Bác sĩ luôn đau đáu "thời gian là não" ở bệnh viện chuẩn kim cương trong điều trị đột quỵ

Bạch Dương Thứ ba, ngày 27/02/2024 15:28 PM (GMT+7)
Chỉ trong vòng 4 năm, đơn vị đột quỵ của Bệnh viện Quân y 175 đã được nâng từ chuẩn vàng lên chuẩn kim cương trong điều trị đột quỵ, trong đó có vai trò không nhỏ của Thiếu tá, ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, một trong những trưởng khoa trẻ nhất của bệnh viện.
Bình luận 0
Bác sĩ luôn đau đáu "thời gian là não" ở bệnh viện chuẩn kim cương trong điều trị đột quỵ- Ảnh 1.

Thiếu tá, ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: B.D

Những bước tiến nhảy vọt trong điều trị đột quỵ

Với phương châm "thời gian là não", Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 đã không ngừng nâng cao chất lượng cấp cứu, điều trị đột quỵ. Chỉ trong vòng 4 năm, đơn vị đột quỵ của Bệnh viện Quân y 175 đã được nâng từ chuẩn vàng lên chuẩn kim cương trong điều trị đột quỵ, trong đó có vai trò không nhỏ của Thiếu tá, ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, một trong những trưởng khoa trẻ nhất (38 tuổi) của bệnh viện.

Nhớ lại những ngày đầu tiên, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa kể lại, từ giữa năm 2000, Bệnh viện Quân y 175 là trong những bệnh viện đầu tiên của cả nước thành lập đơn vị điều trị đột quỵ. Đây là bước đánh dấu cho việc điều trị đột quỵ bắt đầu đi vào chuyên nghiệp ở bệnh viện.

Từ năm 2019, khi tiếp cận các tiêu chí của Tổ chức Đột quỵ thế giới, Khoa Nội thần kinh đã nhanh chóng rà soát, triển khai lại toàn bộ quy trình theo chuẩn quốc tế, kết hợp củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên, đồng thời phát huy hiệu quả tốt nhất các trang thiết bị y tế. Xác định điều trị đột quỵ là đa chuyên khoa, khoa đã chủ động phối hợp cùng các khoa liên quan đánh giá, rút kinh nghiệm, đối chiếu với bộ tiêu chuẩn sau từng ca bệnh để nâng cao chất lượng công tác cấp cứu, điều trị.

Năm 2016 – 2017, bệnh viện bắt đầu áp dụng tiêu sợi huyết; năm 2019 áp dụng phương thức tách mạch máu lớn. Cũng trong cuối năm 2019, bệnh viện chính thức đạt chuẩn vàng trong điều trị đột quỵ do Tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO) công nhận.

Tháng 3/2022, WSO công nhận đơn vị đột quỵ Bệnh viện Quân y 175 đạt chuẩn bạch kim và cuối năm 2023, tiếp tục được nâng lên chuẩn kim cương. Đây là bệnh viện quân đội đầu tiên và bệnh viện thứ 4 trong cả nước đạt được chuẩn cao nhất của tổ chức này về điều trị đột quỵ.

Để đạt được chuẩn kim cương này, bệnh viện phải đáp ứng được 10 tiêu chí gắt gao từ WSO (tiêu chuẩn vàng và bạch kim chỉ 7 tiêu chí). Quan trọng hơn hết là sự hình thành nhóm "Code stroke" trong bệnh viện giúp chẩn đoán và điều trị kịp thời trong giờ vàng, giúp họ trở về cuộc sống bình thường, giảm được các di chứng và gánh nặng cho bản thân, gia đình.

Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa luôn trăn trở: Đối với bệnh nhân đột quỵ, "thời gian là não", nghĩa là tiếp cận và tiến hành kỹ thuật can thiệp đúng, đủ theo quy trình nhanh nhất đối với bệnh nhân đột quỵ để giảm tác hại đến não. Vì thế việc chẩn đoán, điều trị kịp thời cho bệnh nhân đột quỵ là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu.

"Cấp cứu nói chung và cấp cứu đột quỵ nói riêng đều phải chạy đua với thời gian. Với đột quỵ, đòi hỏi bác sĩ khoa cấp cứu càng phải nhận diện bệnh nhanh nhất có thể để kích hoạt quy trình cấp cứu, điều trị. Nhờ hoàn thiện tốt quy trình chuẩn hóa cao nên các khoa đã phối hợp rất nhịp nhàng, chuyên môn hóa tốt và bảo đảm có sự ưu tiên cần thiết để đáp ứng tốt tiêu chí trong cấp cứu, điều trị đột quỵ", bác sĩ Nghĩa giải thích kỹ hơn.

Bác sĩ luôn đau đáu "thời gian là não" ở bệnh viện chuẩn kim cương trong điều trị đột quỵ- Ảnh 3.

Đơn vị đột quỵ Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: B.D

Thiếu tá, ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa cho biết, Tổ chức Đột quỵ thế giới xét, công nhận tiêu chuẩn theo quý vừa là cơ hội, vừa là thách thức để đội ngũ thầy thuốc luôn phấn đấu từng giờ, từng ngày, không được lơ là ngủ quên trên đỉnh cao.

Không chỉ dồn sức cho điều trị đột quỵ, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa còn được gọi là người "giải mã" bộ não cứu bệnh nhân trầm cảm tại đơn vị Sinh lý thần kinh lâm sàng đầu tiên của Việt Nam. Đơn vị này do bác sĩ Nghĩa góp công thành lập từ tháng 1/2020.

Đơn vị ra đời từ những trăn trở của bác sĩ Nghĩa từ khi mới tốt nghiệp Học viện Quân y năm 2011, chọn về làm việc tại Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM). Khi ấy, anh thường trực câu hỏi tại sao hệ thần kinh - "bộ máy" điều khiển hầu hết hoạt động cơ thể - lại chưa có khoa riêng về thăm dò chức năng, trong khi khá nhiều bệnh viện tại Việt Nam đã lập khoa thăm dò chức năng tim mạch, hô hấp.

Tìm hiểu, anh phát hiện thế giới đã có chuyên ngành này lâu đời, với tên gọi "sinh lý thần kinh lâm sàng". Được lãnh đạo bệnh viện tạo điều kiện, anh tìm học bổng du học để "mở rộng tầm mắt" tại Singapore, Hàn Quốc, Australia.... trong 5 năm kể từ 2013. Anh vào thẳng vòng hai và hoàn thành chương trình Y học toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2016. 

2018, anh là một trong 15 học viên toàn cầu giành học bổng của Hội thần kinh ngoại biên thế giới, hoàn thành chương trình thạc sĩ cấp độ 2 khung châu Âu tại ĐH Milan (Italy).

Bác sĩ luôn đau đáu "thời gian là não" ở bệnh viện chuẩn kim cương trong điều trị đột quỵ- Ảnh 4.

Bác sĩ Nghĩa đang kiểm tra bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: B.D

Anh bắt tay thực hiện hoài bão xây dựng đơn vị Sinh lý Thần kinh Lâm sàng ngay khi về nước, đặc biệt là từ khi được giao trọng trách lãnh đạo khoa Nội thần kinh năm 2019. Để đơn vị ra đời và hoạt động tốt, không chỉ cần trang thiết bị máy móc mà vấn đề quan trọng nhất là con người. Trong khi đó, bác sĩ trưởng khoa khi đó mới 33 tuổi vấp phải không ít hồ nghi về năng lực chuyên môn và quản lý, bởi nhân sự trong khoa hầu hết đều lớn hơn cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của khoa lại chưa biết nhiều đến lĩnh vực này.

Những ngày đầu thành lập đơn vị, tổng số lượt thực hiện khảo sát sinh lý thần kinh chỉ khoảng vài chục người bệnh mỗi tháng. Dần dà, lượt bệnh tăng nhanh lên đến 47.000 chỉ định trong năm 2022, hiệu quả điều trị rõ rệt.

"Trước đây, khi tiếp cận bệnh nhân bị chóng mặt, các bác sĩ chẩn đoán rối loạn tiền đình nhưng lại không có xét nghiệm khách quan để chứng minh", anh nói. Hiện hệ thống máy khảo sát chức năng chuyển động nhãn cầu đã giúp xác định bệnh nhân chóng mặt có bị rối loạn tiền đình hay không, vị trí tổn thương ở dây thần kinh hay não bộ, từ đó điều trị phù hợp.

Thiếu tá, ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa.

Thiếu tướng Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, đánh giá cao năng lực và những nỗ lực, tâm huyết của bác sĩ Nghĩa - một trong những lãnh đạo khoa trẻ tuổi nhất bệnh viện, trong việc tạo dựng đơn vị sinh lý thần kinh lâm sàng đầu tiên cũng như cải tiến các quy trình điều trị, giúp phục vụ người bệnh tốt hơn. Đây là những tiền đề quan trọng tiến tới thành lập Viện Khoa học Thần kinh của bệnh viện trong thời gian tới.

Ban đầu, bác sĩ Nghĩa chọn theo nghề y chỉ đơn giản vì muốn chữa bệnh cột sống cho mẹ. Khi được tiếp xúc với nhiều thầy cô dành trọn tâm huyết cống hiến cho y khoa, anh yêu nghề lúc nào không hay.

"Nếu cho chọn lại tôi vẫn sẽ chọn nghề y vì có thể giúp ích được cho rất nhiều người", nam bác sĩ trưởng khoa 38 tuổi này khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem