Người Brâu đi học

Thứ năm, ngày 21/10/2010 08:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các lớp học xóa mù chữ và dạy nghề dệt thổ cẩm mở tại làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đang thu hút gần 50 học viên tham gia.
Bình luận 0
img
Nghệ nhân Y Biết (phải) hướng dẫn Y Thanh trang trí hoa văn.

Hơn hai tháng nay, ngày nào chị Nang Sa Râu (35 tuổi) cũng dành 8 tiếng đến Khu văn hóa làng Đăk Mế để học nghề dệt thổ cẩm. Với chị, đây là cơ hội lớn để "kiếm một cái nghề".

Ngày học dệt thổ cẩm

Từ ngày sinh ra, lớn lên và xây dựng gia đình, Nang Sa Râu không biết chút gì về dệt thổ cẩm. Mỗi lần đi dự hội ở làng ở xã, nhìn các thiếu nữ duyên dáng trong váy áo thổ cẩm, chị lại ước mình cũng có một bộ. Nhưng, để có bộ váy áo thổ cẩm, ít nhất cũng phải bỏ ra 400-500 nghìn đồng, trong khi gia đình chị đang phải tiết kiệm tiền để nuôi hai con đi học.

Dự án "Đào tạo nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho các hộ dân tộc Brâu" mở lớp học tại làng, là cơ hội lớn cho Nang Sa Râu và các chị em khác được học nghề dệt thổ cẩm. Hơn hai tháng nay, chưa có buổi nào chị vắng mặt. Gần 3ha đất trồng mì (sắn); 2ha cao su trồng xen giữa sắn và 6 sào ruộng lúa chị giao hết cho chồng.

Dân tộc Brâu là 1 trong 6 dân tộc ít người nhất nước ta, với 182 hộ 632 nhân khẩu, sinh sống tập trung tại làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum.

Tháng 8-2010, lớp dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống được khai giảng tại làng Đăk Mế, thu hút 20 phụ nữ Brâu tuổi từ 16 đến 35 tham dự. Trong 6 tháng, 20 học viên này được 4 nghệ nhân dân tộc Bahnar đang sinh sống tại làng Kon Klo, thành phố Kon Tum truyền dạy.

Nghệ nhân Y Yah (53 tuổi), giáo viên dạy vắt chỉ của lớp cho biết: Tuy mới học hơn hai tháng nhưng các chị đã nắm được kỹ thuật cơ bản của dệt thổ cẩm. Nhiều chị đã biết tạo hoa văn. Chị Y Thanh tâm sự: “Mình đã nắm được các công đoạn để dệt một tấm vải, chỉ chưa biết kết hoa văn và trang trí các loại hoa văn”. Nhìn các chị say sưa bên tấm thổ cẩm, tôi cũng vui lây. Rồi đây, Nang Sa Râu, Y Thanh... sẽ có những bộ đồ thổ cẩm để diện khi đi dự hội và trong số này, không ít chị sẽ trở thành nghệ nhân dệt thổ cẩm của làng...

Tối học chữ

Cũng trong tháng 8-2010, lớp học xóa mù chữ được khai giảng tại làng Đăk Mê, với 29 học viên tuổi từ 25 - 35. Trung úy A Ban - nhân viên Đội công tác địa bàn thuộc Đồn biên phòng Bờ Y đảm nhiệm lớp học cho biết: Từ hôm khai giảng đến nay, trừ những trường hợp con cái ốm đau, hoặc bận việc gia đình, còn lại không học viên nào vắng mặt.

Lớp học dệt thổ cẩm và dạy xóa mù chữ cho đồng bào Brâu là một trong những chương trình thuộc Dự án "Hỗ trợ và phát triển dân tộc Brâu tại tỉnh Kon Tum", được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt theo Quyết định số 255/QĐ-UBDT, ngày 29- 8 -2008; với tổng đầu tư trên 25,5 tỷ đồng. Trong đó, hơn 18,6 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng.

Nhiều chị ban ngày đi học dệt thổ cẩm, đêm lại đến lớp. Sau hơn hai tháng, các học viên đã biết đọc, biết viết. Học viên Thao Phát, Y Tiêng, Nang Sa Râu, Nang Thin, Nang Lưa... viết rất đẹp, tiếp thu bài rất nhanh.

Chị Y Tiêng và Nang Sa Râu chia sẻ: “Nhà nước và bộ đội biên phòng mở lớp học tại làng, mình phải quyết tâm đi học chứ. Không học chữ, không mở mang đầu óc thì còn nghèo mãi...”.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, lớp học dệt thổ cẩm sẽ kết thúc vào tháng 1-2011, với tổng kinh phí trên 136 triệu đồng. Trước khi khai giảng, mỗi học viên được trang bị 1 bộ đồ dệt thổ cẩm, và hỗ trợ 15.000 đồng/người/ngày học tập. Dự kiến, đến ngày bế giảng, sẽ có 30 sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh, gồm: 5 bộ áo, khố nam; 5 bộ váy, áo nữ; 5 tấm khăn trải bàn; 5 tấm dồ...

Tương tự, lớp học xóa mù chữ có tổng kinh phí là 18 triệu đồng. Số tiền này để mua sắm sách vở, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy; trả thù lao cho giáo viên và hỗ trợ cho các học viên...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem