Ngồi tù tại Philippines, ông trùm vẫn điều hành băng đảng ở Nhật Bản

Thứ sáu, ngày 24/02/2023 17:48 PM (GMT+7)
Dù bị giam giữ ở Philippines, ông trùm có biệt danh "Luffy" vẫn điều hành tổ chức tội phạm hàng trăm thành viên tiến hành các vụ lừa đảo, cướp tài sản ở Nhật Bản.
Bình luận 0

Trong hơn 3 năm, hàng nghìn nạn nhân tại Nhật Bản bị một tổ chức tội phạm chiếm đoạt hơn 45 triệu USD thông qua các vụ lừa đảo qua điện thoại. Tổ chức này sau đó tiến hành thêm ít nhất 50 vụ cướp tại 14 tỉnh của Nhật Bản.

Điều gây sốc cho các cơ quan chức năng là các vụ án có liên hệ trực tiếp tới một băng nhóm đặt căn cứ ở Philippines. Ngay cả khi bị bắt và ngồi tù từ 2021, ông trùm của tổ chức vẫn tiếp tục điều hành đường dây tội phạm, theo Japan Times

Ông trùm Luffy

Yuki Watanabe, 38 tuổi, có biệt danh là "ông trùm", được cho là đứng sau tổ chức tội phạm tiến hành hàng loạt vụ lừa đảo, cướp tài sản ở Nhật Bản. Các đàn em của Wantanabe gồm Tomonobu Kojima, Toshiya Fujita và Kiyoto Imamura, tất cả đều ở độ tuổi khoảng 40. Đầu tháng 2, Wantanabe và các chiến hữu đã bị trục xuất về Nhật Bản.

Theo truyền thống, các tổ chức tội phạm Nhật Bản, hay còn gọi là yakuza, thường chỉ hoạt động trong một địa bàn truyền thống. Nhưng nhóm của Watanabe thì khác, có phạm vi gây án rộng khắp, từ khu vực đại đô thị Tokyo cho tới tỉnh Yamaguchi ở phía Tây.

Ngồi tù tại Philippines, ông trùm vẫn điều hành băng đảng ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Yuki Watanabe (trái) và Tomonobu Kojima (phải). Ảnh: Kyodo.

Chính đặc điểm địa bàn hoạt động này khiến các nhà điều tra bối rối, không rõ nhóm của Watanabe là chủ mưu thực sự hay chỉ là những con rối bị các tổ chức khác giật dây.

Watanabe và các đàn em được cho là điều hành tổ chức tội phạm của mình giống như một doanh nghiệp.

Trước khi sa vào con đường phạm pháp, Watanabe từng có thời gian làm nhân viên bán hàng tại một quầy bar ở Sapporo. Watanabe sau đó tới Thái Lan và thực hiện các phi vụ lừa đảo qua điện thoại. Năm 2017, Watanabe chuyển căn cứ hoạt động tới Philippines.

Tại Manila, ông trùm tự xưng là Luffy, bắt chước theo biệt danh của nhân vật Monkey D Luffy trong bộ truyện tranh nổi tiếng One Piece. Watanabe điều hành các phi vụ thông qua nhiều địa điểm trung gian khác nhau.

Một trong các địa điểm mà Watanabe từng sử dụng là một khách sạn bị bỏ hoang. Địa điểm này bị cảnh sát trấn áp năm 2019, vụ việc khiến 36 công dân Nhật Bản bị bắt vì lừa đảo qua điện thoại.

Năm 2021, ông trùm Luffy bị bắt tại một khách sạn 5 sao ở Philippines, sau khi bị Interpol đưa vào danh sách truy nã quốc tế với cáo buộc lừa đảo và tống tiền. Tuy vậy, việc bị cảnh sát bắt giam không hề cản trở công việc làm ăn của ông trùm này.

Lừa đảo và cướp bóc

Lợi dụng tâm lý chán nản của những người trẻ Nhật Bản rơi vào cảnh lương thấp, tương lai nghề nghiệp bấp bênh, nhóm của Watanabe thông qua mạng xã hội tuyển dụng nhiều người với lời hứa về công việc bán thời gian "lương cao", "dễ kiếm tiền".

Nhiều người tin vào các quảng cáo tuyển dụng ở độ tuổi thanh niên và rất cần tiền. Để được tuyển dụng, những người này phải chụp ảnh chân dung, kèm căn cước công dân và gửi cho nhóm của Watanabe. Thông tin này giúp nhóm của Watanabe biết được thông tin cá nhân của họ.

Những thanh niên này sau đó tham gia vào các phi vụ lừa đảo, cướp và chuyển số tiền bất chính kiếm được từ Nhật Bản tới Philippines.

Ngay cả khi biết đang dấn thân vào hoạt động phạm pháp, những người này không thể rút lui bởi bị nhóm của Watanabe đe dọa bằng những thông tin cá nhân đã thu thập được trước đó. Trong quá trình điều tra, nhiều người từng nằm trong tổ chức tội phạm của Watanabe lựa chọn im lặng bởi sợ gia đình họ bị trả thù.

Ngồi tù tại Philippines, ông trùm vẫn điều hành băng đảng ở Nhật Bản - Ảnh 2.

Các đối tượng trong tổ chức của Watanabe bị cảnh sát Philippines bắt giữ. Ảnh: The Star.

Sau mỗi vụ phạm pháp, những người mà nhóm của Watanabe chiêu mộ sẽ được thưởng tiền tùy vào số tiền hoặc sản phẩm mà họ lừa đảo hoặc cướp được. Theo tờ Yomiuri, một người có thể kiếm được số tiền từ 6.000 USD tới 12.000 USD trong một phi vụ. Số tiền phạm pháp còn lại sẽ được chuyển tới Philippines cho Watanabe.

Trong một phi vụ lừa đảo điển hình, đường dây của Watanabe cử một người đóng giả cảnh sát hoặc nhân viên từ Cơ quan dịch vụ tài chính gọi điện cho nạn nhân và thông báo tài khoản của họ bị tấn công. Nạn nhân được yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, gồm thẻ ATM và mã pin.

Trong vòng một giờ, một thành viên của băng nhóm sẽ tới nhà nạn nhân, sử dụng căn cước giả. Người này sẽ yêu cầu nạn nhân cho thẻ ATM vào phong bì. Khi nạn nhân mất tập trung, người này sẽ tráo thẻ ATM với một thẻ giả khác trông giống hệt.

Thẻ ATM sau đó được chuyển cho một người thứ ba, đây là người sẽ rút hết tiền từ tài khoản của nạn nhân.

Sau khi nhà chức trách Nhật Bản mạnh tay triệt phá hành vi lừa đảo qua điện thoại, đường dây của Watanabe có 70 người bị bắt. Ông trùm sau đó quyết định chuyển sang tổ chức các vụ cướp.

Nhóm tội phạm đóng giả nhân viên tiếp thị qua điện thoại nhằm thăm dò thói quen sống và tài sản của đối tượng, lợi dụng tình trạng nhiều người già sống một mình ở Nhật Bản. Từ đây, nhóm này lên danh sách các mục tiêu tiềm năng.

Các vụ cướp được chỉ huy qua điện thoại, chỉ đạo được gửi đi qua ứng dụng Telegram. Nhóm này sẵn sàng sát hại nạn nhân nếu đối tượng chống cự.

Ít nhất một nạn nhân đã thiệt mạng trong tay nhóm của Watanabe. Người này là Kinuyo Oshio, 90 tuổi, sống tại Komae. Nhóm cướp đã lấy đi 3 đồng hồ xa xỉ, một nhẫn kim cương và số tiền mặt khoảng 4.000 USD. Vụ cướp xảy ra hôm 19/1.

Một vụ cướp khác xảy ra ở quận Nakano, thủ đô Tokyo. Nhóm cướp giả làm nhân viên giao hàng xông vào nhà của nạn nhân, cướp đi hơn 200.000 USD tiền mặt trong chưa đầy 4 phút.

8 người đã bị bắt liên quan tới vụ cướp này. Một trong các nghi phạm nói cả nhóm chỉ tập trung để tiến hành phi vụ và không quen biết nhau trước đó.

Từ tháng 10/2022, ít nhất 70 người đã bị bắt trong các vụ cướp khắp Nhật Bản liên quan tới băng nhóm của Watanabe. Tất cả những người bị bắt đều dưới 30 tuổi, trong đó có một binh sĩ thuộc lực lượng phong vệ Nhật Bản.

Chỉ đạo từ nhà tù ở Philippines

Theo quy định của pháp luật Philippines, một người sẽ không bị dẫn độ cho nước ngoài tới khi hoàn tất các thủ tục tố tụng. Watanabe và các đàn em lợi dụng điều này để kéo dài thời gian bị giam ở Philippines, bất chấp giới chức Nhật Bản nhiều lần yêu cầu dẫn độ.

Trong trường hợp của Watanabe, ông trùm để vợ cũ liên tục nộp đơn tố cáo hành vi bạo lực gia đình và lạm dụng thể chất, vì thế Watanabe bị kết án và ngồi tù tại nhà tù Bicutan ở Manila.

Đầu tháng này, tòa án Philippines kết luận đơn kiện của vợ cũ Watanabe chỉ là dàn dựng, qua đó hủy bản án với Watanabe. Ông trùm sau đó bị dẫn độ về Nhật.

Ngồi tù tại Philippines, ông trùm vẫn điều hành băng đảng ở Nhật Bản - Ảnh 3.

Cơ sở nơi giam giữ Watanabe. Ảnh: Kyodo.

Truyền thông Nhật Bản dẫn các nguồn tin cho hay cai tù ở Bicutan đã cung cấp SIM, điện thoại thông minh và kết nối wifi cho Watanabe.

Theo Asahi, một tù nhân nói tồn tại một nền kinh tế ngầm ở Bicutan. Các tù nhân có thể hối lộ để mang vào điều hòa, vòi hoa sen, pizza và bia. Đầu tháng này, toàn bộ 36 nhân viên tại nhà tù Bicutan đã bị sa thải, TBS đưa tin.

Cảnh sát Philippines đã bàn giao cho nhà chức trách Nhật Bản 15 điện thoại, máy tính bảng mà nhóm của Watanabe sử dụng khi ở trong tù.

Cảnh sát Nhật Bản lo ngại họ mới chỉ khám phá ra tảng băng chìm liên quan tổ chức của ông chùm Luffy.

Một người bị bắt trong vụ cướp hồi tháng 11/2022 ở Yamaguchi khai đã gặp trực tiếp Luffy tại Nhật Bản, điều không thể xảy ra bởi khi đó Watanabe và đồng bọn đang ngồi tù ở Manila.

Câu hỏi đặt ra là liệu có còn ông trùm nào khác, quyền lực hơn Watanabe, ở phía sau tổ chức này.

"Nếu kẻ chủ mưu sau cùng còn chưa bị bắt, chúng có khả năng sẽ tái tổ chức và tiếp tục các hành vi phạm tội", Yuichi Sakurai, cảnh sát Nhật Bản về hưu, cảnh báo.

 


 

Duy Anh (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem