Học để xuất ngoại
“An - nhong - ha - sê - ô”. Tôi ngạc nhiên khi cô giáo Nguyễn Bảo Yến vừa bước vào phòng, cả lớp hơn 50 học viên đồng thanh đứng dậy, cúi gập người và cất tiếng chào rất đều theo nghi lễ của xứ sở Kim Chi (Hàn Quốc).
|
Giờ trả bài trên lớp. |
"Cha - chong - con: Là xe đạp, a pa chi: Là bố, chan song ky: Là cái quạt…" - một học viên tóc vàng hoe, nước da đen nhẻm đứng lên trả bài. Sau giờ trả bài, làm bài tập, các học viên bắt đầu đi vào học từng bài, ngữ pháp, từ ghép. "Có nhiều ngư dân học rất xuất sắc. Tuy nhiên, do tiếng địa phương nặng các học viên ở đây cứ nhầm vần NG và N trong tiếng Hàn" - cô giáo Yến cho biết.
Học tiếng Hàn để làm gì vậy? Đặt câu hỏi này với nhiều ngư dân, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: "Tụi em tính xuất ngoại qua Hàn Quốc đánh cá hoặc lao động trong các cơ sở chế biến thủy sản của các doanh nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn. Quê mình có biển nhưng chắc khó làm giàu".
Lớp tiếng Hàn tại xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh là lớp học thứ 2 ở Quảng Ngãi. Lớp học thứ nhất ở huyện Đức Phổ với 30 học viên vừa tốt nghiệp và nhận bằng. Lớp học do Công ty Bước Chân Việt liên kết với UBND tỉnh Quảng Ngãi mở, nhằm đào tạo các ngư dân biết ngôn ngữ, phong tục tập quán để đi làm nghề biển ở Hàn Quốc.
Qua xứ Hàn đánh cá
Ước mơ đổi đời khiến nhiều ngư dân thực sự chăm lo học hành. Ngư dân Nguyễn Thanh Hồng (sinh năm 1972, xã Tịnh Kỳ) cho biết: Tôi làm biển được gần 13 năm. Vừa rồi mới bán tàu cá để giã từ nghề biển ở Việt Nam. Vợ chồng tôi thống nhất, vợ ở quê, chồng đi Hàn".
"Tiếng Hàn rất dễ học, khó nhất là một câu nếu so với tiếng Việt thì dài như chùm lưới mực" - ngư dân Lương Tiến Trung - học viên có kết quả tốt nhất lớp tâm sự. Gia đình anh Trung hiện có chị gái đã qua Hàn Quốc và làm trong một công ty nuôi trồng thủy sản, thu nhập rất khá.
Hai vợ chồng anh cũng phân công người ở Việt Nam, người qua Hàn đánh cá. Theo anh Trung, sau gần 3 tháng học tiếng Hàn, bây giờ nếu ngồi xem phim Hàn có thể hiểu được ít nhiều.
Cô giáo Yến cho biết, trước đây cô chuyên đào tạo tiếng Hàn cho người dân các tỉnh miền Tây Nam bộ. Học viên các lớp này chiếm phần lớn là nữ. Còn ở Quảng Ngãi thì ngược lại, 100% học viên là nam. Mỗi khóa học 3 tháng, học phí 900.000 đồng/người.
Nhìn chung, học viên rất quyết tâm học hành và không học theo kiểu ngày đầu thì đông, cuối khóa rớt dần. Ngoài giờ học, vào ngày thứ 7 và Chủ nhật, các học viên được thực hành thêm bằng cách sinh hoạt ngoại khóa để được giao tiếp, hát tiếng Hàn.
Hàn Quốc hiện đang thiếu nhiều lao động nghề cá (gồm đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản) nên riêng năm nay bạn bổ sung cho Việt Nam 2.000 chỉ tiêu hồ sơ nghề này. Ngày 5-12 sẽ tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn riêng cho đối tượng này để bổ sung hồ sơ. Lao động cứ đạt điểm sàn 80 điểm là đỗ. Để chủ động nguồn nhân lực cho năm nay và những năm tới, Bộ LĐ-TB&XH đã có cuộc họp với các địa phương ven biển, đề nghị địa phương chủ động đào tạo tiếng Hàn cho lao động nghề cá.
Ông Vũ Minh Xuyên- Phó Giám đốc Trung tâm Việc làm ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH)
Lê Huyền (ghi)
Lê Văn Chương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.