Người Ca Dong ở Đăk Wang

Thứ sáu, ngày 17/08/2012 10:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với sự giúp đỡ của Công ty 732 (Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng), người Ca Dong ở làng Đăk Wang (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) từ quá khứ đói nghèo, lạc hậu đã có một cuộc sống hơn cả những điều mong ước...
Bình luận 0

Một thoáng “ngày xưa”

Đã hơn 80 mùa rẫy, cái tuổi như chiếc lá vàng trên cành cây đợi ngày về cội, vậy mà trông già A Pú vẫn còn quắc thước và minh mẫn lắm. Nói về cuộc sống những ngày trên núi, già hóm hỉnh: “Không thể kể hết cái khổ, cái đói dài hàng tiếng hú được đâu. Người Ca Dong xưa ăn thì bốc bằng tay, nước đun trong ống tre lồ ô. Cả làng chỉ đôi “nhà giàu” có được mấy chiếc nồi đất. Đau ốm chỉ biết mời thầy cúng. Cúng không khỏi thì về làng ma. Người chết ở chung một hòm, vậy mà làng con ma đất còn rộng hơn cả làng người sống…”.

img
Làng Đăk Wang ngày nay.

Được sự vận động của chính quyền, cả làng xuống núi về làng Đăk Wang, xã Sa Loong lập làng mới. Tuy nhiên, do quen với tập quán du canh du cư, lại chỉ biết trồng lúa rẫy nên cuộc sống của dân làng Đăk Wang chẳng khác mấy so với hồi trên núi. Công ty 732 (Binh đoàn 15) được giao nhiệm vụ giúp đỡ dân làng. Nhưng làm thế nào để dân nghe theo cũng là cả một vấn đề…

Anh Bùi Mạnh Dũng -Đội trưởng đội 11 kể: “Anh em cán bộ nằm địa bàn bất kể ngày đêm. Ngoài phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân, chúng tôi dựa vào lực lượng cựu chiến binh, cán bộ làm nòng cốt. Tuyên truyền, vận động được dân rồi, cán bộ, chiến sĩ phải ra thực hành cầm tay chỉ việc từng khâu một. Ví như chuyện hướng dẫn bà con làm lúa nước, anh em phải xuống ruộng thực hành cho bà con thấy làm đất ra sao, gieo giống, cấy lúa, làm cỏ, bón phân như thế nào…

Đến cả khi thu hoạch cũng phải thực hành làm mẫu. Mỗi công đoạn không chỉ một lần mà phải lặp đi lặp lại nhiều lần để bà con nhớ... Chẳng riêng gì việc làm lúa nước, vận động đồng bào trồng cao su, cà phê cũng không ít khó khăn. “Trái cây cà phê không ăn được, cây cao su không cho quả, trồng làm gì?” Những thắc mắc kiểu “khó nuốt” này, chỉ giải thích cho đồng bào xuôi cũng đã là cả một câu chuyện dài”.

Thay da đổi thịt

Làng Đăk Wang có 49 hộ thì hiện đã có 47 người trở thành công nhân của Công ty 732. Nhờ sự giúp đỡ của công ty và lực lượng công nhân làm nòng cốt, ngôi làng nghèo đói năm nào gần như chẳng còn dấu vết. Nhà nhà đều được xây dựng kiên cố với không gian sống hiện đại. Ai cũng có tivi, xe máy xịn. Số hộ có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm không ít. Gia đình A Vân, một trong những hộ khá giả nhất làng liệt kê cho chúng tôi biết tài sản của anh: 3ha mì, 2ha lúa nước 2 vụ, 2ha cao su, 1ha cà phê. Không tính lương công nhân, kinh tế phụ gia đình đã cho thu nhập mỗi năm gần 400 triệu đồng…

Thoát khỏi sự đói nghèo quẫn bách, người Ca Dong đã hoà nhập vào cuộc sống hiện đại một cách tự tin. Họ là những đại diện cho một cung cách làm ăn mới, một lớp người Ca Dong mới...

Kém A Vân một chút, nhà Y Viên có 3ha lúa nước, 6ha mì, 1ha cà phê, thu nhập mỗi năm xấp xỉ 300 triệu đồng... Rồi cả Y Duân cũng thế… Ý thức được sự tủi nhục của cuộc sống đói nghèo trong quá khứ, người Ca Dong nỗ lực hết mình để vượt lên. Sự nỗ lực ấy lại được xúc tác bởi chính sách hỗ trợ của Công ty 732 đối với công nhân là người dân tộc.

Thoát khỏi sự đói nghèo quẫn bách, người Ca Dong đã hòa nhập vào cuộc sống hiện đại một cách tự tin. Họ là những đại diện cho một cung cách làm ăn mới, một lớp người Ca Dong mới…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem