Ngôi biệt thự tại TP. Thủ Đức đào “hồ” điều hòa, xây tường cách nhiệt 3 lớp để tránh nóng

Phương Thảo Thứ năm, ngày 14/11/2024 08:26 AM (GMT+7)
Nam House tọa lạc tại Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh và có tổng diện tích đất 688 m2 (diện tích tầng trệt là 180 m2, gồm một tầng duy nhất). Ngôi nhà được tách làm ba khối với hai khối đặc trước sau, liên kết bằng khu vực rỗng ở giữa giúp giảm nhiệt.
Bình luận 0

Theo các nghiên cứu khoa học, Nam House tọa lạc tại một trong những thành phố lớn nhất trong cả nước, nhiệt độ trong thành phố cao hơn từ 8 - 11 độ so với vùng nông thôn có cùng điều kiện khí hậu.

Chính vì vậy, kiến trúc của Nam House mang đậm phong cách nhiệt đới hiện đại, được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.

img

Nam House chỉ sở hữu 1 tầng duy nhất với diện tích xây dựng 180 m2, tọa lạc trên khu đất rộng 688 m2 tại Thủ Đức. Ảnh: Hiroyuki Oki

Nam House nằm trên khu đất trong hẻm nhỏ, được ông bà truyền lại lâu đời, hàng xóm xung quanh hầu hết là họ hàng thân thiết. Nhà bên hông là nhà của mẹ ruột chủ nhà, bên còn lại cũng là khu đất của họ hàng. Nên khi đặt vấn đề, chủ nhà rất muốn ngôi nhà mới kết nối được với những nhà xung quanh, đặc biệt là nhà của mẹ bên cạnh.

Chính vì vậy, khi nghiên cứu lên ý tưởng thiết kế mọi người đã đề xuất ra giải pháp tách ngôi nhà ra làm 3 khối với hai khối đặc nằm trước sau liên kết lại với nhau bằng khối rỗng ở giữa.

img

Khối trước bố trí gara, phòng vệ sinh, lối vào, phòng ngủ và phòng học. Đây đều là các không gian riêng tư nên khối này được bao bọc phần lớn bởi các mảng tường đặc. Ảnh: Hiroyuki Oki

Khối ở giữa bố trí phòng khách và bếp ăn, đây là các không gian chung nên khối này được xử lý mở ra 2 bên để kết nối với thiên nhiên và kết nối với nhà của mẹ ở kế bên.

Bên cạnh đó, do mở ra cả hai mặt nên ánh nắng mặt trời tác động vào rất nhiều nên hai khối trước sau lúc này có tác dụng che chắn bớt ánh sáng.

img

Khối giữa của Nam House là không gian sinh hoạt chung với thiết kế mở, kết nối trực tiếp với sân vườn và hồ nước bên ngoài. Cửa kính lớn và trần cao giúp đón ánh sáng tự nhiên và không khí trong lành, mang đến cảm giác thoáng đãng. Ảnh: Hiroyuki Oki

img

Khối sau bố trí 2 phòng ngủ, phòng vệ sinh và khu giặt phơi, đây cũng là các không gian riêng tư nên khối này cũng được bao bọc phần lớn bởi các mảng tường đặc. Ảnh: Hiroyuki Oki

img

Bối cảnh tổng quan các khối liên kết tại Nam House. Ảnh: Hiroyuki Oki

Điểm nhấn của Nam House nằm ở khối giữa với không gian phòng khách và phòng bếp. Chính vì để giải bài khoán khí hậu nên kiến trúc sư đã thiết kế 1 hồ nước tại khối giữa để tạo cảm giác mát mẻ, trong lành.

img

Hồ nước được bố trí ở hướng Đông Bắc, tăng độ ẩm và giảm nhiệt độ xung quanh. Ảnh: Hiroyuki Oki

img

Sân vườn xanh mát ở hướng Tây Nam, nơi bị ảnh hưởng bởi nắng hướng Tây. Ảnh: Hiroyuki Oki

Nam House liên tục bị nung nóng bởi nhiệt độ môi trường cộng với hiệu ứng nhà kính, và sự tích nhiệt của tường, sàn, mái,... Quá trình này làm nhiệt độ trong nhà liên tục tăng lên đốt nóng không khí, trong khi đó hệ thống thông gió tự nhiên đã bị tê liệt nên luồng khí nóng vẫn không thoát ra ngoài mà bị kẹt lại trong các ngóc ngách trong nhà. Quá trình này diễn ra liên tục từ 8 giờ sáng tới 5 giờ tối, làm nhiệt độ trong nhà có thể nóng hơn nhiệt độ bên ngoài từ 8 - 15 độ.

Để không khí trong nhà không bị đốt nóng lên như vậy thì hệ thống thông thoáng tự nhiên phải hoạt động liên tục 24/24, chứ không phụ thuộc vào sự đóng mở cửa người sử dụng.

img

Không gian đều được bố trí ít nhất hai hệ thống cửa, giúp không khí mới vào và khí nóng lưu thông dễ dàng. Ảnh: Hiroyuki Oki

img

Phòng ngủ hướng rộng tầm nhìn thẳng ra phía hồ nước. Ảnh: Hiroyuki Oki

img

Phòng ngủ được thiết kế đơn giản, nội thất và màu sơn đều mang tone màu nâu ấm, trầm làm chủ đạo. Ảnh: Hiroyuki Oki

img

Phòng ngủ dành cho khách thông thẳng ra sân vườn xanh mát. Ảnh: Hiroyuki Oki

img

Và đương nhiên phòng vệ sinh cũng không thể thiếu những mảng màu xanh của kiến trúc nhiệt đới hiện đại. Ảnh: Hiroyuki Oki

Ngoài việc thiết kế 2 cửa để lưu thông khí hậu. Kiến trúc sư cũng lên giải pháp tách lớp tường nhằm ngăn sự truyền nhiệt qua bề mặt kết cấu. Vỏ ngoài của công trình được bảo bọc bởi một lớp tường dày 250 mm, có cấu tạo từ 3 lớp:

Lớp thứ nhất là lớp gạch đặc làm nhiệm vụ ngăn chặn phần lớn lượng nhiệt từ ánh nắng mặt trời. Lớp này có ưu điểm cản nhiệt lớn nhưng nhược điểm là thời gian lưu nhiệt lâu.

Lớp thứ hai là lớp không khí giúp cách biệt hoàn toàn lớp tường trong với lớp tường ngoài đang liên tục bị mặt trời đốt nóng. Qua đó hạn chế tối đa hiện tượng truyền nhiệt từ tường ngoài vào tường trong.

Lớp thứ ba là lớp tường trong được xây tường gạch 4 lỗ. Với cấu tạo 4 lỗ rỗng làm tăng lớp đệm không khí giúp giảm hiện tượng truyền nhiệt (lúc này nhiệt xuất hiện do lớp không khí bị nung nóng do tiếp cận gần với lớp tường ngoài . Mặc dù không khí giúp ngăn chặn hiện tượng truyền nhiệt. Nhưng bản thân không khí khi tiếp xúc thời gian dài với lớp tường ngoài đang liên tục bị ánh nắng mặt trời đốt nóng thì không khí cũng bị nóng lên, hiện tượng này lượng nhiệt được truyền tải ít hơn nhiều so với hiện tượng dẫn nhiệt trực tiếp).

img

Vật liệu sử dụng làm tường bao phủ tại Nam House

img

Đi qua ba lớp cấu tạo từ như vậy nhiệt từ ánh nắng mặt trời đã bị ngăn lại hầu như hoàn toàn. Giúp không khí trong nhà không bị nóng lên. Đồng thời với cấu tạo ba lớp tách ra như vậy, lớp tường ngoài có cấu tạo đặc giúp cản nhiệt tốt nhưng lớp này chỉ dày 80 mm. Với chiều dày như vậy, tường sẽ thoát nhiệt rất nhanh khi trời tắt nắng. Ảnh: Hiroyuki Oki

img

Mặt bằng công trình

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem