Ngư dân Cà Mau: Liên kết, ra khơi với các hải đội

Hoàng Hạnh Thứ tư, ngày 09/07/2014 10:27 AM (GMT+7)
Nhằm giúp nhau trong lĩnh vực khai thác, đánh bắt trên biển, ngư dân ở Cà Mau đã tự liên kết với nhau thành lập các tổ khai thác, hậu cần… Các “Trung đội tự vệ biển” hay “Hải đội biển” trên các vùng biển của Cà Mau ngày càng phát huy hiệu quả, giúp bà con ngư dân làm giàu, an tâm bám biển.
Bình luận 0

Chung tay giữ gìn vùng biển

Ông Từ Văn Hiền - Chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: Cà Mau là địa phương có nhiều cửa biển lớn nhất nhì khu vực ĐBSCL như cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời); Khánh Hội (U Minh); Cái Đôi Vàm (Phú Tân)... với đội ghe tàu hùng hậu. Riêng cửa biển Sông Ðốc có số lượng phương tiện hoạt động nghề khai thác đánh bắt thuỷ sản gần 1.000 tàu.

“Trong nhiều năm qua, chính quyền các cấp của thị trấn luôn chủ động phối hợp với ngành chức năng đóng trên địa bàn gồm Ðồn Biên phòng Sông Ðốc và Hải đội Biên phòng 2 tuyên truyền cho bà con ngư dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và tai nạn trên biển. Đặc biệt là việc tổ chức và thường xuyên củng cố, huấn luyện cho các trung đội dân quân tự vệ biển, nhằm giúp đỡ thiết thực hơn cho việc đánh bắt và khai thác của ngư dân” – ông Hiền nói.

Ngư dân Lê Quốc Khởi (ngụ khóm 7, thị trấn Sông Đốc) phấn khởi nói: “Từ ngày tham gia vào hải đội tự vệ trên biển, anh em ngư dân chúng tôi rất an tâm hoạt động. Ngoài việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản trên phạm vi vùng biển của mình, chúng tôi còn có trách nhiệm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Và đặc biệt là chúng tôi cùng bảo vệ vùng biển khai thác, thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng những diễn biến trên ngư trường, như việc phát hiện tàu lạ chẳng hạn…”.

Là người có nhiều năm bám biển, ông Nguyễn Văn Ái – Hải đội trưởng Hải đội biển của thị trấn Sông Đốc cho hay, tình hình an ninh trật tự trên biển trong thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp như nạn trộm cắp, tranh chấp ngư trường... “Khi tham gia vào các hải đội biển, bà con ngư dân được nhiều cái lợi, nhất là trong việc phối hợp với nhau bảo vệ được tài sản và tính mạng của anh em ngư phủ. Đặc biệt các thành viên trong hải đội được định hướng tư tưởng, lập trường, kiến thức tác chiến… để tự bảo vệ mình khi gặp bất trắc trên biển” – ông Ái khẳng định.

Theo ông Ái, các ngư dân chia 10 tàu đánh bắt vào một tổ, với khoảng 40-50 chiến sĩ là ngư dân. Các thành viên trong tổ hoạt động gắn kết với nhau trong từng phạm vi ngư trường nhất định nhằm sẵn sang giúp đỡ cho nhau khi cần thiết. Ngư dân Lâm Văn Đoàn chia sẻ: “Hàng năm, chúng tôi đều được các cơ quan, ban ngành tuyên truyền để hiểu đúng, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi đánh bắt trên biển đúng pháp luật”.

Cùng nhau làm giàu

Ngoài việc cùng nhau gìn giữ an ninh trật tự trên biển, nhiều ngư dân ở Cà Mau còn mạnh dạn thành lập các tổ liên kết trong làm ăn như tổ tiếp nhiên liệu, tổ vận chuyển sản phẩm vào bờ... Cách làm này đã mang đến nhiều lợi ích cho bà con ngư dân. Ông Hồ Chí Nguyện (khóm 7, thị trấn Sông Đốc) cho rằng trong thời bão giá như hiện nay, giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho việc đánh bắt (ngư lưới cụ, dịch vụ hậu cần nghề cá…) đều tăng. Do đó khi có sự liên kết này ngay trên biển sẽ làm giảm chi phí trong khai thác.

“Nếu như trước đây, bà con làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ, mạnh ai nấy khai thác thì mỗi tàu khi hết nhiên liệu phải vào bờ để tiếp nhiên liệu, bán hàng hóa… nhưng hiện nay, bà con ngư dân đã hình thành tổ hợp tác, mỗi tổ có từ 15-20 tàu thu mua và cung cấp mọi thứ cần thiết cho ngư dân ngay trên biển. Hình thức này đã giúp mỗi tàu tiết kiệm được từ 1-2 tấn nhiên liệu/chuyến đi biển” – ông Nguyện cho biết.

Theo bà con ngư dân, sự liên kết, tổ hợp tác giữa các ngư dân như hiện nay là điều hết sức cần thiết. Vì bà con có thể chủ động tương trợ cho nhau khi bị cướp biển tấn công hay gặp tai nạn trên biển…

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau cho biết, xuất phát từ việc liên kết trong nội bộ giữa bà con ngư dân với nhau, đến nay các hải đội và tổ hợp tác đã được tổ chức chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn. Chính quyền địa phương khuyến khích bà con nhân rộng các mô hình nhằm phát triển nghề khai thác, đánh bắt lâu dài, ổn định...

   Hiện đội tàu rỗi (chuyên tiếp ứng nhiên liệu và thu mua các mặt hàng thủy sản trên biển) của tỉnh Cà Mau có hơn 150 chiếc được trang bị hiện đại, luôn sẵn sàng phục vụ cho ngư dân trên biển. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem