Giấc mơ có thật
Lớn lên trong một gia đình nghèo tại làng chài Tam Quan Nam, năm 16 tuổi, chàng trai Nguyễn Như gấp sách vở, từ bỏ chốn học đường để cùng bạn bè theo chiếc ghe tuềnh toàng, lênh đênh trên biển với vai trò là ngư dân. Nhà nghèo, đông anh em nhưng chỉ trông chờ vào vài đồng bạc ít ỏi từ nghề đi bạn nên anh phải lo chạy ăn từng bữa.
Ngư dân Nguyễn Như trên con tàu tiền tỷ của mình. Ảnh:Dũ Tuấn
“Địa phương chúng tôi đang có 2.418 tàu tham gia đánh bắt tại những ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa... Trong đó, có rất nhiều ngư dân trẻ tuổi với bản lĩnh và tư duy của người trẻ, họ sẵn sàng chi tiền tỷ để sắm tàu vươn khơi xa. Nhờ vậy, hiệu quả đánh bắt của ngư dân ngày được cải thiện và nâng cao”.
Ông Nguyễn Chí Công-
Phó Chủ tịch UBND
huyện Hoài Nhơn (Bình Định)
|
“Khi ấy, cả làng chài chủ yếu đánh bắt gần bờ, sáng sớm, ngư dân ăn vội chén cơm với nước mắm lót dạ để lên ghe ra khơi, buổi chiều cập bến lại vội vã mang hải sản đến bán dọc chợ. Tôm, cá… cạn kiệt nhưng thu nhập không cao, lúc đó tôi chợt nghĩ, tại sao mình không vươn khơi xa nên cứ ấp ủ mãi giấc mơ sắm tàu và được làm ông chủ. Trong khi đó, bản thân tôi đang đi bạn, thu nhập thì bữa đói bữa no, chẳng lo nổi cho gia đình nên giấc mơ sắm tàu là điều quá xa xỉ”- anh Như nhớ lại.
Sau nhiều năm lênh đênh trên biển, tích góp và dành dụm được ít vốn, năm 2010, anh Như đầu tư đóng con tàu đầu tiên với công suất 804CV để chinh phục ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa… Lấy ngắn nuôi dài, đeo đuổi ước mơ sắm tàu, vài năm sau đó anh tiếp tục hành trình đóng tàu vươn khơi.
Anh Như cho hay: “Hiện tại, tôi đang sở hữu 3 tàu gồm BĐ 96011TS (804CV) BĐ 96669 TS (330CV) và mới đây tôi vừa hạ thủy tàu BĐ 98101 TS (750CV) với số tiền 7 tỷ đồng. Tôi vừa là chủ tàu, vừa là thuyền trưởng trong mỗi chuyến đi nên rất coi trọng chiếc tàu mình đang đi vì sống chết trên biển đều nhờ vào nó”.
Mỗi năm thu lời 1,2 tỷ đồng từ đóng tàu
Ngư dân trên tàu của anh Nguyễn Như hối hả mang thủy sản bán cho thương lái. Ảnh:Dũ Tuấn
Trải qua nhiều gian nan, sương gió trên biển nên khuôn mặt của ngư dân Nguyễn Như trông già dặn hơn lứa tuổi 42 của anh. Hiện nay, 3 tàu cá của anh có khoảng 30 ngư dân tham gia đánh bắt trên biển, chủ yếu là nghề câu cá ngừ đại dương và lưới vây.
“Chỉ riêng 2 tàu đầu tiên tôi sắm, mỗi năm gia đình tôi thu lời trên 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc ngư dân chúng tôi luôn băn khoăn là sau khi bán thủy sản, phải liên hệ với đầu nậu nên giá cả hơi bấp bênh. Đôi khi còn tùy thuộc vào đầu nậu rất nhiều, tình trạng o ép giá cứ diễn ra liên miên. Chúng tôi chỉ mong muốn có một công ty nào đó thu mua ổn định để việc buôn bán thuận lợi, đầu ra cho mặt hàng của ngư dân được yên tâm”- anh Như bộc bạch.
5 năm theo tàu anh Nguyễn Như, ngư dân Ngô Văn Long (trú xã Tam Quan Nam) cho biết: “Nhờ đi tàu đánh bắt, mỗi năm tôi có thu nhập gần 100 triệu đồng. Số tiền này dành dụm để trang trải cuộc sống và tiếp bước cho con cái đến trường. Thú thật, khi đi trên tàu có công suất lớn và được bổ sung đầy đủ các thiết bị hiện đại như tàu của anh Như, việc liên lạc với đất liền rất dễ dàng. Vì vậy, mỗi lúc gặp hoạn nạn còn biết cách cầu cứu chứ không mong manh như tàu gỗ công suất nhỏ trước đây”.
Nói về bí quyết, ngư dân Nguyễn Như từ tốn chia sẻ: “Tôi có 3 con tàu công suất lớn, một chiếc tôi cầm lái, hai chiếc còn lại tôi giao cho người thân quen và có kinh nghiệm đi biển làm thuyền trưởng. Những thuyền viên nào hoàn cảnh khó khăn, mình thăm hỏi, động viên và nếu cần mình sẵn sàng cho mượn tiền không tính lãi suất. Anh em đồng cam cộng khổ, vui buồn sẻ chia với nhau, hiểu rõ tính cách nhau, lòng tin đã được xác lập từ trước nên họ xem tàu của tôi như tàu của họ. Sống ở ngư trường, xa nhà thiếu thốn đủ thứ chúng tôi thân nhau như anh em ruột thịt thôi, chẳng có gì nề hà cả”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.