Suốt 3 ngày qua, sáng nào anh Xuân Thanh, chủ nhà hàng tại Ngọc Thuỵ (Long Biên, Hà Nội) cũng dậy sớm để vớt con vờ vờ - một loại côn trùng sống ở đáy sông, trắng muốt, cánh mỏng tang, bay vật vờ ở mặt nước.
Con vờ vờ - loại côn trùng được coi là đặc sản chỉ có tại sông Hồng. (Ảnh: Bếp Ngư ông).
“Mọi năm, vờ vờ xuất hiện từ tháng 2. Người dân chài ven sông thường canh giờ vờ lên để ra vớt về bán nhưng năm nay chờ mãi không thấy đâu, anh em ngư dân tưởng mất mùa. Ai ngờ đầu tháng 3 chúng xuất hiện nhiều vô kể”, anh Thanh nói.
Theo anh Thanh, cả năm vờ vờ mới xuất hiện vài ngày. Thậm chí có thời gian suốt hàng chục năm trời, vờ vờ đi đâu mất không xuất hiện. Nhiều người muốn ăn, tìm mua nhưng không có.
Năm nay vờ vờ xuất hiện nhiều chưa từng thấy, mỗi ngày anh Thanh vớt được từ 50-60kg. (Ảnh: Đào Khắc Tuấn).
“Năm nay vờ vờ xuất hiện 3 ngày liền mà nhiều hơn các năm trước rất nhiều. Mỗi ngày anh em tôi đi vớt được 50-60kg. Lên đến bờ đã có người chờ sẵn, mua bằng hết với giá 300 nghìn đồng/kg nhưng chắc chỉ được 1-2 buổi nữa là hết mùa, không có vờ để bắt nữa”, anh Thanh nói.
Cũng theo anh Thanh, muốn vớt vờ vờ được nhiều nhất phải đi từ 3-4 giờ sáng vì chúng chỉ ngoi lên mặt nước trong vài giờ để lột xác, đẻ trứng rồi chết. Xác của chúng theo dòng nước trôi đi nên nếu đi muộn sẽ không còn con nào để vớt.
Chưa năm nào vờ vờ xuất hiện nhiều như năm nay.
Là ngư dân sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Hồng, anh Đào Khắc Tuấn (Long Biên, Hà Nội) cho biết, cả tháng nay, ngày nào anh cũng dậy từ 3 giờ sáng để canh vờ vờ ngoi lên mặt nước.
“Thông thường vờ vờ sẽ xuất hiện vào tháng 2 âm lịch. Cả tháng chúng mới nổi lên 1-2 lần nên phải canh mới bắt được. May quá, canh cả tháng cũng vớt được 1 lần, mấy anh em tôi đi 3 thuyền để vớt, mỗi thuyền được gần 70kg”, anh Tuấn cho hay.
Theo anh Tuấn, con vờ vờ chỉ to bằng con châu chấu nhưng cả thân và cánh đều trắng muốt, mỏng tang, bay vật vờ ở mặt nước nên người dân gọi là con vờ vờ. Chúng làm tổ ở đáy sông, ở vùng nước sạch, không ô nhiễm. Đến mùa đẻ trứng, chúng ngoi lên khỏi mặt nước, dày đặc.
Từ vờ vờ có thể chế biến được thành nhiều món như vờ om cá ngạnh, chả vờ.
Ngày vờ vờ xuất hiện, hàng chục chiếc thuyền chài có gắn lưới ở mũi thuyền thi nhau chạy dọc sông để vớt từ lúc trời còn tối. Đến khi trời sáng rõ cũng là khi kết thúc việc thu hoạch vờ.
Vờ được mang lên khỏi thuyền là người dân túm tụm lại mua cho bằng hết. Năm nay vờ ra nhiều, giá cũng rẻ hơn mọi năm, chỉ từ 200-300 nghìn đồng/kg.
“Tôi bán một phần còn một phần mang cấp đông để ăn quanh năm. Món ăn ngon nhất phải kể đến vờ om cá ngạnh với mẻ, cà chua, nghệ, riềng. Vị ngọt của của cá ngạnh, vị chua dìu dịu của mẻ, vị bùi béo của vờ vờ sẽ khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi”, anh Tuấn nói.
Vờ vờ rang lá chanh. (Ảnh: Đào Khắc Tuấn).
Đặt mua 1kg vờ vờ với giá 300 nghìn đồng và 1kg cá ngạnh sông với giá 250 nghìn đồng, chị Bùi Thị Thoa, trú tại Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, phải gần chục năm nay chị mới mua được vờ vờ về nấu.
“Ngày xưa khúc sông quê tôi nhiều lắm. Người dân ven sông thấy vờ bay là là mặt nước thì đem rổ, rá ra vớt mang về ăn. Có người buộc lưới vào cây tre dài rồi vợt được cả yến nhưng hơn chục năm nay thì hiếm lắm. May quá lần này về quê tôi lại mua được với giá rẻ”, chị Thoa kể.
Theo chị Thoa, ngoài om cá ngạnh, vờ vờ còn có thể kết hợp với trứng gà, thịt xay, lá lốt, mang rán làm thành món chả vờ hoặc vờ rang lá móc mật, vờ xào rau muống, lẩu vờ.
Từ món ăn bình dị của những gia đình ven sông, đến nay, vờ vờ đã trở thành đặc sản. Nhiều người đi xa về, dù phải chi số tiền nửa triệu đồng để mua 1kg vờ vờ cũng phải tìm bằng được để mua về ăn cho đỡ nhớ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.