Kinh hoàng các trận đánh lớn đẫm máu trong cuộc chiến Nga-Ukraine trong suốt 1 năm xung đột
Điểm lại các trận đánh lớn đẫm máu trong cuộc chiến Nga-Ukraine trong suốt 1 năm xung đột
Phương Đăng (theo Aljazeera)
Thứ năm, ngày 23/02/2023 15:08 PM (GMT+7)
Trong 1 năm xung đột, nhiều trận đánh lớn đẫm máu đã diễn ra giữa lực lượng Nga và Ukraine, gây tổn thất đáng kể cho cả 2 bên tham chiến, theo Aljazeera.
Trong vài ngày đầu tiên của cuộc chiến, quân Nga đã tiến về thủ đô Kiev từ Belarus ở phía bắc. Các lực lượng Nga nhắm mục tiêu vào các mục tiêu chính bao gồm sân bay quốc tế Boryspil và chiếm được Hostomel, sân bay chính của thủ đô Ukraine.
Đến cuối tháng 2/2022, Kiev bị quân đội Nga bao vây và người dân Ukraine được khuyến khích chiến đấu bằng cách sử dụng vũ khí tạm thời như bom xăng. Hình ảnh vệ tinh cho thấy một đoàn xe bọc thép dài 40km của Nga "án ngữ" bên ngoài thủ đô Kiev.
Bất chấp các cuộc bắn phá kéo dài, các lực lượng Nga không thể giành quyền kiểm soát thủ đô của Ukraine, vì họ phải đối mặt với những thách thức về hậu cần và sự kháng cự dữ dội của Kiev.
Đến giữa tháng 3/2022, lực lượng Ukraine đã tiến hành một cuộc phản công chống lại quân Nga.
Một loạt các cuộc phản công cục bộ thành công đã dẫn đến việc lực lượng Ukraine chiếm lại các thành phố xung quanh Kiev. Đến ngày 3/4/2022, lực lượng của Moscow rút khỏi Kiev, đánh dấu chiến thắng của các lực lượng Ukraine để bảo vệ thủ đô của họ.
Cuộc vây hãm Mariupol
Cuộc bao vây Mariupol, một thành phố cảng phía nam nổi tiếng với các nhà máy thép lớn của Nga bắt đầu vào ngày 24/2 và kéo dài gần ba tháng.
Thành phố với dân số trước chiến tranh là 450.000 người đã phải hứng chịu một số cuộc giao tranh ác liệt nhất trong cuộc chiến. Đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo ra các hành lang nhân đạo để giúp dân thường sơ tán trong bối cảnh pháo kích không ngừng, khiến nguồn cung cấp điện nước bị cắt.
Điện Kremlin coi thành phố cảng Mariupol là cầu nối với bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014. Bên cạnh việc thiết lập một hành lang trên bộ, Mariupol cũng được cho là một phần trong kế hoạch của Moscow để bóp nghẹt nền kinh tế Ukraine.
Nhà máy thép Azovstal, một trong những nhà máy luyện kim lớn nhất ở châu Âu, là tâm điểm của cuộc vây hãm Mariupol vào tháng Tư và tháng Năm. Khu phức hợp này được sử dụng làm nơi trú ẩn của lực lượng Ukraine và dân thường. Theo nhà chức trách Ukraine, có 1.000 thường dân trú ẩn tại nhà máy vào ngày 18/4/2022.
Vào ngày 21/4/2022, quân đội Nga được lệnh phong tỏa lực lượng Ukraine bên trong nhà máy thép Azovstal.
Quân đội Ukraine đã cầm cự ở bên trong nhà máy hơn 80 ngày và chống lại lực lượng Nga. Tuy nhiên, vào giữa tháng 5/2022, khoảng 1.700 binh sĩ Ukraine đã đầu hàng và ít nhất 1.000 người được chuyển đến Nga, dẫn đến sự thất thủ của Mariupol.
Trận Kharkov
Tỉnh Kharkov có thành phố lớn thứ 2 của Ukraine. Kharkov đã hứng chịu sự tàn phá nặng nề kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Lực lượng của Moscow tiến vào Kharkov từ Belgorod, một thành phố của Nga chỉ cách biên giới Ukraine 80km.
Vào cuối tháng 3/2022, thành phố chiến lược Izyum thuộc Kharkov rơi vào tay lực lượng Nga. Trong vài tháng, giao tranh gia tăng trên toàn tỉnh với hàng loạt cuộc pháo kích của Nga và các cuộc phản công của Ukraine.
Vào ngày 6/9/2022, Kiev đã phát động một cuộc phản công lớn ở Kharkov và chiếm lại hơn 3.000km2 lãnh thổ trong vòng chưa đầy một tuần, theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar. Trong những tuần tiếp theo, Kiev giành lại nhiều lãnh thổ hơn ở phía nam Kharkov.
Các lực lượng Ukraine đã chiếm lại Izyum ở miền đông Ukraine vào ngày 12/9/2022. Đây là thành công quân sự quan trọng nhất của họ kể từ trận Kiev vào tháng 3, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW). ISW nhận định rằng, thành công này đã giáng một đòn nặng nề vào Nga, làm suy yếu khả năng thực hiện các cuộc tấn công bằng pháo của Moscow vì thành phố này là một trung tâm quan trọng để nhắm mục tiêu vào khu vực Donetsk.
Trận Kherson
Các lực lượng Nga tấn công Kherson từ Crimea ở phía nam Ukraine. Tối ngày 24/2/2022, quân Nga đến thành phố Kherson và chiếm được cầu Antonivsky nối Kherson với Mykolaiv qua sông Dnepr.
Thành phố Kherson, thủ phủ của tỉnh cùng tên, nằm ở bờ tây của sông Dnepr, trong khi phần lớn tỉnh Kherson nằm ở phía đông của con sông này.
Các lực lượng Nga đã giành được quyền kiểm soát khu vực này vào đầu tháng 3. Vào ngày 2/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, thành phố Kherson nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Nga. Đến ngày 15/3, Moscow tuyên bố tiếp quản toàn bộ khu vực.
Vào ngày 10/7/2022, Ukraine kêu gọi dân thường ở vùng Kherson sơ tán để chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công trong khu vực.
Vào cuối tháng 7, các cuộc pháo kích của Ukraine đã làm hư hại cây cầu chiến lược Antonivsky.
Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đến cuối tháng 9/2022, các lực lượng Ukraine đã chiếm lại hơn 500km2 lãnh thổ và hàng chục khu định cư ở vùng Kherson.
Các lực lượng Ukraine đã có thể chọc thủng phòng tuyến của Nga, nhắm mục tiêu vào các tuyến liên lạc trên bộ, kho đạn dược cũng như các tài sản quân sự và vận tải của đối phương.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu ngày 9/11/2022 tuyên bố Nga sẽ rút quân khỏi thành phố Kherson, miền Nam Ukraine.
Các quan chức Nga cho biết, quyết định này được đưa ra để cứu mạng các binh sĩ Nga trước cuộc phản công của Ukraine.
Trận chiến đẫm máu ở Severodonetsk và Lysychansk
Thành phố Severodonetsk và Lysychansk bắc qua sông Siverskyi Donets có tầm quan trọng đáng kể và là những khu vực chiến lược duy nhất của vùng Lugansk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Kiev vào tháng 5/2022.
Vào cuối tháng đó, các lực lượng Nga tiến vào trung tâm Severodonetsk từ phía bắc và phía nam, bất chấp sự kháng cự quyết liệt của bộ binh Ukraine.
Severodonetsk, cách biên giới Nga 143km về phía nam và có dân số khoảng 100.000 người trước chiến tranh, là một trong những trung tâm đô thị quan trọng nằm trên tuyến đường của Nga để chiếm toàn bộ vùng Lugansk, mục tiêu chính của quân đội Moscow.
Đến giữa tháng 6, lực lượng của Moscow đã giành được quyền kiểm soát phần lớn thành phố và đến ngày 24/6, lực lượng Ukraine được lệnh rút lui.
Trận chiến di chuyển từ Severodonetsk đến thành phố song sinh Lysychansk, bên kia sông Siverskyi Donets. Vào ngày 25/6/2022, các lực lượng Nga và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn bắt đầu tiến vào Lysychansk từ phía nam. Nga đã tiến hành các cuộc không kích và pháo kích dữ dội nhằm chinh phục Lysychansk. Dân thường được lệnh sơ tán khỏi thành phố và sau đó quân đội Ukraine bị tiêu diệt, Lyschansk rơi vào tay lực lượng của Moscow vào ngày 3/7/2022.
Trận Bakhmut
Sau khi các lực lượng Nga chiếm được các thành phố Severodonetsk và Lysychansk ở vùng Lugansk vào tháng 6 và tháng 7/2022, Moscow bắt đầu một cuộc tấn công đẫm máu vào thành phố Bakhmut ở vùng Donetsk lân cận.
Vào cuối tháng 7, Moscow đã giành được lãnh thổ xung quanh Bakhmut và Avdiivka. Đến tháng 8, các lực lượng Nga và lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner tiến về Bakhmut với các cuộc không kích và pháo kích gia tăng. Lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner cũng chọc thủng tuyến phòng ngự của Ukraine ở ngoại ô phía đông Bakhmut.
Đến tháng 10/2022, quân đội Nga đã có thể xâm nhập vào các vùng ngoại ô phía đông bắc và phía nam của Bakhmut, nhưng cuối cùng họ đã bị Ukraine phản công đẩy lui.
Dân số trước chiến tranh của Bakhmut là khoảng 70.000. Ngày nay, ước tính chỉ còn khoảng 2.000 thường dân vẫn ở lại thành phố. Nhiều người đang cố sống sót trong điều kiện vô cùng tồi tệ không điện, không nước và không khí đốt để sưởi ấm khi xung đột diễn ra ác liệt.
Hàng trăm binh lính được báo cáo là đã chết và bị thương mỗi ngày cho cả hai bên tham chiến.
Kiev cho biết Nga đang chịu tổn thất nặng nề và phần lớn binh sĩ thiệt mạng là lính đánh thuê Wagner. Moscow tuyên bố ngược lại.
Đến cuối tháng 11/2022, các lực lượng Nga đã tiến vào phía nam Bakhmut, chiếm được các khu định cư như Ozarianivka, một ngôi làng cách thành phố 15km về phía tây nam.
Được mô tả là một trong những chiến dịch đẫm máu nhất của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, trận chiến giành Bakhmut vẫn đang tiếp diễn.
Khi cuộc xung đột gần đến ngày kỷ niệm một năm, có những lo ngại về các cuộc tấn công mới dữ dội hơn của Nga nhằm giành quyền kiểm soát Bakhmut - nơi đã trở thành biểu tượng cho sự kháng cự quyết liệt của Ukraine với các khẩu hiệu như "giữ lấy Bakhmut".
Trận chiến giành Soledar
Ngày 13/1/2023, Moscow cho biết các lực lượng của họ đã giành quyền kiểm soát thị trấn khai thác muối Soledar gần Bakhmut của Ukraine sau nhiều tuần giao tranh ác liệt.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiến thắng này có thể xảy ra là do Moscow "liên tục bắn phá" thành phố bằng tên lửa, pháo binh và máy bay.
Bộ cũng nhấn mạnh, việc kiểm soát Soledar sẽ cho phép các lực lượng Nga cắt đứt các tuyến tiếp tế của Ukraine ở Bakhmut và sau đó “chặn và bao vây các đơn vị Ukraine ở đó”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.