Như Dân Việt thông tin, trong đấu bù vòng 22 V-League 2019 giữa Hà Nội FC và Nam Định diễn ra tại sân vận động Hàng Đẫy, cổ động viên Nam Định đã liên tục đốt pháo sáng và xô xát với nhân viên an ninh.
Đặc biệt, một CĐV quá khích đã bắn 1 quả pháo từ khán đài B sang khán đài A, trúng người chị Huyền Anh (SN 1985). Sau khi tiến hành sơ cứu tại sân, chị được chuyển thẳng tới bệnh viện Xanh Pôn để cấp cứu.
Kết quả ban đầu cho thấy chị Huyền Anh bị bỏng lưu huỳnh nặng và nhiều khả năng phải phẫu thuật 2 lần để điều trị.
Tuyển thủ Việt Nam Đỗ Duy Mạnh đau xót khi vào thăm nữ CĐV Huyền Anh bị bỏng nặng trên sân Hàng Đẫy. Ảnh: Dân Việt.
Trao đổi với Dân Việt về sự việc này, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho hay: "Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc cổ động viên sử dụng pháo để cổ vũ bóng đá, bởi vậy việc CĐV mang pháo vào sân vận động là một hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi sử dụng pháo gây mất an ninh trật tự, gây thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm minh”.
Luật sư phân tích, thông thường người dân hay gọi pháo sử dụng trong sân vận động là pháo sáng, tuy nhiên với góc độ pháp lý, pháo chia làm hai loại chính: Pháo hoa và pháo nổ.
Pháo sáng ở sân vận động thường là pháo hoa, song nó cũng có thể được xác định là pháo nổ đối với một số trường hợp gây ra tiếng nổ. Việc xác định loại pháo có vai trò rất quan trọng liên quan vì liên quan đến chế tài áp dụng là hình sự hay chế tài hành chính đối với những người mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép.
Trước đây, pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng tất cả các loại pháo bởi vậy hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loại pháo đều bị xử lý hình sự về tội mua bán hàng cấm.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 ra đời, có hiệu lực từ 1/1/2017 thì chỉ có “pháo nổ” mới thuộc danh mục hàng cấm, còn pháo hoa và các loại pháo khác không thuộc danh mục hàng cấm. Do đó, người buôn bán, vận chuyển pháo nổ vẫn bị xử lý hình sự, nhưng vận chuyển, buôn bán pháo hoa và các loại pháo khác không bị xem xét xử lý hình sự.
“Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định loại pháo hoa, pháo nổ không dễ dàng vì có những loại pháo phát sáng và còn gây tiếng nổ. Chính vì điều này nên rất khó việc xem xét áp dụng chế tài hành chính hay hình sự đối với người sản xuất, vận chuyển, mua bán, tàng trữ các loại pháo này” – Luật sư cho hay.
Công văn số 390/TANDTC-PC hướng dẫn về việc xử lý hành vi vận chuyển, buôn bán pháo hoa nổ. Theo đó, Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng hiện nay pháp luật chỉ quy định về “pháo nổ”, “pháo hoa”, chưa có quy định về “pháo hoa nổ”. Do đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để xác định vật chứng thu giữ là pháo hoa hay pháo nổ.
Bởi vậy, trong vụ việc nêu trên cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ đối tượng sử dụng pháo gây thương tích cho cổ động viên và loại pháo gì để có các hình thức xử lý cho phù hợp.
Ông Cường cũng cho biết thêm, trong trường hợp loại pháo này được xác định là pháo nổ, người mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép loại pháo này sẽ bị xử lý hình sự về tội sản xuất buôn bán hàng cấm theo quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào số lượng pháo sản xuất mua bán mà hình phạt có thể lên đến mức cao nhất là 15 năm tù.
Trong trường hợp không xác định được loại pháo sử dụng là pháo nổ, không xác định được người sản xuất, mua bán thì không xử lý được hình sự về hành vi này.
Tuy nhiên, đối với hành vi sử dụng pháo gây thương tích cho người khác, tùy vào cuộc vào thương tích của nạn nhân, người vi phạm có thể bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng hoặc tội vô ý gây thương tích ...
Trong trường hợp hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng, mức độ thương tích chưa đủ xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, tội vô ý về thành tích, hành vi này vẫn bị xử phạt hành chính theo nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 5 nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi "Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác" có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Hay theo Điều 10 của Nghị định này, Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi như: Mua, bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Vi phạm các quy định an toàn về vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm;
Vui lòng nhập nội dung bình luận.