Giữ an toàn lao động từ những chi tiết nhỏ

Thứ hai, ngày 22/10/2012 11:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều người nghĩ để đảm bảo an toàn lao động phải được tập huấn phức tạp, phải có các thiết bị bảo hộ đắt đỏ. Tuy nhiên, chỉ cần chú ý và ngăn nắp, người dân đã có thể tự bảo vệ mình.
Bình luận 0

Nhà nông và kiến thức an toàn điện

Tại một buổi hội thảo về an toàn lao động trong nông nghiệp tại Bình Thuận, nhiều nông dân lo lắng vì an toàn điện trong sản xuất nông nghiệp đã ở mức báo động với hàng chục người chết do điện giật.

img
Một góc để dụng cụ lao động nông nghiệp ngăn nắp của nông dân Thụy Điển.

Anh Hoàng Tuấn - kỹ sư điện của tại Bình Thuận cho biết, khi trao đổi với nông dân, nhiều người thực sự ngỡ ngàng trước những yếu tố, chi tiết rất nhỏ, nhưng lại có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao. Ví dụ, nhiều bà con, để tiết kiệm nên đã tháo dây nhiều sợi vặn xoắn để làm dây đơn: “điều này vô cùng nguy hiểm vì làm giảm độ an toàn của dây, không kiểm soát được điện áp”.

Theo anh Tuấn, để đảm bảo an toàn, bà con chỉ cần chú ý một chút là có thể giảm nhiều nguy cơ điện giật như: Để nguyên các thiết bị điện, không sửa, tách dây; dây dẫn điện từ nguồn điện đến bảng điện và từ cầu dao ở bảng điều khiển đến động cơ điện nên đặt ngầm, hoặc dùng dây cáp bọc cao su cách điện khi đặt nổi.

Dây dẫn điện xuyên qua tường, mái nhà phải được đặt trong ống bảo vệ. Không được để nước mưa đọng lại trong ống, hoặc chảy theo ống vào nhà. Không tùy tiện sử dụng điện vào mục đích bẫy chuột, bắt cá. Nếu bắt buộc phải dùng thì dây dẫn phải được bọc kỹ, không đấu điện kiểu hẹn giờ.

“Điều rất đáng buồn là bà con không sẵn các thiết bị điện chuyên dùng (hoặc ngại đi lấy) nên dùng tay để thử xem có điện hay không”- anh Tuấn nói.Vì vậy, lời khuyên của anh Tuấn là phải chuẩn bị sẵn các thiết bị thử điện (giá thành rất rẻ) và khi vận hành máy điện trước khi chạy máy phải kiểm tra lại dây nối đất bảo vệ, tuyệt đối không được sử dụng máy điện và các thiết bị điện khác khi chưa được nối đất bảo vệ.

Những lưu ý trên đồng ruộng

Tiến sĩ Tsuyoshi Kawakami - chuyên gia của ILO đã có hàng chục năm xây dựng và vận hành chương trình WIND- đảm bảo an toàn lao động tại Việt Nam vừa đồng chủ biên cuốn sách Phát triển chương trình WIND tại châu Á chia sẻ nhiều bí quyết đảm bảo an toàn lao động trên đồng ruộng.

Hiện chương trình WIND tiếp tục được triển khai ở nhiều vùng nông thôn, nhưng rất tiếc người dân còn chủ quan, có nhiều nơi nông dân học xong - đã áp dụng tốt, sau lại lơ là, chủ quan.

Theo nghiên cứu của ILO, việc đi lại trên những đường ruộng mấp mô, sử dụng xe kéo không hợp lý gây khá nhiều bệnh cho nông dân và làm mất sức lao động nhiều hơn. Bởi vậy, theo tư vấn của WIND, người nông dân cần san phẳng đường, lấp hố, giữ đường vận chuyển nông sản thông thoáng; đặt giá, kệ nhiều tầng ở nơi làm việc để cất giữ nguyên vật liệu và thiết bị làm việc; gắn bánh xe to để tăng hiệu quả vận chuyển; sử dụng băng tải, con lăn … để nâng các vật nặng.

Về tư thế làm việc, WIND cũng hướng dẫn người dân điều chỉnh độ cao để công việc làm ngang hoặc thấp hơn khuỷu tay; lựa chọn tư thế làm việc luân phiên (đứng, ngồi), tránh tư thế ngồi xổm hoặc gập người; có nơi để dụng cụ riêng…

Với máy móc nông nghiệp, các chuyên gia cũng liệt kê khoảng 15 lưu ý để người dân vận hành an toàn, trong đó có lưu ý phải gắn các thiết bị che chắn vào các bộ phận chuyển động nguy hiểm của máy; đặt nút điều khiển khẩn cấp, rõ ràng và có dán hướng dẫn bằng tiếng mẹ đẻ rõ ràng, dễ đọc…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem