Người chăm “giấc ngủ” cho các “linh hồn bất tử” (Bài cuối): Cần được hưởng chế độ xứng đáng

Hà Tùng Long Thứ hai, ngày 08/08/2022 17:46 PM (GMT+7)
Tính đến thời điểm hiện tại, các chế độ phụ cấp cho các thương - bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong làm công tác quản trang vẫn chưa thực sự xứng đáng với sự tận tụy và những đóng góp của họ. Cần phải sớm điều chỉnh lại chính sách để sát hơn với thực tế.
Bình luận 0

Không nên để người làm công tác quản trang liệt sỹ thiệt thòi

Đa số các thương-bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong… làm công tác quản trang ở các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn Hà Nội mà PV Dân Việt gặp gỡ và trò chuyện đều có chung một tâm sự là chưa bao giờ nghĩ đến các khoản tiền phụ cấp công tác quản trang. Thành phố, quận, huyện, xã, phường chi trả như thế nào thì họ nhận như thế, chưa bao giờ đòi hỏi gì thêm. Điều quan trọng với họ là được trả "món nợ ân tình" với đồng đội đã ngã xuống. Thậm chí, nhiều năm về trước, họ còn không được nhận một đồng phụ cấp nào vẫn vui vẻ làm công việc tình nghĩa này.

Người chăm “giấc ngủ” cho các “linh hồn bất tử” (Bài cuối): Cần được hưởng chế độ xứng đáng? - Ảnh 1.

Cựu chiến binh Phạm Song Toàn làm quản trang nghĩa trang liệt sỹ xã Nhị Khê, hiện được hưởng phụ cấp 300 nghìn/tháng. Ảnh: Tùng Long.

Thực tế, qua tìm hiểu, rất ít địa phương ở Hà Nội có các cơ chế khen thưởng, biểu dương trong các dịp lễ lớn như ngày Thương binh – Liệt sỹ như UBND huyện Ba Vì.

Trao đổi với Dân Việt, phía Hội Cựu chiến binh Hà Nội cho rằng, các thương-bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong… là những người trở về từ cuộc chiến, họ đã chịu rất nhiều thiệt thòi trong đời sống. Nhiều người có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng vẫn luôn sống trọn nghĩa tình với đồng đội. Phần nhiều cựu chiến binh làm công tác quản trang trên địa bàn Hà Nội nay cũng đã bước vào tuổi "xưa nay hiếm". 

Dẫu vậy, họ vẫn rất tận tụy và hết mình với công việc, không đòi hỏi các chế độ phụ cấp hay khen thưởng. Nhưng không vì thế mà bỏ qua sự cống hiến và đóng góp của họ, nên có những chính sách trả công xứng đáng. Cần phải nghiên cứu lại các chính sách để sát hợp hơn với tình hình thực tế, không nên để người làm công tác quản trang thiệt thòi.

Theo Điều 136 của Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì nghĩa trang liệt sỹ an táng từ 500 mộ liệt sỹ trở lên mới có bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sỹ. 

Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sỹ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và số người làm việc do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ trình Chính phủ quy định. Riêng nghĩa trang liệt sỹ an táng dưới 500 mộ liệt sỹ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định số người chăm sóc.

Còn theo Điều 137 của Nghị định này thì người làm việc tại bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sỹ được hưởng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, các phụ cấp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật. Tiền công đối với người được thuê làm công tác chăm sóc nghĩa trang theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Người chăm “giấc ngủ” cho các “linh hồn bất tử” (Bài cuối): Cần được hưởng chế độ xứng đáng? - Ảnh 3.

Cựu chiến binh Nguyễn Khánh Toàn - quản trang nghĩa trang nghĩa trang liệt sỹ Phú Xuyên. Ảnh: Phạm Đông.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Dân Việt, các nghĩa trang liệt sỹ cấp quận, huyện, xã, phường trên địa bàn Hà Nội không có nghĩa trang nào trên 500 phần mộ. Vì thế, các địa phương đành phải linh hoạt trong việc sử dụng ngân sách để chi trả phụ cấp cho những người làm công tác quản trang. Và cũng vì thế mà nhiều thương - bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong… dù rất tận tụy với công việc, có nhiều đóng góp trong công tác quản trang một thời gian dài nhưng vẫn chưa nhận được mức phụ cấp xứng đáng. Mức phụ cấp cho công tác quản trang ở các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn Hà Nội hiện nay chỉ dao động từ 300 đến 500 nghìn đồng/tháng.

Chế độ phụ cấp cho quản trang liệt sỹ sẽ được xem xét lại

Trao đổi với Dân Việt, ông Bùi Văn Chanh – Phó Trưởng phòng LĐTBXH quận Hà Đông cho biết, trên địa bàn quận có 10 nghĩa trang liệt sỹ với 1.439 phần mộ liệt sỹ. Có 2 nghĩa trang liệt sỹ cấp quận giao cho phường Vạn Phúc và Quang Trung quản lý, trông nom, chăm sóc. Các nghĩa trang đều được các Ủy ban nhân dân phường thuê người trông nom và dọn dẹp theo kiểu dịch vụ. Thường là các cựu chiến binh, người hưởng chính sách, người có công với cách mạng, mỗi nghĩa trang một đến hai người. Kinh phí chi trả cho những người làm công tác quản trang được trích từ nguồn quỹ đền ơn đáp nghĩa và kinh phí xã hội hóa.

Người chăm “giấc ngủ” cho các “linh hồn bất tử” (Bài cuối): Cần được hưởng chế độ xứng đáng? - Ảnh 4.

Cựu chiến binh Hoàng Thị Ánh - quản trang nghĩa trang liệt sỹ xã Hồng Vân, Thường Tín. Ảnh: KTĐT.

"Hiện chưa có chính sách cụ thể đối với người làm công tác quản trang nghĩa trang liệt sỹ nên rất khó thực hiện việc hỗ trợ, chi trả chế độ. Tôi nghĩ rằng, việc chăm sóc, quản lý nghĩa trang liệt sỹ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác "đền ơn đáp nghĩa" vì thế Nhà nước cần có các chính sách sát hơn với thực tế để các địa phương có cơ sở mà đầu tư lâu dài về nhân lực, vật chất hỗ trợ việc trông nom, bảo quản các công trình ghi công liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ. Xét ở góc độ nào thì nghĩa trang liệt sỹ hoặc các công trình ghi công liệt sỹ là di tích để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta", ông Bùi Văn Chanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Nghĩa - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Chương Mỹ cũng chia sẻ với Dân Việt rằng, hiện huyện Chương Mỹ có 33 nghĩa trang nhưng chưa có  công tác quản trang thường xuyên. Ở mỗi nghĩa trang vẫn có một người trông nom nhưng theo hình thức tự nguyện chứ hoàn toàn không có chế độ phụ cấp gì. Chỉ có một người làm công tác quản trang ở Đài tưởng niệm liệt sỹ của huyện là được trả một năm 3,5 triệu đồng. Số tiền này được trích từ quỹ đền ơn đáp nghĩa của huyện.

"Thực tế là với quy định hiện nay, các quận, huyện, phường xã rất khó để chi ngân sách cho việc nhờ người trông nom thường xuyên. Nếu nhờ họ trông nom, chăm sóc thường xuyên mà mỗi tháng chỉ trả cho họ được 300 đến 500 nghìn đồng thì giải quyết được gì. Ngân sách để chi trả cho việc tôn tạo, tu bổ và chăm sóc nghĩa trang địa phương hiện nay chủ yếu là trích từ quỹ "đền ơn đáp nghĩa" hoặc huy động quỹ xã hội hóa do các mạnh thường quân đóng góp. Ngân sách địa phương gần như không bỏ ra để làm việc này.

Người chăm “giấc ngủ” cho các “linh hồn bất tử” (Bài cuối): Cần được hưởng chế độ xứng đáng? - Ảnh 6.

Bệnh binh Nguyễn Văn Lịch đã có 33 năm làm công tác quản trang Nghĩa trang liệt sỹ Châu Sơn, Ba Vì. Ảnh: BV.

Và vì cơ chế như thế nên nhiều khi chúng tôi rất muốn ký với các bác thương - bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong… để nhờ họ trông nom nghĩa trang liệt sỹ và các công trình ghi công liệt sỹ thường xuyên nhưng rất khó. Ngay cả việc trên địa bàn huyện hiện có nhiều nghĩa trang liệt sỹ đã xây dựng nhiều năm, tường bao đã xuống cấp, cảnh quan cũng cần được tôn tạo lại nhưng thiếu kinh phí. Nhìn chung ngân sách để đầu tư công cho việc này rất hạn chế, gần đây là không thấy có", ông Nguyễn Đình Nghĩa bày tỏ.

Ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) trao đổi với Dân Việt rằng, thực tế việc chi trả tiền lương cho quản trang được giao cho UBND tỉnh và Bộ Nội vụ. Hiện nay đúng là mức thu nhập của đối tượng quản trang không thường xuyên cấp xã còn thấp. Đối tượng này do UBND cấp tỉnh quản lý, chi trả lương. Bộ Nội vụ quản lý đối tượng làm quản trang thường xuyên, có biên chế thuộc cấp huyện, tỉnh. Tới đây, vấn đề thu nhập của quản trang cũng sẽ được xem xét lại trong các văn bản, để đảm bảo chế độ cho người lao động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem