“Ngũ hổ tướng” của Lương Sơn Bạc gồm những ai?

Minh Anh Thứ sáu, ngày 25/01/2019 18:31 PM (GMT+7)
108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc nếu không túc trí đa mưi, hào hiệp trượng nghĩa thì cũng là những người có một thân công phu thượng thừa, trong số ấy nổi bật là "Ngũ hổ tướng". "Ngũ hổ tướng" ấy gồm Quan Thắng, Lâm Xung, Tần Minh, Hô Duyên Chước và Trương Thanh.
Bình luận 0

1. Quan Thắng

Quan Thắng có biệt hiệu Đại Đao, sao chiếu mệnh Thiên Dũng Tinh. Ông xuất thân giữ chức Tuần kiểm phủ Bồ Đông nằm trong phạm vi quản hạt của Bắc Kinh, thuộc dòng dõi danh tướng Quan Vân Trường nhà Thục Hán. Quan Thắng từ nhỏ đã thích đọc kinh thư, lại giỏi về võ nghệ, có sức khỏe muôn người không địch nổi.

Ông là hậu duệ của Quan Công, từ hình dáng đến binh khí đều giống Quan Công như đúc, thân cao 8 thước rưỡi, râu ba chòm dài, lông mày dài đến tóc mai, mắt phượng mày ngài, mặt đỏ, sử dụng Thanh long đao, uy nghi như Quan Công tái thế. Ông đứng đầu ngũ hổ tướng gồm: Quan Thắng, Lâm Xung, Tần Minh, Hô Diên Chước và Trương Thanh.

img

Đại đao Quan Thắng. Ảnh minh họa.

Ông vốn là sao Thiên Dũng Tinh hạ phàm, nên có uy dũng, sức mạnh của Thiên Thần. Ông là người võ nghệ cao cường, khi quân Lương Sơn tấn công phủ Đại Danh, Quan Thắng đã một mình đánh tan 15 chiến xa đối địch.

Ban đầu khi dẫn quân triều đình đánh Lương Sơn, một mình ông đối địch với hai hổ tướng Lâm Xung và Tần Minh. Ông còn là người túc trí đa mưu, đã lập mưu kế bắt sống các tướng của Lương Sơn là Trương Hoành, Nguyễn Tiểu Thất.

Khi quân tướng Lương Sơn đụng độ với tướng Đông Xương là Trương Thanh có tài ném đá khiến nhiều tướng bị thương, Chu Đồng, Lôi Hoành cùng xông lên cũng bị đánh bại. Quan Thắng phóng ngựa Xích Thố ra cứu thì phi thạch bắn tới bèn lấy đao đỡ, viên đá va chạm với thanh đao thì tóe lửa, bèn rút lui.

Quan Thắng đã lập nhiều chiến công trong trận đánh với triều đình Liêu, Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp. Khi về kinh được trao chức Tổng quản Binh mã phủ Đại Danh. Sau này Quan Thắng đi thao luyện quân mã trở về, lúc say rượu, sẩy chân ngã ngựa, lâm bệnh rồi mất.

2. Lâm Xung

Lâm Xung hiệu Báo Tử Đầu, ứng với sao chiếu mệnh Thiên Hùng Tinh. Ông ngồi ghế thứ 6 trong hàng ngũ các tướng Lương Sơn. Tên hiệu Báo Tử Đầu nghĩa là đầu báo, đúng như tướng mạo oai phong của giáo đầu 80 vạn cấm quân: “Đầu báo, mắt tròn, râu hùm, hàm én, thân cao tám thước (khoảng 1,9  – 2 mét), trạc 34, 35 tuổi”.

Báo Tử Đầu Lâm Xung thành thạo rất nhiều loại binh khí nhưng tài nghệ tuyệt luân nhất của ông là kỹ thuật đánh Bát Xà Mâu. Thương pháp của Lâm Xung cũng thuộc loại xuất quỷ nhập thần, ông từng chiếm ưu thế khi so tài với Đại đao Quan Thắng (hậu duệ của Quan Vân Trường). Lâm Xung cũng từng đánh ngang với với Lỗ Trí Thâm khi ông chỉ có hai tay không và chân mang xiềng xích, trong khi Trí Thâm mang vũ khí sở trường.

img

Lâm Xung (tạo hình trên phim).

Sao Thiên Hùng Tinh đã mang ý nghĩa của một anh hùng thiên tướng. Ông được mọi người ca ngợi bởi tài năng đức độ và thừa nhận là người có võ công cao nhất trong Thủy Hử truyện.

Tên ông Lâm Xung đã nói lên sự khiêm nhường. “Xung” có nghĩa là “khiêm xung”, nhún nhường, lặng lẽ. Có lẽ vì thế mà tài năng võ công bậc nhất Lương Sơn, nhưng ông chưa bao giờ chủ động ra tay trước, chỉ xuất chiêu sau khi đối thủ đã tấn công trước. Ông là một Nho tướng, trung hậu, trượng nghĩa, khiêm nhu, nhẫn nhịn, có tài năng và ôm chí lớn kinh bang tế thế.

Cuộc đời Lâm Xung trước khi lên Lương Sơn rất éo le: Bị bạn thân (Lục Khiêm) phản bội và bị bọn gian thần hãm hại đến thân bại danh liệt mất hết nhà cửa, vợ bị giết. Lâm Xung vốn có thù sâu với Cao Cầu, nhưng lần nào cũng không giết được Cao Cầu. Triều đình liên tục phát binh chinh phạt, Lâm Xung lập nhiều chiến công. Một lần nghĩa quân Lương Sơn bắt được Cao Cầu, được tin Lỗ Trí Thâm báo, Lâm Xung rất lấy làm vui mừng mang đao định giết chết hắn nhưng bị Tống Giang cản lại không cho giết, Lâm Xung lấy làm uất hận thổ huyết!

Sau khi đánh bại Phương Lạp, huynh đệ của ông là Lỗ Trí Thâm ngồi thiền qua đời, Lâm Xung buồn bã mà bị bệnh cảm gió, Tống Giang cho người chữa mãi không khỏi, bèn để Lâm Xung ở lại chùa Lục Hòa, giao cho Võ Tòng chăm sóc. Nửa năm sau thì Lâm Xung qua đời.

3. Hô Diên Chước

Hô Diên Chước có biệt hiệu là Song Tiên (nghĩa là hai cây roi – vũ khí ông sử dụng là hai cây roi sắt), sao chiếu mệnh Thiên Uy Tinh, đứng thứ ba trong Ngũ hổ tướng. Sao chiếu mệnh ông là Thiên Uy Tinh, nghĩa là có oai phong, uy vũ của Thiên Thần, và thần uy này được thi triển khi mình ông lần lượt đối đầu với Lâm Xung, Hỗ Tam Nương, Tôn Lập bất phân thắng bại.

img

Hô Diên Chước (tạo hình trên phim).

Tên Hô Diên Chước, Chước nghĩa là tỏa sáng, chiếu sáng. Có lẽ cũng vì vậy mà Hô Diên Chước đã lập được rất nhiều công lao cho Lương Sơn Bạc như đẩy lui giặc Liêu, bắt sống tướng Liêu Ngột Nhan Diên Thọ, bình định hai cuộc khởi nghĩa của Điền Hổ, Vương Khánh. Sau đó, Hô Diên Chước lại theo Tống Giang tiêu diệt Phương Lạp ở Giang Nam, khi trở về Hô Diên Chước được vua phong chức Binh mã chỉ huy sứ Ngự doanh.

Còn chữ Diên trong tên ông nghĩa là kéo dài, lâu dài, trường thọ. Khi quân Kim sang xâm lược nhà Tống do Ngột Truật cầm đầu truy kích vua Tống Cao Tông, Hô Diên Chước lúc này đã hơn trăm tuổi, ở ẩn tại huyện Hải Điểm, địa phận Bình Giang đã cứu giá, chiến đấu với Ngột Truật để bảo vệ vua Tống. Nhưng không may, Hô Diên Chước do tuổi cao sức yếu nên đã tử trận, bị Ngột Truật phanh xác. Sau đó vua Tống Cao Tông đã phải bỏ chạy và đi tìm Nhạc Phi ở Ngưu Đầu Sơn.

Tần Minh

Ông là một trong 36 Thiên Cương Tinh, ngồi ghế thứ 7 trong hàng ngũ các tướng. Tần Minh xuất thân là Đô Thống chế ở Thanh Châu Thuỷ hử mô tả ông "người mạnh khoẻ, tính nóng như lửa, tiếng to như sấm". Biệt danh Tích Lịch Hoả cũng từ đó mà ra. Ngoại hình và tính cách của Tần Minh có thể so sánh với Trương Phi trong Tam Quốc Chí. Tần Minh có võ công cao cường, sử dụng cây lang nha côn (gậy răng sói) muôn người khôn địch.

Khi nghe tin Hoa Vinh phản lại Lưu Cao thì Tần Minh đã nổi giận lôi đình, đem quân đến trại Thanh Phong bị đánh dẹp nhưng lại mắc mưu của Tống Giang mà bị bắt. Tống Giang biết Tần Minh là tướng tài nên đã cố thuyết phục

img

Tần Minh (tạo hình trên phim).

Ngày hôm sau khi Tần Minh quay lại Thanh Châu, ông thấy khói bốc lên nhưng lại không thấy ai và sinh nghi. Về đến cổng thành, Tần Minh ngạc nhiên khi bị quan Thanh Châu là Mộ Dung Ngạn Đạt gọi là kẻ phản loạn.  Mộ Dung Ngạn Đạt đã giết cả nhà Tần Minh, sau đó còn bắn tên để ngăn Tần Minh về thành.

Sau khi gặp Tống Giang và các thủ lĩnh khác, ông đồng ý quy thuận Lương Sơn và còn thuyết phục được Trấn Tam Sơn Hoàng Tín gia nhập. Tần Minh vốn tính nóng nảy, luôn xung phong đánh trận đầu, song cũng nhờ đó mà lập nhiều công lao.

Sau khi chiêu an, Tần Minh cùng với nghĩa quân Lương Sơn tham gia các chiến dịch đánh Liêu, Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp. Song không may, trong trận Thanh Khê, Tần Minh bị Phương Kiệt giết chết.

Trương Thanh

Trương Thanh có biệt hiệu Một Vũ Tiễn, sao chiếu mệnh Thiên Tiệp Tinh. Biệt hiệu Một Vũ Tiễn có nghĩa là mũi tên không có lông vũ (đuôi tên), ám chỉ vũ khí đặc biệt của ông là tài ném đá (đá được ví là mũi tên không có đuôi).

Thiên Tiệp có nghĩa là chiến thắng của Thiên Thần, thế nên ông đánh một lúc 14 viên tướng của Tống Giang gồm: Từ Ninh, Yến Thuận, Hàn Thao, Bành Kỉ, Hồ Diên Chước, Lôi Hoành, Chu Đồng, Dương Chí, Quan Thắng, Hác Tư Văn, Đổng Bình, Sách Siêu, Tuyên Tán, Lưu Đường.

img

Trương Thanh (tạo hình trên phim).

Sau khi gia nhập Lương Sơn, trong trận đánh Điền Hổ, Trương Thanh đã giả dạng một người khác và đột nhập vào quân Điền Hổ, rồi lấy Quỳnh Anh. Vì Quỳnh Anh có mối thù với Điền Định, Ô Lê quốc cữu nên cả hai cùng nhau nội ứng ngoại hợp, chiếm Uy Thắng Châu.

Điền Hổ chạy tới huyện Tương Viên (nơi Quỳnh Anh đóng quân), Trương Thanh cùng vợ đã bắt Điền Hổ. Hai người cùng nhau theo nghĩa quân Lương Sơn đánh Vương Khánh, hai người lập công lớn trong các trận Kì Sơn, Nam Phong Phủ…

Còn biệt hiệu Một Vũ Tiễn là “mũi tên không đuôi lông vũ”, nhưng cũng có nghĩa là “không có mũi tên”, cũng ứng với khi đánh Phương Lạp, Trương Thanh hết đá (không có mũi tên), nên dùng thương giao chiến với Lệ Thiên Nhuận quanh một cây tùng.

Trương Thanh phóng thương đâm vào Lệ Thiên Nhuận nhưng Lệ Thiên Nhuận tránh được và cây thương bị mắc ở gốc tùng. Trương Thanh rút cây thương mãi không ra, trong lúc đó Lệ Thiên Nhuận xông tới phóng thương trúng ngực, giết chết Trương Thanh. Ông chết bởi cây thương – tức là mũi tên không có đuôi lông vũ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem