Ông Sự thừa nhận, 10 tàu vỏ thép bán cho ngư dân không thuộc diện được hưởng chính sách của Nghị định 67 của Chính phủ về phát triển thủy sản.
Ông lý giải như thế nào về việc hàng loạt ngư dân ở các tỉnh miền Trung đòi trả lại tàu cá vỏ thép do thường xuyên bị hỏng hóc và các tàu này đều do SBIC (trước đây là Vinashin) đóng?
- 10 mẫu tàu vỏ thép của Công ty đóng tàu Nha Trang được sản xuất trước khi có Nghị định 67 về hỗ trợ ngư dân vay vốn, vươn khơi bám biển của Chính phủ. Sau khi đóng xong các tàu mẫu và bàn giao cho ngư dân, chúng tôi đã có những cơ chế hỗ trợ ngư dân khá tốt để họ yên tâm đưa tàu về sử dụng, vì vậy ngư dân mới đồng tình nhận tàu. Tuy nhiên sau khi Nghị định 67 ra đời, có nhiều ưu đãi hơn về thuế, lãi suất, về số vốn cho vay nên ngư dân muốn trả tàu này để đóng tàu mới theo nghị định này. Đây là nguyên nhân chính khiến ngư dân trả tàu. Nếu không có Nghị định 67 thì ngư dân vẫn dùng tàu của chúng tôi bình thường.
Tàu Sang Fish 01 neo đậu tại cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng). Ảnh Đình Thiên
Tôi cũng được biết, thời gian gần đây, đã có ngư dân trả lại tàu cho Công ty đóng tàu Nha Trang với lý do hỏng hóc nhiều, tôi cho rằng nguyên nhân dẫn đến con tàu vỏ thép thường xuyên hỏng hóc là bởi ngư dân vẫn quen với việc vận hành tàu vỏ gỗ, họ không quen vận hành tàu vỏ thép. Tàu gỗ bề ngang hẹp và nặng hơn, còn tàu vỏ thép lớn hơn, bề ngang rộng hơn và đã có hệ thống giảm sóng, các tàu khác sản xuất cùng mẫu thiết kế đi vẫn bình thường chứ không thấy phản ánh gì về chất lượng.
Không chỉ có ngư dân, Tổng cục Thủy sản vừa qua cũng cho rằng việc ngư dân trả tàu là do chất lượng tàu không đảm bảo?
- Chất lượng tàu không đảm bảo cũng xuất phát từ việc ngư dân yêu cầu công ty đóng tàu sử dụng trục của xe ô tô 5 tấn thay vì dùng các thiết bị tời kéo lưới chuẩn như thiết kế nhằm giảm chi phí đóng tàu, nên trong quá trình đóng tàu, công ty đóng tàu đã sử dụng máy cũ và tời tự chế đúng theo yêu cầu ngư dân. Riêng máy cũ lắp cho tàu cũng là do ngư dân tự đi tìm nguồn, công ty chỉ đến trả tiền rồi lấy máy và mang về để lắp vào tàu.
Chính vì máy cũ, vốn dĩ loại máy đấy đã nứt trục bên trong từ trước rồi, do đó khi sử dụng cho tàu dẫn đến hỏng hóc là chuyện dễ hiểu. Toàn bộ 9 tàu đóng đợt đấy đều sử dụng máy cũ và tời tự chế hết nhưng các tàu kia vẫn chưa hỏng, đang sử dụng bình thường, chỉ có tàu Sang Fish 01 của ngư dân ở Đà Nẵng bị hỏng.
Tổng cục Thủy sản cho biết 10 tàu vỏ thép Vinashin đóng trước thời điểm ra đời Nghị định 67, sau đó phía Vinashin đã có công văn cũng như sang làm việc để xin chuyển những tàu này vào diện tàu 67, điều này có đúng không, thưa ông?
- Đúng là có việc đó. Đây là những tàu mẫu chúng tôi muốn đưa một số thiết kế vào để hoàn thiện mẫu tàu mới theo Nghị định 67. Lý do chúng tôi đề xuất đưa 10 tàu đã đóng này vào diện “67” là để giúp ngư dân mua tàu được vay ngân hàng lãi suất thấp, từ đó họ có thể trả cho công ty luôn nhưng phía Tổng cục Thủy sản không đồng ý. Nếu 10 tàu này được đưa vào diện 67 thì chắc ngư dân sẽ không trả lại tàu đâu.
Ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC)
Trong quá trình đóng tàu, ngư dân đến thỏa thuận và đồng ý với thiết kế, ngoài ra ngư dân còn đến giám sát quá trình đóng tàu và yêu cầu thay đổi trục, tời và một số thiết bị khác so với thiết kế và chúng tôi đồng ý. Chúng tôi cũng có đánh giá những thay đổi này không có tác động lớn đến chất lượng cũng như công năng của tàu nên đã chiều theo ý ngư dân.
Vậy với việc ngư dân xin trả lại tàu như hiện nay, SBIC sẽ giải quyết ra sao?
- Trước khi đóng tàu, các nhà máy đã ký hợp đồng với ngư dân. Tuy nhiên, do hợp đồng không chặt chẽ, khi ngư dân trả thì mình không thể bắt chẹt người ta được. Họ trả thì chúng tôi bán cho người khác. Đây là chuyện bình thường.
Với “tốc độ” hỏng như hiện nay, trong trường hợp nếu có thêm nhiều ngư dân nữa muốn trả lại tàu thì sao, thưa ông?
- Đến thời điểm này, chúng tôi chưa thấy các trường hợp tiếp theo trả tàu, họ vẫn đang đi khai thác ngoài biển, thậm chí khai thác về họ còn biếu sản phẩm cho cán bộ tổng công ty. Còn nếu ngư dân trả tàu thì chúng tôi sẽ bán cho người khác, vẫn đang có nhiều đối tác của chúng tôi muốn mua lại.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng một trong những lý do ngư dân trả lại tàu bởi vì, đến thời điểm phải trả tiền theo hợp đồng, chúng tôi phát lệnh đòi tiền nhưng ngư dân không có tiền để trả, nên họ trả tàu. Nhiều đối tác chúng tôi sẵn sàng mua lại những con tàu đó, thậm chí mua lại cả 10 tàu nếu ngư dân trả hết.
Xin cảm ơn ông!
Vinashin, tức Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã bị khai tử từ tháng 10.2013 sang mô hình hoạt động mới với tên gọi Tổng công ty công nghiệp tàu thủy có tên giao dịch quốc tế là Shipbuilding Industry Corporation, viết tắt là SBIC. SBIC ra đời trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số công ty con của Vinashin.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.