|
Cầu đường ở Vĩnh Phước đang chờ được nâng cấp, sửa chữa. |
5 năm chưa xong đường
Vĩnh Phước là xã mới chia tách, thuộc vùng kinh tế mới của Tứ giác Long Xuyên, huyện Tri Tôn, An Giang cách đây 5 năm. Cuối năm 2007, xã được đầu tư dự án làm đường, sử dụng nguồn trái phiếu của Chính phủ, với tổng kinh phí 20 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đầu năm 2008 triển khai, nhưng đình trệ. Thấy vậy, tỉnh An Giang quyết định hỗ trợ xã tiền trượt giá 7 tỷ đồng.
"Đơn vị thi công ở đâu tận ngoài Bắc, liên lạc rất khó khăn. Mà, mình là cấp xã, đâu dám… nhúc nhích. Chỉ hỏi thăm chừng chừng thôi" - anh Nguyễn Văn Văn - Chủ tịch UBND xã cho biết.
Đường về trung tâm Vĩnh Phước lầy lội, xe 2 bánh đi còn khó nói gì đến xe 4 bánh. Thậm chí mỗi khi lãnh đạo huyện Tri Tôn về làm việc, cán bộ xã đi lên huyện có khi phải đi bằng tắc ráng.
Ông Nguyễn Văn Văn - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phước
Đường làm dở dang, 3 cây cầu sắt cũng chưa lắp ráp. Nắng còn đỡ một chút, mưa xuống thì đâu ở đó là chắc ăn nhất! Cụm trụ sở hành chính của Vĩnh Phước lọt thỏm giữa công trình, đất đá ngổn ngang bao vây 2 đầu đường cao ngút đầu.
Đường sá như thế, mọi toan tính cũng trôi theo thời gian. Sau hơn 5 năm thành lập, xã mới có trạm y tế, trạm cấp nước và một vài phòng học mới; còn lại hầu hết phòng ốc làm việc của Đảng ủy, UBND, khối Dân vận - Mặt trận xã… chen chúc, tạm thời, chắp vá như cách đây 5 năm. Ông Trần Quốc Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn bảo, là huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, ngân sách thuộc diện trợ cấp của tỉnh. Tất cả đều có dự án hết, chỉ tại không có tiền, hoặc chờ tiền thôi.
Tiến độ đầu tư cho Vĩnh Phước quá chậm chạp, ì ạch khiến lãnh đạo xã và người dân địa phương phải liệu cơm gắp mắm. Sức lực có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Song, xã vẫn còn trên 25% hộ nghèo (452 hộ, 1.739 nhân khẩu), đứng vào hàng nhất nhì huyện Tri Tôn hiện nay. Xã lại rất ít đất sản xuất.
Nông thôn mới còn xa
Hơn 5 năm, hết nhiệm kỳ 1 Đảng bộ xã, Vĩnh Phước đã có tới 3 người làm bí thư và 3 người làm chủ tịch, mà chuyện con đường "huyết mạch" vẫn y chang.
Để phục vụ xây dựng và phát triển nông thôn, Vĩnh Phước đề nghị cấp trên (huyện, tỉnh) xây chợ, khu hành chính, sớm láng nhựa đường kênh mới (Tám Ngàn - Vĩnh Tế) và tuyến lộ kênh Ông Tà (Vĩnh Phước - Ba Chúc). Riêng công trình đường kênh mới dự kiến cuối năm 2011 bàn giao, song cũng chưa chắc vì phần đất tôn nền còn đang thiếu và phải tìm nguồn vốn bổ sung.
Mặt khác, mùa mưa bão, lũ lụt đã gần kề, chuyện sụt lở khó tránh khỏi. Còn tuyến đường kênh Ông Tà chưa quá 2 cây số, nối liền Vĩnh Phước với tỉnh lộ 55B (ven chân núi Dài) và thị trấn Ba Chúc là gần nhất; đây là công trình giao thông kết hợp thủy lợi và có đường dây điện trung hơn 10 năm nay. Hiện tại, thủy lợi phát huy, điện thắp sáng, còn phần lộ cứ ì ạch do một doanh nghiệp địa phương đảm nhận.
Nhiều gia đình ở dọc tuyến kênh mới có đám cưới cũng đành đưa rước dâu bằng đò. Bình thường, nơi đây đã vắng vẻ, nay đường sá thưa thớt xe cộ và bóng người lui tới, khiến Vĩnh Phước càng đìu hiu.
Nhiều cán bộ ở đây nói vui: "Nơi đây chưa sánh vai cùng các xã, thị trấn trong vùng Tứ giác Long Xuyên, thì đừng nói đến việc xây dựng nông thôn mới".
Phan Trọng Ân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.