Ngửa lá bài "bom nhiệt hạch" của Kim Jong-un

Quang Minh - IBT Thứ bảy, ngày 09/01/2016 00:03 AM (GMT+7)
Trong khi nhiều quốc gia khác phẫn nộ trước hành động thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên, chính quyền Bình Nhưỡng vui mừng khi người dân trong nước tỏ ra ngạc nhiên và đầy tự hào.
Bình luận 0

Với người dân Triều Tiên, thông báo thử bom nhiệt hạch có lẽ mang lại niềm tự hào về tiềm lực quốc phòng của đất nước. Năm nay, Đảng Lao động Triều Tiên sẽ tổ chức kì đại hội thứ 7 nên Kim Jong-un càng cần sự chú ý và ủng hộ của người dân trước những quyết sách mới.

Theo Wall Street Journal, báo Rodong Sinmun của Triều Tiên đăng ảnh hình lãnh đạo tối cao Kim Jong-un kí sắc lệnh yêu cầu thử hạt nhân ở trang nhất. Tờ báo chính thống này cũng đăng nội dung sắc lệnh và chữ ký của ông Kim.

img

Tháng 5.2016 sẽ là dịp Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 7.

“Hãy bắt đầu năm 2016 bằng vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên, để cả thế giới này sẽ nhìn vào Đảng Lao động Triều Tiên bằng ánh mắt ngưỡng mộ”, bài báo viết.

Các chuyên gia quân sự từ Mỹ và Hàn Quốc nhận định đây không phải là một quả bom nhiệt hạch như Triều Tiên tuyên bố. Thông tin cho thấy đây là một thiết bị hạt nhân cỡ nhỏ, cùng loại với những quả bom từng thử nghiệm.

Kim Heung-hwang, một người Triều Tiên từng trốn thoát khỏi đất nước cho biết khi chính quyền muốn tuyên truyền thông điệp quan trọng, họ sẽ tổ chức những cuộc họp cộng đồng lớn. Với những sự kiện như thử hạt nhân hay tên lửa tầm xa mới được phóng, những cuộc gặp mặt chắc chắn sẽ diễn ra.

img

"Bom nhiệt hạch" được cho là lá bài quan trọng của lãnh đạo tối cao Kim Jong-un nhằm củng cố vị thế chính trị.

Hình ảnh hiện đại của quân đội và sự ủng hộ của người dân sẽ là lí do quan trọng giúp Triều Tiên  có thể bạo tay chi cho ngân sách quốc phòng. Mỗi năm Triều Tiên chi khoảng ¼ GDP riêng cho lĩnh vực này.

Cuộc thử nghiệm hạt nhân cũng rất cần thiết để duy trì sự ủng hộ của giới chức quân sự và Đảng Lao động. Không giống như người cha Kim Jong-il mất hàng năm trời để xây dựng và củng cố quyền lực trước khi nắm quyền từ năm 1994, lãnh đạo Kim Jong-un nắm toàn bộ quyền lực ở Triều Tiên khi cha qua đời vào năm 2011. Trong hơn 4 năm cầm quyền, Kim Jong-un đã cách chức hơn 100 cán bộ. Điều này phần nào cho thấy sự bất ổn của Triều Tiên.

Tháng 5 này, Đại hội lần thứ 7 diễn ra sau 36 năm không tổ chức. Với quốc gia như Triều Tiên, việc thay đổi đường lối chính trị là rất khó khăn nên làm thế nào để quan chức chính phủ tin tưởng lãnh đạo tối cao là việc rất cần thiết.

Trong khi Triều Tiên vẫn đang ăn mừng kết quả vụ thử hạt nhân thì truyền thông trong nước có nhiệm vụ tối quan trọng là giúp mọi người dân biết được sự kiện trọng đại. Ngoài tờ Rodong Sinmun, 5 tờ báo nhà nước khác cũng đăng tải thông tin về vụ thử bom nhiệt hạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem