Ngày 2/6, tin từ Công an huyện Bình Tân (Vĩnh Long) cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Trần Văn Được (44 tuổi, ngụ xã Tân Bình, huyện Bình Tân, Vĩnh Long) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. Đây là người chồng cạy két sắt, trộm tiền của vợ lúc chị này vắng nhà.
Theo điều tra ban ban đầu, khoảng 10h30 ngày 9/3, lợi dụng lúc bà N.T.N. (44 tuổi, vợ của Được, ngụ cùng địa chỉ) đi buôn bán không có nhà, Được dùng búa, đục và xà ben cạy khóa két sắt trong phòng ngủ, lấy trộm nhiều tài sản gồm: 248 triệu đồng tiền mặt và gần 48 chỉ vàng (các loại 24K, 17K, 14K) trị giá hơn 240 triệu đồng.
Tổng giá trị tài sản Được lấy trộm gần 500 triệu đồng, trong đó có 184 triệu đồng là số tiền bà N. cất giữ cho mẹ ruột và số tiền còn lại là tài sản chung của vợ chồng Được.
Tại cơ quan công an, Được đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm trộm cắp tài sản của mình.
Luật sư nêu quan điểm vụ chồng trộm gần 500 triệu của vợ
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ án khá hi hữu khi đối tượng gây án và nạn nhân trong vụ án có mối quan hệ vợ chồng.
Pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp của mọi công dân, chỉ có chủ sở hữu tài sản hoặc người đại diện của chủ sở hữu mới được quyền quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản.
Việc chuyển quyền sở hữu tài sản, sử dụng tài sản phải được chủ sở hữu hoặc người đại diện của chủ sở hữu cho phép, việc sử dụng, định đoạt tài sản như thế nào phải là ý chí tự nguyện của chủ sở hữu, hành vi lén lút lấy tài sản của người khác là hành vi trộm cắp tài sản.
Nếu lén lút lấy tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên, hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Trộm cắp tài sản" quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự.
Theo luật sư Hòe, trong vụ việc này, theo thông tin ban đầu, số tiền Được lấy trộm là gần 500 triệu đồng, như vậy người này đã vi phạm khoản 3 Điều 173 Bộ luật hình sự.
Cụ thể, điều khoản này quy định, người nào chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Ngoài ra, vị luật sư nêu quan điểm, trong vụ án này có rất nhiều vấn đề cần phải làm rõ để chứng minh tội phạm, làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Để chứng minh tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh hai yếu tố là có hành vi lén lút và hành vi lén lút đó nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.
Trước tiên cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền, vàng này thuộc quyền sở hữu của ai. Bởi, phải là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản "của người khác" mới bị xử lý hình sự.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhận thức của bị can như thế nào đối với số tài sản để trong két sắt.
Trong trường hợp bị can biết rõ một phần số tiền đó là của mẹ vợ, không phải tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của hai vợ chồng nhưng bị can vẫn lén lút chiếm đoạt số tiền này, hành vi này là trộm cắp tài sản.
Còn đối với số tiền, vàng là tài sản chung của hai vợ chồng, cần làm rõ việc lấy, sử dụng tài sản chung này đã vượt quá tổng số tài sản chung vợ chồng hay chưa mới có thể kết luận về hành vi đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa.
Trong trường hợp người chồng tự ý lấy, sử dụng một phần tài sản chung nhưng chưa quá một nửa tổng giá trị tài sản chung vợ chồng và tài sản chung vợ chồng chưa chia, hành vi này chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội trộm cắp tài sản.
Từ phân tích trên, luật sư Hòe cho biết, trong vụ án này, hành vi lén lút lấy trộm số tiền của mẹ vợ đã cấu thành tội trộm cắp tài sản.
Nhưng đối với số tiền, tài sản còn lại là tài sản chung của hai vợ chồng, cơ quan điều tra cần cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá tổng giá trị tài sản còn lại của hai vợ chồng để xác định hành vi như vậy có xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của vợ hay không mới có căn cứ để xác định tính chất của vụ án cũng như cấu thành tội phạm.
"Xác định số tiền trộm cắp là một yếu tố quan trọng của vụ án vì nó liên quan đến việc quyết định hình phạt cho bị can" – luật sư Hòe chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.