Tai nạn từ nhiều phía
Anh Trần Trọng T- một ngư dân ở cảng cá Cửa Lò (Nghệ An) cho biết, đợt đi biển cuối tháng 11.2012 vừa qua, tàu cá của anh trúng đàn cá, chủ tàu sợ các tàu khác biết nên bắt lái tàu tắt các phương tiện liên lạc. Trong khi đó, tàu đã quá cũ nát nên bị bục mạn sườn. “Tới khi đánh các tín hiệu cấp cứu thì tàu gần như đã chìm một nửa, tính mạng anh em đã bị đe doạ. May mà có tàu bạn đánh gần đó tới kịp”- anh T nói
|
Ngư dân huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. |
Thực tế tại Nghệ An, Hà Tĩnh, tàu cá ra khơi đánh bắt nhiều tàu có vỏ tàu, máy tàu và các thiết bị trên tàu quá cũ, đại tu quá nhiều lần, không đảm bảo an toàn vẫn cố tình ra khơi nên tỷ lệ tai nạn càng cao. Như tại Hà Tĩnh, theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì toàn tỉnh có 3.790 tàu cá nhưng có tới 3.010 tàu cá công suất dưới 20 CV, các loại máy này đều là máy cũ, chất lượng thấp (nhiều khi là hàng bãi). Đặc biệt, nhiều chủ tàu chỉ có bộ đàm liên lạc tầm ngắn, không có Icom, thiết bị liên lạc tầm xa nên khó khăn trong tiếp nhận và phát đi thông tin khi gặp nạn.
Ông Trần Xuân Hoàng- Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Hà Tĩnh cho biết, năm vừa qua, tỉnh này xảy ra 7 vụ tai nạn tàu cá làm chết 3 người, thiệt hại ước tính trên 200 triệu đồng. “Kiểm tra chung thì thấy ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá của một số chủ tàu kém. Điều đó thể hiện qua việc rất ít tàu trang bị thiết bị bảo hộ tối thiểu là phao cứu sinh (chỉ khoảng 2.500/13.717 thuyền viên lao động trên tàu được trang bị phao cứu sinh cá nhân)”- ông Hoàng nói.
Tại Kiên Giang, tình trạng tai nạn khi đánh bắt trên biển cũng khá nhiều. Gần đây nhất, ngày 13.10, tàu đánh cá mang số hiệu KG 91962-TS do bà Huỳnh Thị Măng (phường An Hòa, TP. Rạch Giá) làm chủ đang khai thác hải sản tại vùng biển Cà Mau thì bị tàu buôn đụng chìm, trên tàu có 15 thuyền viên. Lực lượng biên phòng cứu được 10 người, 5 thuyền viên xấu số còn lại chết trên biển. Nguyên nhân cũng do thiết bị liên lạc kém, không xử lý được khi tàu tiếp cận tầm gần.
Tổ khai thác an toàn
Trước tình trạng ngư dân gặp nhiều tai nạn chết người trong hoàn cảnh đặc thù, sở thuỷ sản các tỉnh phải vào cuộc nâng cao ý thức cộng đồng về công tác an toàn lao động trên biển. Ông Trần Xuân Hoàng cho biết, Sở Thuỷ sản Hà Tĩnh đã chỉ đạo ngư dân thành lập các tổ, đội khai thác trên biển, đặc biệt là thành lập các tổ đội khai thác vùng xa bờ và vùng lộng để hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như trong việc xử lý tai nạn, cung cấp, trao đổi thông tin về diễn biến thời tiết, ngư trường…
Báo cáo của bộ đội biên phòng các tỉnh cũng cho thấy, nhiều đội tàu vi phạm các quy định về an toàn trên biển như: Không mang áo phao, phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc; đăng ký, khai báo không chính xác vùng, toạ độ đánh bắt cá của ngư dân với cơ quan chức năng trước khi ra khơi. Từ đó, khi ngư dân bị nạn, công tác cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn trong xác định vị trí của tàu bị nạn.
Tại Quảng Nam, Sở Thuỷ sản cũng vận động ngư dân xây dựng các tổ đoàn kết. Ông Phạm Viết Tích- Phó Giám đốc Sở Thuỷ sản tỉnh cho biết, tổ đoàn kết được xây dựng theo nguyên tắc 3 cùng - cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú. Hiệu quả hơn là cùng họ hàng, anh em với nhau. Hiện ở Quảng Nam đã có ít nhất 10 tổ đoàn kết như vậy để tham gia cứu nạn.
Tuy nhiên, sâu xa hơn cả là cơ quan kiểm định cần tăng cường kiểm tra chất lượng tàu thuyền, cương quyết không cho bất cứ tàu cá nào không đủ điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định ra biển hoạt động. Bản thân ngư dân cũng cần nâng cao nhận thức, yêu cầu chủ tàu phải đảm bảo điều kiện an toàn làm việc tối thiểu, như phải có đủ phao cứu sinh, thiết bị bảo hộ khi làm việc lâu dưới nước (ủng, găng tay)…
Lê Huyền
Vui lòng nhập nội dung bình luận.