Ngôn ngữ Gen Z xuất hiện trong phim Cuộc đời vẫn đẹp sao
Phim "Cuộc đời vẫn đẹp sao" khiến người xem khó hiểu vì lạm dụng ngôn ngữ gen Z
Ngọc Linh
Thứ hai, ngày 10/04/2023 14:19 PM (GMT+7)
"Tí rau tí bún", "báo con, báo xã hội", "hết nước chấm"... là những câu từ đang "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội. Khi được đưa lên phim "Cuộc đời vẫn đẹp sao" khiến nhiều khán giả bày tỏ sự khó hiểu về ý nghĩa của những câu thoại này.
Phim truyền hình Cuộc đời vẫn đẹp sao (đạo diễn Danh Dũng) tái hiện khung cảnh, cuộc sống của những người nghèo khó nơi xóm chợ. Chỉ sau vài tập đầu tiên lên sóng, bộ phimđã thu hút sự chú ý từ phía khán giả. Tác phẩm có sự tham gia của NSƯT Thanh Quý, NSƯT Hoàng Hải, diễn viên Thanh Hương, Minh Cúc, Anh Thơ, Việt Hoàng, Tô Dũng...
Bộ phim Cuộc đời vẫn đẹp sao nhận về nhiều lời khen bởi những câu thoại bình dị nhưng ý nghĩa, tình tiết chân thực xen lẫn yếu tố hài hước. Bên cạnh đó, những câu thoại "hot" trên mạng xã hội cũng được khai thác và đưa lên màn ảnh nhỏ một cách khéo léo. Điều này tạo nên sự bất ngờ và thú vị với khán giả.
Loạt câu thoại sử dụng ngôn ngữ gen Z trong phim Cuộc đời vẫn đẹp sao
"Em về phòng làm "tí rau với tí bún" là xong bữa".
Câu thoại này của nhân vật Điền, do diễn viên Tô Dũng đảm nhận. Tô Dũng vốn quen mặt với tuýp nhân vật bảnh bao, "soái ca" trên màn ảnh. Anh khiến khán giả ngỡ ngàng khi "lột xác" trở thành anh chàng cửu vạn, "khố rách áo ôm" tên là Điền trong Cuộc đời vẫn đẹp sao.
Trong một phân cảnh ở tập 1 phim Cuộc đời vẫn đẹp sao, sau khi hoàn thành xong công việc bốc vác ở khu chợ, Lưu (NSƯT Hoàng Hải) rủ Điền cùng đi nhậu: "Anh với mày đi làm bát tiết canh, làm chén rượu cho nó mát". Đáp lại Lưu, Điền nói: "Thôi! Em về phòng làm tí rau với tí bún là xong bữa anh ạ".
Ngay lập tức câu thoại của Điền được chia sẻ rầm rộ trên các diễn đàn yêu phim truyền hình. Các khán giả trẻ tuổi tỏ ra vô cùng thích thú khi một câu nói trào lưu trên mạng xã hội được đưa lên màn ảnh. Bên cạnh đó cũng có không ít khán giả chưa thực sự hiểu nguồn gốc của câu thoại "tí rau tí bún" xuất phát từ đâu.
Được biết, "tí rau tí bún" là câu cửa miệng của một cư dân mạng từng được chia sẻ rầm rộ. Nhiều khán giả cho rằng, VTV đưa cụm từ này lên phim như một cách "cà khịa" hài hước.
"Hết nước chấm"
"Hết nước chấm" là câu thoại thường thấy gắn liền của nhân vật Lưu (NSƯT Hoàng Hải) mỗi khi hài lòng, tâm đắc về vấn đề nào đó.
Nguồn gốc của cụm từ "hết nước chấm" ban đầu chỉ để mô tả việc nước chấm (nước mắm, nước xốt...) trên bàn ăn đã hết chứng tỏ món ăn ngon, khó cưỡng. Tuy nhiên, các bạn trẻ thế hệ gen Z đã sử dụng cụm từ này theo nghĩa bóng, trở thành một ngôn ngữ mạng được nhiều người sử dụng rất phổ biến khi nhắn tin, trò chuyện, bình luận trên Facebook.
"Hết nước chấm" cũng dùng để khen ngợi người nào đó, hoặc điều gì đó xuất sắc hoặc để bày tỏ sự bế tắc trước một hành động, sự việc.
Nhân vật Lưu thường nói "hết nước chấm" khi nhắc về cậu con trai duy nhất học hành giỏi giang và ngoan ngoãn để bày tỏ sự tự hào hoặc mỗi khi nhân vật này tấm tắc khen món gì ngon khiến khán giả cảm thấy phim có yếu tố đời sống, gần gũi.
"Cái thằng "báo con" của em, cứ để thằng "báo xã hội" nó dạy cho"
Đây là câu nói của Lưu khi khuyên răn Điền dạy con. Điền vốn có cậu con trai hư hỏng, chơi bời lêu lổng. Khi Điền tâm sự và tỏ ra bất lực với Lưu, Lưu đã đưa ra lời khuyên: "Cái thằng "báo con" của em cứ để thằng "báo xã hội" nó dạy cho thì mới sáng mắt ra được".
Hay khi phát hiện ra chính Điền là người lấy trộm chỉ vàng của mẹ con Luyến, Lưu đã thốt lên: "Vừa tòi ra thằng "báo con" giờ lại tòi thêm thằng "báo cha".
Tuy nhiên, nhiều khán giả không thực sự hiểu từ "báo" mà nhân vật Lưu sử dụng mang ý nghĩa gì. Theo nghĩa thông thường, "báo" (danh từ) dùng để chỉ một loài động vật hoang dã. Trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng dùng từ "báo" để chỉ những người, những hành vi "ăn hại", vô ích, khiến mọi người xung quanh cảm thấy thất vọng, thậm chí phải ra tay can thiệp để giải quyết hậu quả.
Một từ quen thuộc hơn trong trường hợp này chính là "báo nhà" – vốn dùng để chỉ những đứa con thường xuyên "ăn bám" bố mẹ và khiến họ thấy phiền lòng hoặc khi có một người làm sai, làm ẩu gây ra sự cố nào đó không mong muốn. Theo đó, những người xung quanh sẽ dùng từ "báo" để trêu chọc hoặc bày tỏ nỗi thất vọng của mình.
"Báo đời", "suốt ngày chỉ báo", "cứ ăn xong lại báo", "bố mẹ lo cho ăn học, con thì suốt ngày báo cha báo mẹ"... là một số ví dụ về việc sử dụng từ "báo" theo ngôn ngữ của gen Z.
Clip: Màn xin lỗi gây chú ý trong phim Cuộc đời vẫn đẹp sao. (Nguồn: VTV)
Lời thoại trong phim Cuộc đời vẫn đẹp sao dí dỏm, gần gũi đời sống
Ngoài những câu thoại "bắt trend" từ trào lưu của thế hệ trẻ, lời thoại trong phim Cuộc đời vẫn đẹp sao cũng được đánh giá rất đời, rất chân thật dù có không ít câu thoại bỗ bã, trần trụi. Một trong những cảnh khiến khán giả thích thú là khi Luyến chăm Lưu (NSƯT Hoàng Hải) ốm.
Luyến mua cá chỉ vàng và rượu mang sang biếu để xin lỗi vì vu oan Lưu trộm một chỉ vàng. Sang đến nơi, Luyến phát hiện Lưu nằm bất tỉnh.
"Nốc cho lắm vào, bạ đâu rúc đấy, không ốm mới là lạ"; "Của nợ"... là những câu thoại Luyến mắng Lưu. Tuy vậy, cô vẫn lo lắng, chăm sóc cho anh. Tình huống Lưu lủi thủi ốm đau một mình được khắc họa một cách gần gũi nhưng không kém phần tươi mới.
Các câu thoại: "Điên, mơ con đề không mơ, lại mơ con Luyến"; "Có bỏ thuốc độc vào cháo không đấy" hay câu thoại "Mê gái cũng phải có trí tuệ" được Hoàng Hải truyền tải bằng giọng bỗ bã nhưng chân thực, dí dỏm.
Bên cạnh những lời khen ngợi nội dung và lời thoại gần gũi đời sống thì phim Cuộc đời vẫn đẹp sao cũng vấp phải nhiều ý kiến cho rằng, ngôn từ sử dụng không phù hợp để đưa lên màn ảnh nhỏ."Ngôn ngữ và cách nói của thế hệ trẻ bây giờ khiến đại đa số khán giả không nắm hết được. Đôi khi vì không thể hiểu nên lời thoại trở thành sáo rỗng, không nên quá lạm dụng", khán giả Minh An bày tỏ.
"Bộ phim sử dụng nhiều ngôn ngữ gen Z nên khi cả nhà tôi cùng ngồi xem phim bọn trẻ bật cười mà người lớn thì đơ ra vì không hiểu buồn cười chỗ nào. Phim có thể thêm từ ngữ cho phong phú nhưng không nên quá lạm dụng", khán giả Hải Nam nhận định.
Vài năm gần đây, cụm từ "gen Z" xuất hiện dày đặc hơn trên các trang mạng xã hội khiến không ít người tò mò. Theo đó, thế hệ "gen Z" là cụm từ chỉ những người sinh từ năm 1997 đến 2012.
Ngôn ngữ gen Z không phải là một loại ngôn ngữ chính thức của quốc gia nào. Ngôn ngữ gen Z đơn giản chỉ là một sáng tạo của các bạn trẻ thuộc thế hệ Z với mục đích giải trí, giúp giao tiếp qua mạng nhanh gọn và thể hiện cá tính riêng của họ... Ngày nay, ngôn ngữ tuổi teen này lan truyền khắp các mạng xã hội như TikTok, Facebook và bắt đầu xuất hiện trong các môi trường chính thống hơn. Dần dần ngôn ngữ này trở thành những thuật ngữ khá phổ biến trong đời sống và giao tiếp hằng ngày.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.