"Mỗi hầm có một lỗ thông hơi nhỏ, sâu hun hút, nồng nặc uế khí, cả đêm lẫn ngày đều tối đen, mùa đông lạnh cóng, mùa hè nóng hầm hập. Người tù coi như bị chôn sống dưới huyệt hàng trăm, hàng nghìn ngày đêm, không bao giờ được bước ra khỏi cửa chuồng, không được ra ngoài đi vệ sinh…" - Đó là những hồi ức không thể nào quên của Đại tá Nguyễn Minh Vân, Cục tình báo, Bộ Quốc phòng - 1 trong 3 người còn sống sót sau ngày chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ năm 1963.
Khi nghe chúng tôi hỏi về quãng thời gian hoạt động cách mạng và bị giam giữ tại nhà lao Chín Hầm, ông Nguyễn Minh Vân bồi hồi xúc động bởi những ký ức hãi hùng lại bất chợt ùa về trong tâm trí. Tháng 6.1956, ông từ Cơ quan tình báo Hà Nội đi vào Huế để nắm mạng lưới ở miền Trung.
|
Ông Vân kể lại những tháng ngày ở Chín Hầm và tác phẩm truyện thơ Sống trong mồ. |
Đến giữa năm 1957, thường vụ khu ủy nhất trí với cơ quan tình báo trung ương cho ông chuyển vùng vào Sài Gòn để nắm một mạng lưới đặc biệt nằm trong cơ quan cấp cao của địch. Công việc của ông đang bắt đầu có hiệu quả thì ngày 1.11.1957, ông bị bọn mật vụ miền Trung bắt vì ở khu 5 xảy ra một vụ vỡ tổ chức rất nghiêm trọng liên quan đến đường dây của ông
Ký ức kinh hoàng
Ông Vân bị đưa vào nhà giam của tổng nha công an ngụy. Sau 2 tháng tra tấn khốc liệt mà không thu được kết quả gì, địch chuyển ông sang trại giam đặc biệt P42 của mật vụ Ngô Đình Nhu. Tại đây, ông nếm đủ các mùi tra tấn của địch như bị bắt đứng 5 ngày, 5 đêm liền dưới 2 ngọn đèn 500W, không ăn, không uống, không ngủ, hễ khuỵu chân xuống là bị chúng đấm đá bắt đứng lên cho đến lúc lăn ra bất tỉnh. Sau đó, chúng để ông nằm yên ở lao xá Ty Công an thêm 3 năm nữa hòng làm tiêu hao ý chí chiến đấu của ông.
Chín Hầm - sản phẩm tội ác cực kỳ man rợ
Khu vực Chín Hầm nằm ở vùng gò đồi ngoại ô tây nam TP.Huế. Những câu chuyện rùng rợn về Chín Hầm thực sự bắt đầu sau năm 1954, khi anh em bạo chúa Ngô Đình Diệm lên nắm quyền ở miền Nam Việt Nam.
Đây là trung tâm giam giữ những người dân tham gia chống đối chế độ gia đình trị họ Ngô và các chiến sĩ cách mạng trung kiên nhất của ta. Theo lời kể của các nhân chứng, hình thức tra tấn chủ yếu ở đây là đóng người lên tường, dùng dao sắc xẻo từng miếng thịt, tra điện, bịt kín lỗ thông hơi... làm cho tù nhân không chết ngay mà kéo dài sự sống trong muôn vàn đau khổ.
Nhận thấy mọi thủ đoạn tra tấn khốc liệt và mua chuộc kiên trì đều thất bại, Ngô Đình Cẩn bèn giở lá bài cuối cùng là đày ông Vân vào một cuộc sống rùng rợn ngoài sức tưởng tượng tại tử ngục Chín Hầm để buộc ông Vân phải đầu hàng không điều kiện.
Nhớ lại những tháng ngày sống trong "mồ" Chín Hầm năm ấy, ông Vân không khỏi rùng mình ớn lạnh: “Tôi bị chúng đưa đến Chín Hầm ngày 10.11.1961 và sống trong cái chuồng tối tăm nhỏ hẹp ấy suốt 724 ngày đêm. Nơi tôi bị giam là căn hầm số 8 với 20 xà lim, mỗi chuồng giam chỉ vừa một người nằm, chiều rộng là 0,8m, chiều dài là 1,8m, chặn lên đầu mỗi xà lim là 16 song sắt chiều ngang và 2 song chiều dọc. Chúng tôi nằm trên một tấm ván đặt sát nền. Trời mưa nước dột rơi xuống ướt cả ván, nền hầm nhầy nhụa những bùn và rác.
Mùa đông thì rét như cắt thịt, mùa hè thì nóng như trong lò nung. Phân tươi và nước tiểu của người bệnh bốc mùi tanh khủng khiếp lan tỏa đi khắp nơi. Thùng phân ngay bên cạnh ván nằm của chúng tôi, cái thì có nắp, cái thì không. Bình thường, một tuần bọn lính mang thùng đi đổ một lần nhưng nhiều khi chúng cố tình để quá hạn vẫn không đi đổ, buộc chúng tôi phải đi ngoài ra cả nền chuồng.
Cách cho ăn trong hầm cũng vô cùng man rợ, tai ác nhất là chúng bắt tôi và anh em ăn cơm sống trộn với muối kéo dài nhiều ngày và uống nước lã có mùi tanh…”.
Giơ bàn tay gầy gò, lỗ chỗ những di chứng của bệnh tật, của những trận đòn tra tấn năm xưa, đại tá Vân rưng rưng kể: “Cảnh anh em chết thật não lòng. Anh Bích nằm sõng soài trên đống phân, anh Đà nằm nửa người trên ván, nửa người vật ra ngoài, mặt úp xuống nền. Địch bỏ mặc thi thể người chết cho bầy chuột đói, có khi đến 2 ngày mới đem đi chôn”.
Được biết, có 12 người bị biệt giam trong khu hầm mộ này thì đã có 9 người chết. Trong ký ức của người chiến sĩ cách mạng kiên trung ấy, câu nói của người bạn tù trong cơn hấp hối còn văng vẳng bên tai: “Phải ráng sống lấy một người để còn kể lại cho đồng chí, đồng bào biết tội ác của kẻ thù ở nơi địa ngục này”.
3.000 câu thơ viết từ cõi chết
Là nhân chứng về cái chết của 5 đồng chí tại tử ngục Chín Hầm, ông Nguyễn Minh Vân vẫn còn nhớ như in tâm nguyện của đồng đội mình trước khi nhắm mắt. Ông tâm sự: “Thời gian sống kinh hoàng đó, tôi đã chịu đựng cực hình và bệnh tật bằng cách làm thơ để tránh cho đầu óc không bi quan, tiêu cực hoặc phát cuồng, phát điên. Động cơ thôi thúc tôi là ý nghĩ phải thực hiện nguyện vọng của những người đã khuất, phải cho mọi người thấy rõ Chín Hầm đúng là một địa ngục trần gian, bè lũ Ngô Đình Cẩn và mật vụ miền Trung đúng là một bầy quỷ dữ”.
|
Vợ chồng ông Vân hạnh phúc trong cuộc sống đời thường. |
Sống trong điều kiện vô cùng hà khắc, để tồn tại, người chiến sĩ tình báo Nguyễn Minh Vân đã nghĩ ra cách làm thơ. Làm được 10 câu thì dừng lại rồi tự nhẩm thuộc lòng. Suốt 10 tháng liền sống trong hầm, hằng ngày ông đi lại trên tấm ván dài 8 gang tay để làm thơ và đọc to cho bạn tù nghe. Cứ thế, đến ngày diễn ra đảo chính ở miền Nam, ông Vân đã có 3.000 câu thơ nhuốm đầy máu và nước mắt.
Sống trong mồ - đó là tên của truyện thơ ông viết tại tử ngục Chín Hầm năm đó. Tác phẩm được chia làm 3 phần. Phần 1 dài 1.200 câu có tên là Ngày thứ nhất trong mồ kể về cảm nhận của tác giả những ngày đầu tiên bị đưa vào biệt giam Chín Hầm. Phần 2 dài 1.000 câu kể về cuộc đời của những người bạn tù đã chết ở Chín Hầm. Phần 3 dài 800 câu có tên là Mai Ca. Đó là bí danh của một người bạn tù nghịch ngợm, vượt ngục không thành và bị địch tra tấn đến chết.
Cuối tháng 6.1964, nhật báo Chuông Mai xuất bản ở Sài Gòn đã in một loạt bài kể lại câu chuyện về “người âm phủ”, “người hầm” cùng một số đoạn thơ trích từ Sống trong mồ. Theo đó, lần đầu tiên, sự thật man rợ về địa ngục Chín Hầm được đưa ra ánh sáng đã khiến cho dư luận hết sức phẫn nộ.
Với giọng Huế nhỏ nhẹ, đưa cho chúng tôi xem cuốn sách in truyện thơ Sống trong mồ, ông Vân chia sẻ những tâm nguyện cuối cùng của mình: “Tôi thấy tiếc là khi in thành sách, một số tên thật của nhân vật đã bị thay đổi do yêu cầu nghiệp vụ. Nếu có điều kiện tái bản, nhất định tôi sẽ lấy lại tên thật cho họ, đồng thời sẽ in đầy đủ cả 3.000 câu thơ để bày tỏ lòng tri ân với những linh hồn đồng chí đã hy sinh trong địa ngục Chín Hầm và những nhà tù của Mỹ - Ngụy năm xưa”.
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.