Ngược đãi ông bà, cha mẹ có thể bị giáo dục tại phường

Thứ hai, ngày 12/04/2021 13:13 PM (GMT+7)
Người có hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình nhưng không phải là tội phạm, bị xem xét áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn.
Bình luận 0

Áp dụng đối với người ngược đãi ở tuổi chưa thành niên

Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (thay thế Nghị định 111/2013 và Nghị định số 56/2016).

Dự thảo nêu rõ: Chỉ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Ngược đãi ông bà, cha mẹ có thể bị giáo dục tại phường - Ảnh 1.

(Tranh minh họa).

Nguyên tắc áp dụng là nhanh chóng, công khai, khách quan, công bằng; đúng thẩm quyền, đối tượng, trình tự, thủ tục và không xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của đối tượng vi phạm.

Đặc biệt phải tôn trọng và bảo vệ bí mật cá nhân của người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và người chưa thành niên được áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình; không công khai việc tổ chức, nội dung, kết quả cuộc họp tư vấn, hồ sơ và thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên.

Cá nhân bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn…

Không áp dụng với người nước ngoài

Điều 4 dự thảo Nghị định quy định về đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, gồm:

- Đối tượng là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì thời hiệu là 1 năm kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

- Đối tượng là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì thời hiệu là 6 tháng kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

- Đối tượng là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 6 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép thì thời hiệu là 6 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm nêu trên.

- Đối tượng là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 6 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép nhưng không phải là tội phạm thì thời hiệu là 6 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm nêu trên.

- Đối tượng là người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 6 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì thời hiệu là 3 tháng kể từ ngày thực hiện lần cuối hành vi vi phạm nêu trên.

- Đối tượng là người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 6 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình nhưng không phải là tội phạm thì thời hiệu là 6 tháng kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm nêu trên.

Ngược đãi ông bà, cha mẹ có thể bị giáo dục tại phường - Ảnh 2.

Một vụ việc ngược đãi bố mẹ gây phẫn nộ cộng đồng mạng mới đây (Ảnh minh họa).

Đối với người chưa thành niên thuộc một số trường hợp nêu trên, chỉ quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn khi không đủ điều kiện áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình. Việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.

Dự thảo nghị định đề xuất thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 3-6 tháng, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng của người vi phạm.

"Không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nước ngoài"- dự thảo nêu rõ.

Ai có thẩm quyền?

Người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 1 Điều 105 của Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm: Chủ tịch UBND cấp xã nơi người vi phạm cư trú; Chủ tịch UBND cấp xã nơi cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em đã tiếp nhận người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định đóng trụ sở; Chủ tịch UBND cấp xã nơi phát hiện người từ đủ 18 tuổi trở lên không có nơi cư trú ổn định có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần thứ ba.

Bên cạnh đó, người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình quy định tại khoản 2 Điều 140 của Luật Xử lý vi phạm hành chính là Chủ tịch UBND cấp xã nơi người chưa thành niên cư trú…

Thế Kha (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem