Ngôi làng ở Thủ đô người dân ngồi “đếm lá tính tiền” mỗi dịp Tết Nguyên đán
Ngôi làng ở Thủ đô người dân ngồi “đếm lá tính tiền” mỗi dịp Tết Nguyên đán
Song Phúc
Thứ hai, ngày 05/02/2024 11:14 AM (GMT+7)
Nằm cách trung tâm TP.Hà Nội khoảng 30km, thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng lá dong, phục vụ thị trường dịp Tết nguyên Đán.
Video người dân ở Tràng Cát thu hoạch lá dong cung ứng cho thị trường dịp cận Tết. Thực hiện: Song Phúc.
Thu hoạch nghìn lá một ngày
Đến Tràng Cát độ này, người dân nơi đây đang tất bật ra vườn cắt lá dong để kịp phục vụ nhu cầu gói bánh chưng Tết nguyên Đán 2024.
Từ khoảng mùng 8 tháng Chạp (Âm lịch) hàng năm, người dân tại làng lá dong Tràng Cát (xã Kim An, Thanh Oai, Hà Nội ) bắt đầu huy động người già, trẻ nhỏ thu hoạch lá dong để phục vụ người dân cả nước và xuất khẩu sang nước ngoài gói bánh chưng, bánh tét dịp Tết.
Hơn chục năm bền bỉ với loại cây trồng do ông cha để lại, chị Nguyễn Thị Khuyên (thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai) cho biết, dong là loại cây dễ tính, sống khỏe, mọc mang tính hoang dã và ưa bóng mát.
Vì vậy, người dân thường chọn ở những nơi có tán mát che phủ trong vườn nhà và đào các rãnh thấp hơn so với mặt đất từ 30 - 40 cm để trồng dong nhằm tạo độ ẩm thường xuyên trong đất, giúp cây sinh trưởng nhanh. Lá dong sau khi được cắt từ vườn về sẽ được người nông dân phân loại tỉ mỉ theo 3 loại với những kích thước khác nhau từ to đến nhỏ.
Theo kinh nghiệm của các chủ vườn trong làng, người dân nên bảo quản lá dong bằng cách dấp nước, bó lại và dựng đứng ở nơi có độ ẩm cao và phần cuống lá hướng xuống dưới. Với cách này, lá dong có thể để tươi tới 20 ngày.
Chị Khuyên chia sẻ: "Sức mua lớn nên nhiều gia đình phải huy động từ già đến trẻ nhỏ để chuẩn bị đóng hàng phục vụ cho dịp Tết cổ truyền. Vào dịp Tết số lượng lá dong có thể được cắt bán 10.000 lá/ngày".
Lá dong sau khi được cắt và chia thành từng bó sẽ được thu mua và vận chuyển bằng xe tải đến các tiểu thương hoặc những người mua lẻ.
Hy vọng Tết no với "ngọc xanh" của làng
Tràng Cát nằm trong vùng bãi bồi của sông Đáy, nơi đây có mạch nước ngầm tinh khiết chảy qua nên lá dong Tràng Cát vừa to, vừa đẹp, cây lại xanh mướt. Nơi đây được xem là vựa lá dong lớn nhất nhì miền Bắc và được mệnh danh là nơi trồng "ngọc xanh" của đất trời.
Sở dĩ lá dong Tràng Cát lại được ưa chuộng đến vậy suốt bao năm qua là do sự khác biệt với các loại lá dong rừng và vùng khác. Lá thường to tròn và dai, mặt dưới của lá có màu xanh non, cuống lá dài và đồng màu với gân lá.
Theo các chủ vườn, gói bánh bằng lá dong Tràng Cát, bánh sẽ cho màu xanh tự nhiên rất đẹp mắt và có vị thơm hấp dẫn sau khi luộc chín.
Cây lá dong cho thu hoạch quanh năm nhưng vụ chính là Tết Nguyên Đán, thường ngày, lá dong Tuấn Dị được cắt bán phục vụ cho các làng nghề gói bánh chưng, bánh tẻ ở khu vực lân cận Văn Giang, Mỹ Hào, Bát Tràng (Hà Nội)… Loại lá dong bán ngày thường chủ yếu là lá nhỏ, có giá 5.000 đồng/100 lá.
Chính vụ của lá dong bắt đầu từ mùng 10 cho đến 29 tháng Chạp. Lúc này, các hộ gia đình cắt lá dong bán phục vụ nhu cầu gói bánh chưng Tết. Trong khoảng thời gian này, đến thôn Tuấn Dị sẽ thấy những chiếc xe máy, ô tô nối đuôi nhau vào lấy hàng.
Trung bình mỗi hộ trồng dong ở Tràng Cát sẽ thu được khoảng 20 triệu đồng/mẫu cho một vụ lá dong Tết. Ông Khương Văn Khoái, trưởng thôn Tuấn Dị vui vẻ cho hay, nhờ có nghề này mà cuộc sống của người dân nơi đây cũng khá giả hơn. Lá dong là cây dễ trồng, dễ chăm, cho thu hoạch ổn định, không phụ thuộc quá vào thời tiết nên được nhiều gia đình lựa chọn trồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.