Không chỉ đẹp nhất xứ Đoài, đình So còn gắn với huyền tích đôi vợ chồng hiếm muộn sinh một lúc ba người con, trở thành Tam vị Đại vương bách chiến bách thắng.
Huyền tích cầu tự ở làng So
Được mệnh danh là "danh lam đệ nhất xứ Đoài", dân gian xứ Đoài lại có câu "Đẹp đình So, to đình Cấn" (đẹp đình So, to đình Cấn, bẩn đình Ngọc Than, tan hoang đình Phú Mỹ, cũ kỹ đình Yên Nội).
Đình So - Di tích Quốc gia đặc biệt thuộc xã Cộng Hoà và Tân Hoà (Quốc Oai, Hà Nội) còn ẩn chứa bao huyền tích lạ lùng từ thời nhà Đinh. Trải qua hơn nghìn năm, những câu chuyện lạ năm xưa vẫn không hề phai nhạt, mà còn như in đậm hơn trong mỗi cây cột, vì kèo đình So.
Theo ngọc phả đình làng So và các nguồn sử liệu, vào mùa Xuân năm Canh Dần (930), ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả ở hương Vạn Kỳ, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc nhà vốn nghèo, làm nghề đánh cá trên sông nhưng lại hay làm việc thiện. Một hôm hai ông bà chài lưới trên sông Như Nguyệt, kéo được 15 dật vàng (đơn vị đo lường cổ, P.V).
Từ đấy hai ông bà làm ăn cứ khấm khá mãi lên. Hiềm nỗi ông bà đã ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa có con. Ông vẫn thường nói: "Tiền rừng gạo bể mà không có con thì sống không được vui" và bàn với bà đi tìm nơi cầu tự. Họ nghe nói ở đền Hữu Linh làng So, trang Sơn Lộ là nơi linh ứng cầu gì được nấy, bèn cùng nhau sắm sửa lễ vật đến cầu tự.
Sớm hôm sau, ông bà làm lễ tạ rồi xuống thuyền xuôi dòng sông Đáy. Thuyền đang đi, trời bỗng nhiên tối sầm lại như đêm và một trận gió lớn ập đến. Lúc này thuyền chở ông bà đến địa phận trang Sơn Lộ, hai người ngẩng đầu nhìn lên thấy có đám mây vàng hướng vào bà Ả mà hạ xuống. Bà hoảng sợ, nằm miên man và sau đó có mang. Tháng 2 năm Quý Tỵ (933), bà sinh được 3 người con trai. Ba chàng lớn khôn rồi theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.
Chỉ trong vài năm, ba ông cùng Đinh Bộ Lĩnh lần lượt đánh thắng, bình định được 11 sứ quân. Tuy nhiên, khi đối mặt với sứ quân hùng mạnh nhất do Đỗ Cảnh Thạc (Độc Nhĩ Vương) làm chỉ huy ở khu vực Thanh Oai, Quốc Oai, Thạch Thất, quân của Đinh Bộ Lĩnh chịu nhiều tổn thất.
Để đánh bại được Đỗ Cảnh Thạc, Đinh Bộ Lĩnh phải bàn mưu tính kế. Hai bên giao tranh ác liệt trong hơn một năm (966 - 967). Chiến công lớn của ba vị chủ soái họ Cao cùng nghĩa quân làng So là trận chiến với sứ quân Đỗ Cảnh Thạc vùng Đỗ Động.
Khi vượt sông Thanh Quyết, các ông đánh thành Thường Vệ, vây thành Bảo Đà, đánh thành Quèn rồi đóng đồn doanh ở Sơn Lộ trang. Khi Đinh Bộ Lĩnh bị vây hãm ở Bối Khê, tình thế nguy cấp, lập tức ba ông mang quân giải vây.
Dân trang Sơn Lộ đã chọn 300 tráng đinh khỏe mạnh đi theo các ông làm thần tử. Trước ngày xung trận, dân làng mở tiệc khao quân bằng bún gạo, chè kho… trong 3 ngày liên tục đúng dịp Tết Đoan ngọ. Đến nay, người dân làng So vẫn có câu "mồng ba ăn bún, mồng bốn ăn chè, mồng năm giết sâu bọ".
Vào trận, ba anh em họ Cao cùng nghĩa quân làng So tả xung hữu đột chém được chánh tướng Đỗ Thanh Long và hàng nghìn sĩ tốt, giải thoát cho Đinh Bộ Lĩnh. Năm 968, loạn 12 sứ quân được dẹp hoàn toàn, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đã sắc phong 3 anh em họ Cao là Tam vị Thông Hiện Nguyên soái Đại vương.
Sau khi ba vị hóa về trời, nhân dân suy tôn là Tam Thánh Thành hoàng làng So và thờ tự các ngài ở một ngôi miếu được xây dựng vào thời nhà Đinh. Đến năm 1673 thời Lê trung hưng, miếu được tu bổ cũng như mở rộng thành đình So.
Xứ Đoài đẹp nhất đình So
Kiến trúc của đình So được các nhà nghiên cứu đánh giá và công nhận là một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc mẫu mực nhất. Quy mô hiện nay của đình theo kiểu nội công ngoại quốc, tổng cộng tất cả toà ngang dãy dọc của đình là 55 gian, với 64 cột lớn nhỏ.
Trải qua năm tháng, ngôi đình vẫn giữ được những nét đẹp tinh xảo và cổ kính. Đình nằm gối núi Rùa, trước mặt là đê sông Đáy đã được nắn dòng tạo thành hình như một hồ nước hình bán nguyệt. Cổng tam quan có kiến trúc 2 tầng, 3 gian, 4 mái, hai bên là hai lối cửa nhỏ ra vào. Các họa tiết trang trí và chạm khắc trên nóc tam quan vẫn còn giữ được nguyên vẹn, tinh xảo.
Qua cổng tam quan là đến tam môn, ở bốn góc có đầu đao cong tạo dáng mềm mại. Đình có tất cả bảy gian, 2 chái, 4 mái rộng lợp ngói. Đáng chú ý, mỹ thuật của đình So cực kỳ phong phú và đa dạng với các mảng chạm khắc có giá trị mỹ thuật và mang tính kỹ thuật cao. Các mảng chạm khắc ở đình So tập trung chủ yếu ở nghi môn, gian giữa tòa đại đình và ống muống.
Ở nghi môn có những bức chạm khắc các đề tài như hình tượng rồng - đề tài chính xuyên suốt từ nghi môn vào đến đại đình. Với bức chạm bộ "tứ linh", thì trung tâm là hai con rồng lớn đang trong tư thế quay đầu vào nhau, được thể hiện rất dữ tợn với hai mắt lồi to, trán u và mũi chạm vào nhau.
Tạo hình rồng này đã xuất hiện tai thú và ngay phía sau tai là các bờm được cách điệu như các đao lửa xuôi đều kiểu bạt phong. Thân rồng uyển chuyển lẩn khuất trong những đám mây, thân vảy to và chân đang trong tư thế cuốn mây, đuôi xoắn. Phía sau đuôi rồng là hình hai con phượng tung cánh bay lên, phía dưới có 2 con lân và 2 con long mã đối xứng nhau.
Hình ảnh long mã ở phía dưới mảng chạm cũng đang trong tư thế chạy và đầu hướng về phía lân như đang vui đùa. Cùng với long mã có xuất hiện rùa chở cuốn thư (Quy lạc thư) miệng phun nước, tượng trưng cho khát vọng cầu mùa gắn liền với tư duy đặc trưng gắn với nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Hình tượng cá chép cũng xuất hiện trong các mảng trang trí với đề tài long cuốn thủy.
Các mảng chạm khắc ở nghi môn được kết hợp nhiều phong cách khác nhau tạo ra sự đa dạng trong trang trí, từ chạm nổi hoa lá cách điệu đến chạm bong hình tượng rồng nghê, tạo nên những không gian đa chiều của kiến trúc nghệ thuật.
Trước cửa đại đình ở hai bên tam cấp được trang trí bằng 2 con rồng đá dài 1,55m rộng 70cm, độ dày thân là 32cm, chiều cao 92cm với thân ngắn và mập, trán thấp, mũi và miệng to, đuôi xoắn phía sau với vảy cá chép, điểm xuyến bằng các họa tiết mây lửa.
Vào trong đại đình, đề tài trang trí được thể hiện bao quát trong tòa là hình ảnh "tứ linh", mà chủ yếu là hình tượng rồng được thể hiện tất cả trên các bức cốn, y môn, đầu dư, xà nách và các kẻ trong gian lòng thuyền - trung tâm của đại đình.
Độc đáo làng 3 lễ hội
Đình làng So một năm có 3 lễ lớn: Lễ hội mùng 8/2 âm lịch, lễ khao quân mùng 10/7 âm lịch, lễ Thánh hóa mùng 10/12 âm lịch. Với lá cờ thần rộng tới 24m2, cứ mỗi khi cờ bay cùng với tiếng trống sấm vang lên chính là dấu hiệu nhận biết làng So có hội.
Lễ hội mừng ngày Thánh sinh là hội mùa Xuân, diễn ra vào ngày 8/2 rước bài vị từ Miếu Ông và Miếu Bà, là song thân của các Thánh về đình để chung hưởng sự thành kính của làng. Theo ghi chép trong sách cổ thì hội diễn ra trong 3 ngày nhưng không khí chuẩn bị cho ngày lễ này thì rộn dịp trước đó khá lâu.
Trong lễ hội mừng ngày Thánh sinh, vui và hồi hộp nhất là cuộc thi lợn anh. Theo đó, hàng năm, mỗi giáp chọn lấy một con lợn đen tuyền giao cho một nhà trong giáp nuôi. Nhà ấy cha mẹ song toàn, gái trai đầy đủ, hiếu hạnh.
Sau khi chọn được lợn mới ra đình xin chân nhang về để làm lễ trình. Kể từ đó, con lợn ấy được gọi là lợn anh, không ai được gọi là con lợn, mà cũng không được đánh mắng. Lợn anh được nuôi dưỡng theo một chế độ đặc biệt, chuồng trại và thức ăn sạch sẽ.
Vào ngày mồng 7/2, lợn anh của 28 giáp đều được tắm rửa bằng nước thơm, rước ra đình. 28 cái cũi xếp thành hai hàng dọc, trước sự chứng kiến của Thánh và hội đồng lý dịch chọn ra những lợn anh to nhất để cân xem anh nào nặng nhất để trao giải thưởng. Lợn anh của giáp nào được giải thì không chỉ người nuôi được vui mừng hãnh diện, mà cả giáp ấy đều thấy phấn chấn tự hào.
Theo nghi thức về việc mở lễ hội được ghi trong bản thần tích do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn, thì hội mở trong 3 ngày mới xong. Ngoài thi lợn anh, hát xướng còn có các trò chơi đánh cờ, đấu vật. Ngày lễ mừng Thánh sinh, các cô gái làng đi lấy chồng xa về làng rất đông vui và đua nhau làm lễ và cung tiến rất nhiều vào đình.
Hội thứ hai đình So là Lễ mừng thắng trận - khao quân vào 10/7. Đây là lễ hội kỷ niệm Thánh giải vây, thắng trận, tế cáo thiên địa và khao thưởng quân sĩ. Ngày này sẽ dâng tế vật là một con trâu. Làng có 28 giáp, mỗi năm có một giáp phải lo việc sắm sửa lễ vật. Như vậy, nếu năm nay giáp này chuẩn bị tế vật thì phải 28 năm sau mới lại đến lượt sắm lễ.
Con trâu phải được thui khéo, da vàng, quỳ trên giá gỗ, mõm hếch lên, còn sừng thì lấy giấy đỏ cuốn vào. Nội tạng của trâu đã được lấy ra làm sạch, nên con trâu tế được dân làng gọi là trâu trong.
Cảnh tượng hiến tế trâu trong thật long trọng tôn nghiêm. Sau khi tế xong, đồng dân cùng hưởng lộc, rồi chiều và tối thì tập trung nghe hát ở đình hoặc các miếu quán trong làng. Đào kép cũng có khi vừa hát xong ở miếu này lại xách đàn sang miếu khác.
Hội thứ ba là Lễ chay kỷ niệm ngày Thánh hoá 10 tháng Chạp. Công việc chuẩn bị được tiến hành trước đó cả tháng, những người chuẩn bị cho lễ chay là đám trai tân. Họ phải tắm rửa sạch sẽ rồi mới đến tập trung ở nhà ai đó để chọn gạo làm bánh.
Gạo được chọn kỹ từng hạt, không có hạt gãy, hạt chẩm. Bấy giờ mới đồ xôi, cho vào cối giã như giã bánh dầy. Nhân của bánh bằng đỗ xanh rang kỹ, nghiền nhỏ, trộn với nước mật cùng ương liệu thảo quả. Nhân này được bao bọc bằng xôi giã, cuối cùng lấy lá chuối bọc bên ngoài.
Vào ngày này, dân không tổ chức hội mà chỉ có lễ chay. Không có tổ chức rước xách và các trò chơi dân gian, cũng không có hát thờ. Tất cả các công việc chuẩn bị cho lễ cúng chay được thực hiện trong niềm thành kính nhất để tưởng niệm đến công lao và ân đức của Thánh.
Theo các cao niên làng So, lễ hội ngày nay đã đơn giản nhiều. Vẫn có bánh chay dâng Thánh, nhưng không có trâu trong, và tục nuôi lợn anh thì chỉ còn trong câu chuyện của những người già. Hát thờ ở cửa đình cũng không còn nữa nhưng người dân vẫn bày tỏ lòng thành kính lên Tam vị Nguyên soái Đại vương bằng các nghi thức tế lễ.
Đình So hiện lưu giữ được hệ thống tư liệu thành văn gồm: Bia đá "Đại đình bi ký" có niên đại vào năm Dương Đức năm thứ 3 (1673), bia đá niên đại năm Cảnh Hưng thứ 43 (1783), tảng đá kê chân cột hình hoa sen, rồng đá, nhang án gỗ.
Hiện vật giấy gồm cuốn thần tích, hương ước và hơn 40 đạo sắc phong thần từ năm Hoằng Định 2 (1601) thời nhà Lê đến năm Khải Định 9 (1924) thời nhà Nguyễn, cùng nhiều hoành phi, câu đối cổ.
Với những giá trị ấy, đình So 3 lần được tặng bằng xếp hạng Di tích Quốc gia: Di tích kiến trúc thế kỷ 17 (năm 1980); Di tích Lịch sử - Văn hóa (năm 1995) và Di tích Quốc gia đặc biệt (năm 2018).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.