Tọa lạc ở vị trí cao chót vót tại thành phố Potosi, Cerro Rico là một trong những di tích quốc gia có ý nghĩa lịch sử của Bolivia. Ngọn núi từng là mỏ bạc lớn nhất thế giới. Sự giàu có của nó khiến con người phải trả cái giá "đắt kinh hoàng".
Trở lại với câu chuyện trong quá khứ. Những người Inca khám phá ra núi Cerro Rico đầu tiên. Thời điểm đó, Cerro Rico được mệnh danh là "ngọn núi giàu có" với trữ lượng quặng bạc khổng lồ, hơn 56.000 tấn bên dưới. Đến nỗi người ta còn nói rằng ngọn núi này làm hoàn toàn từ bạc.
Nhưng phải tới khi người Tây Ban Nha tới đây vào thế kỷ 16, việc khai thác mỏ mới diễn ra. Cả người Inca và người dân bản địa đều phải làm việc quá sức trong điều kiện khắc nghiệt của hầm mỏ, khiến nơi này là "nấm mồ" chôn hàng triệu người.
Để mô tả sự "thảm khốc", những người thợ mỏ từng ví von, số quặng được đào lên đủ để xây cầu bằng bạc bắc từ Cerro Rico tới Tây Ban Nha. Nhưng xương những người đã nằm xuống có thể dựng được cầu từ Tây Ban Nha tới ngọn núi này.
Trong thời kỳ thuộc địa, khoảng 8 triệu người đã bỏ mạng trong hầm mỏ Cerro Rico, khiến nơi này còn mang biệt danh gây ám ảnh - "ngọn núi ăn thịt đàn ông". Theo nhà sử học Eduardo Galeano, đa số các nạn nhân bỏ mạng vì tai nạn hoặc làm việc quá sức, chết đói và bệnh tật.
Số liệu này từng gây nhiều tranh luận trái chiều. Có ý kiến cho rằng, đây chỉ là con số phóng đại bao gồm cả người dân sống quanh khu mỏ chuyển đi nơi khác, chứ không thống kê con số thương vong. Mặc dù vậy, tới nay số liệu chính xác vẫn chưa thể đưa ra.
Ngày nay, khi thực dân Tây Ban Nha không còn nữa, nhưng những gì diễn ra ở Cerro Rico không thay đổi quá nhiều so với trước. Dù các mỏ quặng bạc dần bị khai thác cạn kiệt nhưng vẫn có khoảng 15.000 thợ mỏ tới tìm kiếm các khoáng sản quý giá mỗi ngày.
Số tiền kiếm được của các thợ mỏ khá khiêm tốn, nhưng nó vẫn rất quan trọng với một khu vực nghèo khó, ít nguồn thu nhập khác.
Bất chấp những rủi ro và nguy hiểm rình rập mà thợ mỏ phải đối mặt hàng ngày, họ vẫn phải tiếp tục bám lấy nghề. Bên cạnh những vụ tử vong vì tai nạn, không ít người chết do bệnh phổi vì hít quá nhiều bụi trong mỏ. Thông thường, các mỏ khai thác quặng sẽ có hệ thống nước xối thẳng vào các mũi khoan để ngăn bụi. Nhưng mỏ ở nơi này không được trang bị như vậy. Theo thống kê, chỉ số ít nam giới trong vùng sống trên 40 tuổi.
Tiếp đó là nguy cơ sập hầm mỏ rất cao. Sau hơn 400 năm khai thác liên tục, cấu trúc của ngọn núi trở nên cực kỳ mỏng manh. Toàn bộ các phần dễ bị sụp đổ. Năm 2011, một hố sụt khổng lồ hình thành trên đỉnh núi, gây ra rủi ro cao với những thợ làm việc bên dưới.
Tới đầu thế kỷ 21, ngành khai thác quặng ở Bolivia chững lại. Ngọn núi trở thành huyền thoại khiến nó là một trong những tượng đài lịch sử quan trọng nhất ở quốc gia Nam Mỹ này.
Năm 1987, UNESCO công nhận Cerro Rico là Di sản Thế giới. Với bề dày lịch sử, "cánh cửa" du lịch đã mở ra, được coi như phao cứu sinh cho nền kinh tế địa phương.
Trước đó vào năm 2014, chính phủ Bolivia đã lấp đầy hố sụt khổng lồ trên đỉnh núi nhằm ổn định địa chất. Ngoài ra, một bộ phận người dân kêu gọi chính quyền ban hành lệnh cấm khai thác quặng gần ngọn núi nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.
Đến nay, Cerro Rico trở thành điểm tham quan hút khách. Khi tới đây, du khách có thể lựa chọn gói tour tham quan khu mỏ với giá từ 50USD trở lên. Một số điểm đến khác như các công trình kiến trúc thuộc địa, bảo tàng, nhà thờ cổ...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.