Người biến phân heo thành... điện

Thứ hai, ngày 05/11/2012 12:50 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Sử dụng khí thải trong chăn nuôi để sinh ra nguồn điện sáng là sáng kiến của anh Bùi Minh Thế ở ấp Long Thạn, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Bình luận 0

Chúng tôi đến nhà anh Thế khi anh đang miệt mài hoàn chỉnh máy phát điện. Anh cho biết, đây là máy phát điện thứ 200 của anh.

img
Máy phát điện của anh Bùi Minh Thế.

Dòng điện từ... chất thải

Để chế tạo thành công máy phát điện, anh Thế đã nghiên cứu chuyển đổi nguyên lý hoạt động của động cơ đốt trong qua việc thay thế nhiên liệu (xăng, dầu) bằng loại khí thải dễ cháy. Khi động cơ hoạt động, anh chuyển đổi cơ năng thành điện năng thông qua hệ thống đi-na-mô phát điện; sử dụng khí thải từ chăn nuôi gia súc được chứa trong túi ủ biogas, có hệ thống ống dẫn khí vào động cơ. Theo anh Thế, quan trọng phải chế tạo bộ chế hòa khí cho động cơ hoạt động liên tục và tạo ra dòng điện ổn định.

Để giảm chi phí đầu tư, anh tận dụng các máy động cơ xe 4 bánh đã qua sử dụng để kéo đi - na mô phát điện. Khi lắp ráp hoàn chỉnh các thiết bị với nhau, động cơ được khởi động bằng bình ắc quy. Khí thải trong chăn nuôi rất nhạy cháy nên động cơ chạy rất "ngọt", từ đó sinh ra dòng điện tốt.

Anh Thế tâm sự: “Tôi có chút kiến thức về lĩnh vực cơ khí và rất yêu thích nghề chế tạo máy. Năm 2005 tình cờ tôi phát hiện ra loại xe ngoại nhập có thêm khả năng hoạt động bằng gas. Tôi liên tưởng nếu sử dụng "gas hỗn hợp" của túi ủ biogas trong chăn nuôi cũng có thể làm nổ các loại động cơ và dễ dàng làm ra nguồn điện hữu ích. Tôi đem ý tưởng này ra bàn và được các thành viên trong gia đình ủng hộ. Tôi thử nghiệm tại cơ sở cơ khí của gia đình tại Đồng Nai”.

Lúc đầu anh Thế làm thử nghiệm ở loại động cơ nhỏ. Sau nhiều lần thất bại, anh đã thành công. Khi động cơ hoạt động, anh nghĩ đến việc lắp đặt hệ thống đi-na-mô để phát ra nguồn điện.

Trong chăn nuôi quy mô lớn như hiện nay thì nguồn điện rất quan trọng, nếu tiết kiệm được khoản chi phí này thì lãi sẽ tăng lên. Anh Thế nhẩm tính, một trại nuôi heo trên 50 con có thể lắp đặt một máy phát điện này. Máy phát điện của anh có công suất từ 4-5kW (tương đương 70 bóng đèn nê-ông). Khoảng 10 ngày lắp ráp, anh hoàn thành một máy phát điện. Giá mỗi máy hiện nay từ 15 - 100 triệu đồng (tùy công suất).

Lợi ích kép

Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, một trang trại nuôi 500 con lợn, một ngày đêm tiêu thụ ít nhất 50kWh điện, giá điện kinh doanh thời điểm này từ 1.500-2.000 đồng/kWh… Nếu sử dụng máy phát điện biogas thì chi phí cho tiền điện giảm đáng kể. Với mô hình VAC thì nguồn điện vừa có thể thắp sáng, vừa có thể chạy máy bơm nước... Với các trang trại có kết hợp nhà máy xay xát hay chế biến thức ăn thì nguồn điện này cũng có thể thay thế điện công nghiệp…

Theo ông Nguyễn Tiến Linh: “Trang trại nuôi hàng trăm con lợn, trâu bò... sử dụng máy phát điện từ khí biogas rất hiệu quả. Bởi chăn nuôi quy mô lớn nguồn khí thải tích tụ trong túi ủ biogas rất dồi dào cho hoạt động của máy phát điện động cơ trong thời gian dài...”.

Ông Lê Minh Quang - chủ trang trại nuôi lợn ở xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) tâm sự: "Nhà tôi luôn nuôi trên dưới 100 con lợn, từ khi mua máy phát điện của anh Thế, tôi tiết kiệm khá lớn chi phí tiền điện, lại giảm hẳn ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Tiến Linh - cán bộ Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Tiền Giang cho biết, Trung tâm đang khuyến cáo các hộ chăn nuôi sử dụng máy phát điện biogas của anh Thế. Gần đây, nhiều cơ sở sản xuất bột sắn ở các tỉnh miền đông đã đến đặt hàng mua máy phát điện biogas của anh Thế. Khí thải từ chất thải bột sắn có khả năng chạy máy biogas để phát ra dòng điện hữu ích...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem