Ngôi nhà ấm áp của những người “không nhìn thấy mặt nhau”

Trần Phương Thứ hai, ngày 07/11/2016 14:30 PM (GMT+7)
Trong ngôi nhà nhỏ ở vùng ven TP.HCM, hàng trăm lượt người không thể nhìn thấy nhau nhưng lại chung sống dưới một mái ấm vui vầy.
Bình luận 0

Mái ấm Mây Bốn Phương

Con hẻm lầy lội dẫn chúng tôi đến ngôi nhà mang tên Mây Bốn Phương, đường Nguyễn Thị Nê, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Tấm biển bên ngoài nổi bật với các dòng chữ thiện nguyện giúp người đi không khó để nhận ra địa chỉ cần tìm. Cạnh những bóng mát của các bụi trúc liêu xiêu, căn nhà với chiều rộng khiêm tốn, ẩm thấp nấp dưới mái hiên cao chưa tới 2m.

Nghe tiếng xe máy dừng trước sân, biết có khách, người đàn ông nhỏ thó tuổi trạc tứ tuần bước ra, chân trước chân sau dò dò sợ ngã, đón chúng tôi. Anh là Lê Văn Đến (SN 1976), chủ nhân mái ấm,cho biết hiện trong nhà có tất cả 38 người sinh sống. Đa số là người mù không nơi nương tựa, các cụ già neo đơn, hay những đứa trẻ thơ không được gia đình chăm sóc.

Sau vài phút hỏi han, anh Đến sờ vào các nhạc cụ dựng trong nhà như trống, organ, sáo… rồi bảo: “Dù không thể thấy đường như những người bình thường, nhưng không ai muốn bám víu xã hội. Phải cố gắng để vượt lên trên số phận, sống đúng nghĩa như những người khác. Mái ấm này, ngoài việc chia sẻ nghề nghiệp giúp nhau, còn là chỗ để mọi người tâm tình, cảm thông với nhau nữa”, anh Đến nhẹ nhàng.

img

Mái ấm Mây Bốn Phương, nơi dừng chân của hàng trăm người khiếm thị. Ảnh Trần Phương

Anh Đến mời khách dạo một vòng. Sau căn nhà là những phòng trọ chia nhỏ. Được biết, các chi phí sinh hoạt, bữa ăn tại đây đều miễn phí.

Rồi, nghe âm thanh xa xa cùng tiếng trò chuyện, anh Đến giới thiệu, đây là chị Thu, anh Hiền, cụ Minh… Khi mọi người nghe lời hỏi han, cặp chân mày nhướng lên, quay mặt về hướng phát ra âm thanh, nhoẻn cười hiền lành.

Cũng tại đây, 10 năm trước, từ sự giới thiệu của những người bạn, anh Nguyễn Văn Hiền tìm đến và lấy mái ấm Mây Bốn Phương làm nhà. Qua tháng ngày học nghề, anh giờ đã có việc làm ổn định. Hằng ngày, anh vẫn đi làm như những người bình thường khác. “Với tôi, Mây Bốn Phương là một gia đình không thể thiếu, lâu lâu về thăm ba mẹ ở Đồng Nai rồi lại lên vì nhớ. Bởi, chỉ có ở đây, tôi mới tìm được những người đồng cảm.

Sống bằng niềm tin dù đôi mắt mù lòa

Tiếng chuông điện thoại reo, anh Đến cáo lỗi đi vào nhà, chị Loan (vợ anh) ngồi lại tiếp chuyện. Đó là một người phụ nữ gầy nhom, gò má sâu hút, nhưng có giọng nói biểu cảm. Chị kể,tình cờ gặp nhau ở quận 8, như một cơ duyên, anh chị tiến đến hôn nhân, về với nhau rồi thuê phòng trọ gần đấy để ở. Ngày mới cưới khổ lắm, ngoài định kiến rào cản từ gia đình, kinh tế eo hẹp của hai người cũng làm cuộc sống như đi vào ngõ cụt.

img

Anh Đến, chị Loan lo toan với những tháng ngày sắp tới. Ảnh Trần Phương

Thuở ấy anh đi bán vé số, chị làm phụ gia đình. Cả ngày, đôi vợ chồng trẻ tật nguyền kiếm được dăm ba chục ngàn để duy trì sinh hoạt giữa chốn thị thành. Cứ thế, anh chị chắt bóp chi tiêu, gom góp, để dành được một số tiền “lận lưng”.

Mảnh đất Củ Chi là nơi lựa chọn như mối lương duyên khi xóm trọ bị giải tỏa. Năm 2006, trong lúc đang phân vân không biết sẽ đi đâu về đâu, anh Đến gặp lại người quen cũ, rồi theo người này về đây ở, nhập nhóm đàn hát trong các dịp lễ lạt kiếm thêm thu nhập. Rồi dần dần anh chị vay mượn bạn bè, dựng nên căn nhà mơ ước của người khiếm thị cơ nhỡ như hiện tại.

Ở Mây Bốn Phương, những người khiếm thị khi thấy hợp với nghề nào sẽ được anh Đến, chị Loan “truyền” cho nghề đó. Anh thạo các dụng cụ đàn hát, vi tính, còn Chị khéo làm hạt cườm, ấn huyệt, massage…

Chị Loan chia sẻ: “Mình đã có nghề kiếm sống nên ai có nhu cầu đều truyền lại. Nhưng muốn thành công thì mình phải quyết tâm vượt lên rồi cố gắng với nghề. Ở đây đã có hàng trăm người đến học, khi có nghề thì ra làm rồi ở riêng, thỉnh thoảng ấy vẫn quay lại thăm những thành viên còn ở lại”.

Nhưng công việc của anh Đến gần đây không suôn sẻ. Anh lại tất bật với những lo toan, “Từ khi có mấy dàn loa hát tự động, rồi thùng kẹo kéo, công việc anh ít hẳn. Vợ chồng trăn trở vì thu nhập cả hai không là bao, mắt lại không nhìn thấy, giờ khó khăn chồng khó khăn”, anh Đến tâm tình.

Để lo cho mái ấm này, anh chị thế chấp giấy tờ nhà để vay gần 200 triệu đồng. “Ở đây, có một số ít người đi làm được thì khi có lương góp phụ bữa cơm, còn lại là người khiếm thị khó khăn, không thể làm việc được. Trong những lần nhập viện điều trị bệnh cho một số anh chị tại đây nhưng không đủ tiền, nên phải vay mượn. Nợ nần từ đó lớn dần”.

Vài ánh nắng xuyên qua mái tôn đã hoen thủng rọi vào người ngồi trong nhà cũng là lúc đứng bóng. Nắm chặt bàn tay anh Đến, chúng tôi thật cảm phục những lo toan của anh chị. Anh bảo: “Dù cuộc sống có thế nào, mình cũng không được nản. Nhất định, Mây Bốn Phương lại yên bình sau cơn khó khăn”.

Ngồi nghe chị kể chuyện, bỗng có ba đứa bé khoảng hơn 10 tuổi vận đồ học sinh dắt xe vào sân. Chúng đồng thanh gọi mẹ Loan, rồi quay sang cúi đầu chào khách. Chị cho biết, đó là những đứa con của những người khiếm thị khác, gia đình nuôi không nổi nên anh chị thương tình mang về cưu mang. Đến khi gia đình đủ điều kiện thì lại mang đi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem