“Ngôi nhà chiêm bao” lưu giữ văn hóa Thái

Kim Nhũ Thứ tư, ngày 05/02/2020 19:40 PM (GMT+7)
55 năm gắn bó với người Thái; nhiều tháng ngày “ăn bản, ở bản, ngủ bản” để sưu tầm, biên dịch từng câu tục ngữ, thành ngữ; những bản đàn và từng điệu múa dân gian… Hơn chục năm gần đây lại lặn lội kiếm tìm hiện vật cho bảo tàng mini làm nơi để truyền dạy, bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc Thái. Nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Thị Tấc đã làm những công việc đó bằng tình yêu, đam mê và sự tận hiến.
Bình luận 0

Thành cư dân của cộng đồng người Thái

Vào cuối những năm 1960, lúc Đỗ Thị Tấc mới 5 tuổi, mẹ chị gồng gánh mấy đứa con lên tận Lai Châu - nơi cha chị đang làm công nhân giao thông. Thời đó, cung giao thông của người Kinh luôn được đặt ở gần bản của người Mông, người Giáy hoặc người Thái. Khác hẳn với những đứa trẻ trong xóm, hàng ngày, cô bé Tấc lân la sang bản chơi, ra bãi chăn trâu, xuống suối bắt cá cùng đám trẻ con người Thái. Đặc biệt, những buổi tối vùng cao,  đứa bé ấy mê mẩn xem các cô gái Thái múa hát đến quên về. Nằm trên tảng đá ngước nhìn lên, bên ánh lửa bập bùng ma mị, hình ảnh những cô gái eo thon vung những dải khăn lụa mềm đủ màu sắc theo nhịp âm thanh của trống chiêng, làm tâm hồn cô bé rung lên đồng cảm: Nguồn cội của mình là ở đây! Mình thuộc nơi này.

img

Nhà nghiên cứu Đỗ Thị Tấc (phải) tổ chức lớp truyền dạy chế tác đàn tính tẩu tại Bản Mạ (Than Uyên, Lai Châu). Ảnh: K.N

Dồn hết tâm và lực vào những việc đó, nhiều khi chị bị đứng trên bờ vực phá sản và kiệt quệ về sức khỏe. Sau những lần bị tai biến, chị đã định buông xuôi, nhưng lúc đỡ một chút, chị lại lao vào công việc, quên sự nguy hại tính mạng...

Từ những ngày đó đã hình thành và hằn sâu trong tâm thức cô bé về chuẩn của cái đẹp chính là hình ảnh các cô gái thắt đáy lưng ong trong bộ trang phục váy đen, áo cóm với hàng cúc bạc lấp lánh...

Lớn lên một chút, những ngôi nhà sàn nhấp nhô trên sườn núi có sức hút kỳ lạ với cô bé Tấc. Cô có cảm giác như đó mới là nhà mình, là dân tộc mình. Cô làm con của người Kinh chẳng qua chỉ là “được gửi nhờ” một thời gian nào đó mà thôi. Thấy một đứa bé người Kinh suốt ngày lang thang trong bản, biết nói tiếng Thái, thích ngồi bên bếp lửa nghe các cụ kể chuyện ngày xưa, thích ăn những món ăn của người Thái..., một gia đình trong bản đã nhận Tấc làm con nuôi. Từ đó, chị trở thành cư dân của cộng đồng này.

Đau đáu về một miền văn hóa

Đỗ Thị Tấc tâm sự: Những năm đi học chuyên nghiệp dưới xuôi, tôi như con cá bị bật lên bờ. Thế rồi chẳng hiểu có sự thôi thúc nào ở bên trong sâu thẳm, “xui” chị đi học báo chí. Trở về, làm phóng viên truyền hình, Đỗ Thị Tấc càng có điều kiện để đi, sưu tầm, viết và suy ngẫm. Rồi lãnh đạo tỉnh Lai Châu động viên Tấc sang quản lý Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nhưng thuộc típ người không màng chức tước, chị đã ba lần từ chối. Đến khi bạn bè phân tích, sang đó sẽ nhiều thời gian và cơ hội về sống ở  bản để thực hiện ước mơ của mình, vậy là Tấc đồng ý và làm đến chức Chủ tịch Hội. Trong nhiều năm nghiên cứu và sưu tầm, chị thấy văn hóa Thái là cả một kho tàng đồ sộ, những di sản dân ca, dân vũ, âm nhạc… vô cùng phong phú. Vậy mà, vì nhiều lý do, theo thời gian, cái kho tàng đó đã dần bị biến mất.

Trong các đám cưới, thay vì hát Đón con rể, Tiễn con gái đi làm dâu, Đón con dâu về nhà... thì người lớn chỉ nói chuyện, trẻ em bật nhạc nhảy disco và hip - hop. Đến bản, không còn gặp trẻ em hát đồng dao và chơi trò chơi dân gian như Tó má lẹ, ném còn, cưỡi đu... nữa. Đặc biệt, tiếng nói và chữ viết mới là điều chị lo lắng nhất. Hiện nay, cả mường, người đọc được chữ Thái cổ chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà những người đó thì cũng xấp xỉ hai năm mươi rồi. Trẻ con từ tiểu học trở đi thì chỉ nói được những từ thông dụng của tiếng mẹ đẻ.

Thực trạng đó làm Đỗ Thị Tấc trăn trở, đau đáu và thấy mình mắc nợ vùng văn hóa này.

Ngôi nhà chiêm bao

Ngay từ thời còn trẻ, Đỗ Thị Tấc đã ước mơ sau này mua và dựng được cái nhà sàn, bày trí trong nhà đúng như một gia đình người Thái truyền thống. Đó là không gian văn hóa, tâm linh để chị cùng các nghệ nhân trao truyền lại các di sản văn hóa của dân tộc cho thế hệ trẻ. Chị âm thầm chuẩn bị cho điều đó trong mỗi lần đi công tác lên tận vùng cao, nơi xa nhất đến 300km mà chủ yếu là đi bộ. Có lần một mình vượt sông Đà bằng con thuyền độc mộc để đến những nơi cần đến. Mỗi lần như vậy là cả tháng trời ăn ở cùng bà con dân bản, sưu tầm hiện vật, tìm hiểu văn hóa dân gian, biệt lập hoàn toàn với văn minh thị thành bằng cách tắt  điện thoại không liên lạc với ai...

Song, làm được điều đó là phải có tiền. Công tác phí Nhà nước cấp chỉ đủ mua chút kẹo bánh, ít thuốc chữa bệnh… làm quà cho trẻ con, người già mỗi khi về bản. Vậy nên, 7 năm trời chị phải bán đất, bán nhà, lần lượt bán tất cả những gì mình có để dồn cho cái bảo tàng mini được hình thành.

Hiện nay, tại bảo tàng mini ở Bản Mạ (xã Mường Cang, huyện  Than Uyên, Lai Châu) ấy, hiện vật rất nhiều và phong phú, chị đang tính xin cấp phép lập bảo tàng tư nhân. Tuy nhiên, chị tâm sự: Cái nhà và những hiện vật đó chỉ là cái xác. Mục đích cuối cùng của chị là phải lưu giữ, bảo tồn được cái “hồn cốt” kia. Cũng có nghĩa là “bảo tồn sống” được các di sản văn hóa dân gian tại cộng đồng bản.

Từ ba năm nay, tại ngôi nhà này, hàng tháng chị Tấc cùng những nghệ nhân tâm huyết truyền dạy: Chữ Thái; chế tác sử dụng nhạc cụ; văn học, trò chơi dân gian… cho trẻ em người Thái trong mường; cho giáo viên, cán bộ các ban, ngành của huyện. Lớp được 3 người cũng dạy, 5 người, 7 người cũng dạy. Rồi để người nọ dạy cho người kia, đến khi ngấm vào máu rồi thì muốn xóa nó cũng khó. Mục đích để mỗi người được truyền dạy sẽ là một “bảo tàng sống” về văn hóa của dân tộc họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem