Một căn hộ "lồng sắt" ở Hong Kong.
Bất động sản ở Hong Kong nổi tiếng có giá trên trời. Giá thuê nhà thậm chí vẫn không ngừng tăng nhanh đẩy nhiều gia đình vào tình cảnh khốn đốn, ngày càng nghèo khổ hơn.
Không đủ tiền thuê một căn nhà theo đúng nghĩa, hàng nghìn người phải chịu cảnh sống trong những căn hộ “lồng sắt”hay thậm chí những“cỗ quan tài”.
Căn hộ "lồng sắt" điển hình ở Hong Kong.
Phần lớn họ là dân lao động chân tay, làm những công việc vặt, bao gồm từ những người đàn ông ế vợ, phụ nữ độc thân, các ông bố, bà mẹ đơn thân, dân nhập cư đến từ các khu vực nghèo khổ, dân trí thấp…
Dù làm việc quần quật, họ cũng không thể tiết kiệm đủ tiền để thuê nhà và thường không bao giờ dám ôm giấc mơ mua được một căn hộ chung cư.
Căn hộ "lồng sắt' bị Liên Hợp Quốc mô tả là "sự xúc phạm đến phẩm giá của con người”.
Theo số liệu của chính quyền Hong Kong, hơn 200.000 cư dân ở đây đang phải sống trong những nơi không đạt tiêu chuẩn là một căn hộ và bị Liên Hợp Quốc mô tả là “sự xúc phạm đến phẩm giá của con người”.
Số lượng của những căn hộ “lồng sắt” và "quan tài" tại Đặc khu hành chính đã tăng lên 1/3 trong khoảng thời gian 2013-2015, chứng tỏ mức sống của một bộ phận cư dân khốn khổ nhất trong lòng “đảo ngọc châu Á” chưa từng được cải thiện.
Lối vào những "căn hộ" lồng sắt.
Một căn hộ tiêu chuẩn ở Hong Kong có thể được phân chia thành các “lồng sắt” cho 30 người sinh sống.
Mỗi “lồng sắt” thường chỉ rộng khoảng 1,4 m2 nhưng có giá thuê cắt cổ là 200 USD/tháng (tương đương 4,5 triệu đồng). Tính trung bình, giá thuê mỗi m2 “lồng sắt” còn đắt đỏ hơn cả những căn hộ sang trọng bậc nhất ở đảo ngọc Hong Kong.
Đồ đặc treo lỉnh kỉnh bên ngoài một căn hộ "lồng sắt".
Bên cạnh “lồng sắt”, các cư dân cơ cực ở Hong Kong cũng có thể thuê các căn hộ “quan tài”. Cách gọi này bắt nguồn từ việc, những căn hộ này chật chội, ngột ngạt, kín như bưng vì không có bất cứ cửa sổ nào dù rộng rãi hơn những “lồng sắt” đôi chút.
Cô Shan Quanying và con trai 11 tuổi, vốn là dân nhập cư đến từ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, và đã sống trong một “cỗ quan tài” chỉ rộng 6,5 m2 trong 5 năm qua ở Hong Kong chia sẻ, họ thậm chí phải bật quạt vào mùa đông cho thoáng khí vì không có cửa thông gió.
Bên trong căn hộ "quan tài" của cô Shan Quanying.
Con trai Shan Quanying chia sẻ, cậu bé rất nhớ ngôi nhà của mình ở Trung Quốc, với tổng cộng 3 phòng và một khoảng sân rộng. Cô Shan đã rời bỏ vùng quê nghèo ở Trung Quốc tới Hong Kong sinh con những mong con sẽ có tương lai tốt đẹp hơn nhờ có chứng minh thư của xứ Cảng thơm.
Mỗi căn hộ tiêu chuẩn thường được phân chia thành 9 “cỗ quan tài” để cho thuê. Theo đó, hàng chục cư dân sống trong những cỗ quan tài phải dùng chung một nhà vệ sinh duy nhất.
Các nhân viên xã hội ở Hong Kong cho hay, hiện, phần lớn cư dân sống ở các “cỗ quan tài” là dân nhập cư. Do không phải là dân Hong Kong chính gốc, dù có tiết kiệm đủ tiền, cô Shan vẫn phải đợi con trai đủ 18 tuổi để đủ điều kiện nộp đơn mua căn hộ được chính quyền trợ giá. Để mua được nhà, hai mẹ con có thể sẽ còn phải đợi thêm nhiều năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.