo cáo phân tích tình hình cung cầu và đưa ra các dự báo về sản lượng, tồn kho, giá gạo thế giới và một số quốc gia sản xuất tiêu dùng chủ yếu. Đối với thương nhân Mỹ và thương nhân của nhiều quốc gia trên thế giới, dự báo của USDA (cập nhật hằng tháng) có tính chất định hướng ngay tức thì đối với các giao dịch của họ.

Các dự báo của USDA ngay khi được công bố sẽ có tác động trực tiếp đến các giao dịch trên phạm vi rộng, đặc biệt là các giao dịch tương lai. Tuy nhiên hạn chế của các dự báo này thường không thể chi tiết, không thể phục vụ đầy đủ cho các mục tiêu cụ thể của từng quốc gia.

Những năm gần đây, các báo cáo nghiên cứu thị trường của các hãng nghiên cứu tư nhân cũng được sử dụng rộng rãi hơn với mức phí khá cao, trên 1.000USD/báo cáo. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng và sẵn sàng trả chi phí để tiếp cận. Do đó, để ngành lúa gạo phát triển bền vững, việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cập nhật thường xuyên là việc cần thiết.

Một số nước phát triển với phần lớn các hộ sản xuất quy mô lớn đã xây dựng hệ thống tự động cập nhật điều tra tại từng trang trại, nông hộ. Theo đó mỗi trang trại được cấp mã số và giám sát trên một mạng lưới điện tử hiện đại trên toàn quốc. Các thông số sản xuất của trang trại, nông hộ được liên tục cập nhật vào hệ thống điều tra tự động. Do đó có thể nhanh chóng tổng hợp tình hình và dự báo sản lượng chung của cả nước.

Tuy nhiên, hình thức này chưa thể áp dụng tại Việt Nam, do nước ta có tới 9 triệu hộ sản xuất lúa gạo với quy mô rất nhỏ, 85% số hộ đó có diện tích sản xuất dưới 0,5ha và mặt bằng công nghệ thông tin chưa đủ lớn, lợi nhuận từ sản xuất lúa gạo cũng quá thấp để trang trải chi phí áp dụng công nghệ trên.

img

Cần có cơ sở dữ liệu điện tử, các dự báo về sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.

Cần xây dựng sàn giao dịch lúa gạo

Bà Linh cho rằng, công tác thông tin giám sát và dự báo muốn đảm bảo tính chính xác, cập nhật, cần dựa trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu thị trường lúa gạo. Hệ thống này cần đảm bảo tính hệ thống, an toàn, tiện lợi, đa tương tác, đa phương tiện…

Hệ thống này cũng cần đảm bảo tính đồng bộ của số liệu về nguồn số liệu thời gian, không gian và tính đa dạng theo các tiêu chí khác nhau. Ví dụ, các tiêu chí đưa ra có thể là theo thị trường lớn, phân khúc thị trường, chủng loại gạo, phẩm cấp, giá, phương thức giao hàng, phương thức thanh toán, các tiêu chuẩn kỹ thuật, thương hiệu...

Về vấn đề này, đại diện Cục Trồng trọt cũng cho rằng, cần xây dựng sàn giao dịch trực tiếp doanh nghiệp với doanh nghiệp để trao đổi công nghệ chế biến. Cũng cần rà soát hệ thống kho, cân đối nhu cầu trữ lúa tại các vùng chuyên canh để xây dựng mới và nâng cấp hệ thống kho chứa thóc để nâng cao chất lượng bảo quản…

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp mua công nghệ chế biến hiện đại, chế biến sâu..., chuyển đổi hệ thống sấy lúa theo quy trình cải tiến từ sấy hai bước sang sấy một bước bằng sấy tầng sôi, sấy tháp. Sấy lúa tươi tới độ ẩm tiêu chuẩn 14-14,5% để chuyển từ bảo quản gạo khô như hiện nay sang bảo quản lúa khô.

img

Hệ thống này cũng cần đảm bảo tính đồng bộ của số liệu về nguồn số liệu thời gian, không gian và tính đa dạng theo các tiêu chí khác nhau.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, thực hiện Đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ngành nông nghiệp đã đưa ra hệ thống các gói giải pháp từ khâu cải tiến bộ giống đến hình thành gói kỹ thuật và các điều kiện hạ tầng, đặc biệt là cơ giới hóa trong sản xuất, bảo quản, chế biến và sản xuất theo chuỗi. Đồng thời, định dạng các thị trường xuất khẩu lúa gạo Việt Nam, từ đó xác định các giống phù hợp cho từng thị trường, phân khúc từng thị trường lúa gạo.

Thứ trưởng Doanh cũng cho biết, trước mắt tập trung đẩy mạnh nghiên cứu bộ giống có chất lượng và nghiên cứu gói kỹ thuật sản xuất lúa cho từng vùng cụ thể theo hướng giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao chất lượng gạo. Bên cạnh đó, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước chuyển đổi nông nghiệp bền vững... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem