Ngôi nhà ấm tình đồng đội

Thứ ba, ngày 20/07/2010 14:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tám năm về trước, chân đèo Cùa, thị trấn Cam Lộ, Quảng Trị là một vùng đất hoang, nhưng nhờ nghị lực của một người lính, nó đã trở thành một ngôi nhà chung ấm áp.
Bình luận 0

Nghị lực của một người lính

Quê của Trung úy Nguyễn Hữu Chiến, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 19 (Cam Thành, Cam Lộ) ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Mùa đông cách đây 8 năm, trong một lần hành quân, diễn tập cùng đồng đội, lúc ngang qua chân đèo Cùa, Nguyễn Hữu Chiến đã nán lại một lúc để nhìn bao quát đồi đất lừng lững, bên cạnh là hồ nước lớn trong xanh với nhiều suy nghĩ. Hai ngày sau đó, anh đạp xe từ đơn vị trở lại ngắm nghía đồi hoang và hồ nước với ý định xin đất làm trang trại.

Chân đèo Cùa từ nhiều năm nay không còn là đồi hoang, thay vào đó là màu xanh của cây bạch đàn, tràm hoa vàng và các loại rau như khoai lang, diếp cá, cải…

Biết chuyện, ba mẹ vợ anh hết lòng can ngăn, bởi theo họ chưa nói đến chuyện sẽ làm gì, ở nơi "khỉ ho cò gáy" ấy làm sao vợ con anh có thể sống được khi anh thường xuyên phải vắng nhà. Chiến thì khác, anh động viên vợ con, rồi với bản chất người lính Cụ Hồ, nghĩ là làm và tin chắc mình làm được.

Ban đầu, Chiến tận dụng hồ nước nuôi cá; về sau thấy cá chậm lớn do thức ăn ở đó khan hiếm, anh bàn với vợ nuôi heo, cải tạo đất xung quanh để làm vườn theo mô hình vườn - ao - chuồng. Hai năm đầu, lãi ròng từ mô hình này lên tới gần 100 triệu đồng/năm.

Nhưng sau đó, việc làm ăn của vợ chồng Chiến rơi vào bế tắc; heo, gà bị dịch bệnh triền miên; hoa màu bị mất trắng do hạn hán kéo dài. Điều đáng nói, cái khó đã đổ ập xuống gia đình Nguyễn Hữu Chiến không phải một lúc, mà kéo dài tới 2 năm, nhưng anh đã tìm được cách để vượt qua. Cái cách ấy cũng tựa như dũng khí của người lính lúc ra trận, lúc giáp mặt sinh tử với kẻ thù!

Ngôi nhà chung ấm áp

Năm 2006, vào thời điểm khó khăn nhất, anh đã cất công tìm hiểu và phát hiện mô hình làm lăng mộ đúc sẵn phù hợp với địa phương, anh quyết định đầu tư mô hình này. Ban đầu nhà xưởng có quy mô nhỏ, lao động cũng chỉ có vài người là anh em trong cùng đơn vị đã xuất ngũ.

Một thời gian sau, sản phẩm làm ra bán rất chạy nhờ vào các ưu điểm đẹp, rẻ và tiện lợi. Nguyễn Hữu Chiến nghĩ ngay tới đồng đội đồng chí là những người xuất ngũ có cuộc sống khó khăn, mời họ đến làm việc để họ có cơ hội vừa nâng cao thu nhập, vừa học hỏi, rèn luyện tay nghề. Đến nay, số công nhân làm ở cơ sở của anh đã lên tới gần 20 người, họ đều là bộ đội xuất ngũ…

Chân đèo Cùa từ nhiều năm nay không còn là đồi hoang, thay vào đó là màu xanh của cây bạch đàn, tràm hoa vàng và các loại rau như khoai lang, diếp cá, cải… Hồ nước rộng 1,5ha cũng đã hồi sinh với nhiều loại cá như trắm, rô phi đơn tính, mè, diếc… cho lãi ròng 50 triệu đồng/năm.

Niềm vui vừa nhen nhóm từ vài năm nay, song Nguyễn Hữu Chiến đã đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo quyền lợi kinh tế và chính trị cho anh em công nhân. Bên cạnh tiền lương từ 4- 4,5 triệu đồng/tháng/người, tất cả họ đều được hưởng chế độ bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

Thấy khách tìm hiểu cuộc sống nơi đây, ông Nguyễn Quang Phấn - một cựu chiến binh quê ở Cam Lộ, vào đây làm việc đã 3 năm, nghỉ tay, vui vẻ dẫn tôi thăm một vòng quanh khu nhà tập thể. Ở đó, mỗi công nhân có một giường hộp để ngủ, nghỉ và hai người cùng chung nhau một tủ đựng áo quần.

Nơi ăn uống, sinh hoạt đều có đầy đủ tiện nghi như bếp gas, máy giặt, bình tắm nóng - lạnh. "Sống ở đây như trong một gia đình, thoải mái và ấm cúng lắm chú ạ! Tôi nhờ vào làm ở đây mà nuôi được hai đứa con cùng học đại học một lúc đấy!" - ông Phấn bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem