Ngôi đền chùa cầu tài lộc linh thiêng nổi tiếng đất Hà Thành khiến du khách muốn ghé thăm

Nhật Hà - Văn Công Thứ hai, ngày 23/05/2022 14:11 PM (GMT+7)
Nhiều người buôn bán thường xuyên đến cầu tài, cầu lộc tại đền Đức Thánh Bà nằm trong khu du tích Đình- Chùa - Bia Bà La Khê, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. Thánh Bà được thờ tại nơi đây vốn là một người quản lý tài chính rất giỏi trong hậu cung của vua Mạc.
Bình luận 0

Ngôi đền chùa cầu tài lộc: Tích xưa chuyện cũ

Đền Đức Thánh Bà (đền Bia Bà) nằm trọn trong khuôn viên đình La Khê, bên cạnh là chùa Diên Khánh. Đình La Khê được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVII.

Đình thờ Hắc Diện Đại Vương và Thiên Tiên Bảo Hoa công chúa, tục thường gọi là nhị đại vương. Đây là hai vị Thành hoàng làng đã giúp dân trừ ác ma rồi dạy dân trồng lúa, nuôi tằm, dệt vải từ đó dân làng La Khê trở nên giàu có.

Đền Đức Thánh Bà thờ bà Trần Thị Hiền (1511 – 1538) là đệ nhị cung phi của vua Mạc Đăng Doanh, sau khi bà mất được phong làm Đông cung Hoàng hậu.

Thăm ngôi đền cầu tài lộc nổi tiếng đất Hà thành - Ảnh 1.

Hồ nước phía trước khu di tích đình – chùa – Bia Bà. Ảnh: Sưu tầm

Bà là con gái ông Trần Chân (sau được phong Dũng Quận công), quê tại thôn La Ninh, huyện Từ Liêm nay là làng La Khê, Hà Đông. Bà vốn có tư chất thông minh, tháo vát lại thùy mị, nết na, xinh gái và đặc biệt rất chăm chỉ, năm bà 16 tuổi thì vào cung làm phi của vua Mạc Đăng Doanh.

Năm 1538, bà qua đời khi mới 28 tuổi do bị hậu sản lúc sinh vị Hoàng tử đầu lòng và là vị Hoàng tử thứ 5 trong triều, bà xin về quê an dưỡng sau đó mất tại quê nhà.

Triều đình vô cùng thương xót nên đã mang nhiều lễ vật về điếu viếng trọng thể, sau đó an táng bà tại cánh đồng Đa Bang thuộc làng La Khê và dựng một tấm bia đá để ghi lại cuộc đời và công đức của bà.

Trước khi Bia Bà được đưa vào đình, thì đã có 2 lần bị đổ ngoài cánh đồng. Lần đầu vào năm 1913, lần thứ hai vào năm 1980. Tấm bia tuy để ngoài sương nắng nhưng chữ trên bia vẫn có thể đọc được, trên bia ghi rõ các thông tin về Thánh Bà Trần Thị Hiền. Hiện nay, tấm bia được coi như bảo vật thiêng tại đình La Khê, du khách trước khi đọc và xem bia đều dâng hương vái tạ trước.

Thăm ngôi đền cầu tài lộc nổi tiếng đất Hà thành - Ảnh 2.

Khám thờ nhị vị thành hoàng trong đình. Ảnh: Sưu tầm

Ngoài ra, trong đình còn có tấm bia Thánh sư thờ 10 người Trung Quốc đã đến La Khê vào khoảng thế kỷ XV và đã dạy dân làng nghề dệt the lụa. Đó là các ông Lý Công, Trang Công, Trần Công…. Đến thời nhà Nguyễn, 10 vị được sắc phong Dực Bảo Thôn Thần, hai tấm bia chính là hai di tích lịch sử và tư liệu ngàn đời quý giá.

Cầu tài lộc thì cứ đến Bia Bà

Dân gian xưa có câu:

Cầu duyên thì đến chùa Hà

Cầu tài, cầu lộc thì đi Bia Bà

Hai câu ca dao trên đủ đến khẳng định rằng tại sao người buôn bán lại thường xuyên đến cầu tài lộc tại Bia Bà. Có nhiều sự tích về sự hiển linh của Thánh Bà trong lịch sử, trong đó không ít lần liên quan đến việc tài lộc, giàu sang, phú quý.

Thăm ngôi đền cầu tài lộc nổi tiếng đất Hà thành - Ảnh 3.

Bia Bà được đặt trên lưng rùa và bảo quản trong tủ kính. Ảnh: Sưu tầm

Theo một cụ cao niên trong làng kể câu chuyện truyền miệng, vào một đêm nọ, có một anh lính bị lạc mất doanh trại, khi đi ngang qua cánh đồng Vang, chàng lính bỗng gặp một bà cụ, bà bảo chàng rằng, nếu con đi tiếp thì sẽ gặp quân cướp, vì vậy con hãy ngủ trong nhà mẹ một đêm, sáng mai nhớ phải đi về phía đông. 

Ngôi nhà mà bà cụ bảo chàng lính ngủ lại là một ngôi nhà lợp gianh, sáng hôm sau tỉnh giấc chàng lính giật mình khi nằm trên bệ gạch mà không thấy nhà đâu. Chàng lính nhớ lời bà cụ dặn hôm qua bèn đi về phía đông thì tìm lại được doanh trại của mình, về sau dân làng tin rằng đó là Thánh Bà đã hiển linh và giúp đỡ chàng lính.

Rồi lại có chuyện kể rằng, dân làng La Khê thấy một cụ già tóc bạc trắng, tay cắp nón đi ăn xin. Vào một hôm, một người đàn bà đi làm ngang qua khu dựng Bia Bà ở cánh đồng, thấy cụ già nằm co ro vì đói, người đàn bà này tính tình thương người, bèn nhường lại suất cơm mang ra đồng của mình cho cụ ăn.

Vừa lúc đó có một cơn lốc mạnh kéo đến, chỉ trong tích tắc cụ già biến mất cùng nón và suất cơm. Về sau, người đàn bà đó làm ăn phát đạt, giàu có nhất vùng, dân làng tin rằng chính Thánh Bà hiển linh thử lòng người, thấy người chăm chỉ, hiền lành, bác ái Thánh Bà phù hộ cho giàu có, vinh hoa.

Thăm ngôi đền cầu tài lộc nổi tiếng đất Hà thành - Ảnh 4.

Khám thờ Đức Thánh Bà. Ảnh: Sưu tầm

Vì những thần tích trên mà du khách đến lễ thường xin tài lộc là nhiều nhất. Ngoài ra, khu di tích đình – chùa – Bia Bà có khuôn viên rộng, cảnh quan đẹp, có hồ nước sân đình thênh thang, không khí trong lành, yên tịnh, không chỉ là nơi linh thiêng tôn giáo tín ngưỡng mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gắn kết tình nghĩa giữa nhân dân trong ngoài phường La Khê.

Đền Đức Thánh Bà có tiền đường được dựng 5 gian, xây kiểu 2 tầng 8 mái, phía trước là không gian mở, thoáng và hòa chung vào kiến trúc của cả khu đình. 

Trung cung và hậu cung được kết nối với tiền đường theo hình chữ Tam. Qua một khoảng sân, hai phía tả vu hữu vu đền Đức Thánh Bà là những công trình phục vụ du khách hàng hương, chuẩn bị đồ lễ bái.

Khu di tích Bia Bà còn gắn với truyền thống lịch sử của ngành Tòa án nước ta khi vào năm 1946, nơi đây diễn ra phiên tòa đầu tiên của nước Việt Nam độc lập xét xử những tên phản cách mạng.

 Năm 2013, Tòa án nhân dân tối cao quyết định xây dựng "Bia ghi dấu sự kiện địa điểm xét xử đầu tiên của Tòa án nhân dân tại Bắc Bộ" tại đình Bia Bà và được khánh thành vào ngày 20/4/2014. 

Hiện nay, các sinh viên theo học ngành Luật vẫn thường xuyên đến đây để học về lịch sử của ngành như một mốc son chói lọi, niềm tự hào của dân tộc.

Năm 1998, khu di tích đình – chùa – Bia Bà đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem