Ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội nổi danh với nghề “xây nhà” cho loài chim quý tộc
Ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội nổi danh với nghề “xây nhà” cho loài chim quý tộc
Duy Huy
Thứ hai, ngày 17/04/2023 11:25 AM (GMT+7)
Làng Canh Hoạch thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai (Hà Nội) là ngôi làng cổ có truyền thống khoa bảng. Ngoài ra, ngôi làng này còn gắn liền với nghề làm lồng chim nức tiếng cả nước.
Clip ngôi làng Canh Hoạch ở ngoại thành Hà Nội. Thực hiện: Duy Huy.
Ngôi làng nổi danh có truyền thống hiếu học
Làng Canh Hoạch, còn có tên nôm là làng Vác, thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Nơi đây nổi tiếng là vùng đất truyền thống khoa cử. Làng Canh Hoạch có dòng họ Nguyễn thành đạt với nhiều người học giỏi, đỗ cao. Đây cũng chính là nơi sản sinh ra 2 Trạng nguyên, những bậc hiền tài của đất nước.
Hai vị Trạng nguyên của làng Canh Hoạch là Nguyễn Đức Lượng và Nguyễn Thiến. Đây là 2 cậu cháu, nên dân gian gọi là Trạng cậu, Trạng cháu.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng họ Nguyễn Đức ở làng Canh Hoạch, người trông coi nhà thờ Trạng nguyên của làng, kể: "Vị thủy tổ họ Nguyễn của làng là cụ Nguyễn Bá Ký. Cụ đỗ tiến sĩ năm 1463 dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Con cụ Nguyễn Bá Ký là Nguyễn Đức Lượng, đỗ Trạng nguyên năm 1514 dưới triều vua Lê Tương Dực. Nguyễn Đức Luọng được phong chức Tả Thị lang bộ Lễ, khi mất được phong tặng Thượng thư".
Ông Thắng cho biết thêm, Nguyễn Đức Lượng có người chị gái tên là Nguyễn Thị Hiền. Bà Nguyễn Thị Hiền gả cho Thám hoa Nguyễn Doãn Toại sinh được cậu con trai đặt tên là Nguyễn Thiến, có tên hiệu là Cảo Xuyên. Ngay từ 6 tuổi, bà Hiền đã cho Nguyễn Thiến theo học cậu là Nguyễn Đức Lượng.
Sau này Nguyễn Thiến cũng thành tài và đỗ Trạng nguyên năm 1532 dưới triều vua Mạc Đăng Doanh. Đó là sự tích Trạng cậu, Trạng cháu.
Lịch sử khoa bảng Việt Nam ghi nhận có 55 Trạng nguyên. Làng Canh Hoạch có 2 Trạng nguyên, là rất hiếm có ở Việt Nam. Chưa có làng nào ở Việt Nam có quá 2 Trạng nguyên. Ngoài làng Canh Hoạch chỉ có một làng nữa có 2 Trạng nguyên là làng Lương Xá, xã Phú Lương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Hàng năm cứ đến ngày Tết, ngày giỗ hai Trạng nguyên, các vị chức sắc cùng dân làng đều đem lễ vật đến thắp hương tại nhà thờ Trạng nguyên, tưởng nhớ công danh, sự nghiệp của 2 vị Trạng nguyên.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng họ Nguyễn Đức ở làng Canh Hoạch, cho biết thêm, lễ hội của làng Canh Hoạch tổ chức từ 11-13/3 âm lịch hàng năm. Hai Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng, Nguyễn Thiến có công lao với đất nước, nhiều công đức và ân nghĩa với dân làng. Cho nên cứ đến lễ hội làng, cả làng lại tổ chức rước kiệu, một là rước bát hương Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng, hai là Thái Bảo thường Quốc công Nguyễn Quyện, con của Trạng nguyên Nguyễn Thiến về để tế lễ.
Sau đó làng lại tổ chức rước về nhà thờ an vị ở Từ đường. Nhà thờ Trạng nguyên xây dựng từ năm 1596. Ở đây vẫn còn lưu giữ được nhiều di vật văn hóa như biển Tiến sĩ, bát hương cổ, 10 đạo sắc phong vua ban, có bức đại tự Trạng nguyên. Nhà thờ Trạng nguyên được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp Nhà nước".
Độc đáo lồng chim làng Vác
Nghề làm lồng chim ở làng Canh Hoạch (còn gọi là làng Vác) có từ lâu đời. Người được coi là ông tổ làng nghề phải kể đến cố nghệ nhân Nguyễn Văn Tý. Sau này, cụ Nguyễn Văn Tý truyền nghề cho con trai là Nguyễn Văn Nghi (cụ Ba Mi). Sinh thời, cụ Nguyễn Văn Nghi nức tiếng trong vùng bởi có "đôi tay vàng".
Trong làng Vác, nghệ nhân Nguyễn Thanh Sứ (sinh năm 1959) được biết đến là con trai của một gia đình có truyền thống làm lồng chim và là cha đẻ của khá nhiều chiếc lồng "độc". Ông cho biết, những tác phẩm được bán ở mức giá 10, 20 triệu đồng là khá phổ biến. Còn chiếc lồng cầu kỳ, tinh xảo nhất từ trước đến nay là do một vị đại gia đặt hàng, có giá lên đến 60 triệu đồng. Đây là những chiếc lồng dành cho những loài chim có giá đắt hay còn gọi là loài "chim quý tộc".
Đặc điểm của lồng chim làng Vác chính là để càng lâu càng bền, càng bóng (trừ để ngoài mưa). Mỗi loại chim cần một kiểu lồng nhất định, chim to lồng to, chim nhỏ lồng nhỏ hoặc cũng có loài chim nhỏ nhưng thích ở lồng to và phải làm sao tạo được sự hứng thú cho vật nuôi thì con vật mới hay hót và làm dáng. Trải qua thăng trầm, nhưng dù khó khăn đến đâu, người làng Canh Hoạch vẫn quyết tâm giữ nghề.
Theo ông Nguyễn Huy Sỹ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Dân Hòa, hiện cả làng có hơn 1.000 hộ làm lồng chim, thu hút mọi lứa tuổi tham gia. Các hộ làm lồng chim ở Canh Hoạch thường chủ động hoàn toàn từ khâu chọn tre, trúc cho đến khi hoàn thành sản phẩm bán cho khách hàng.
Lồng chim của Canh Hoạch được tiêu thụ khắp mọi miền đất nước và còn xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, đời sống người dân nơi đây luôn ở mức khá và đóng góp xây dựng làng quê ngày càng khang trang...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.