Người chuyển giới ngậm ngùi kể chuyện bố mẹ đuổi ra khỏi nhà khi về ăn Tết

Diệu Thu Chủ nhật, ngày 26/01/2020 16:00 PM (GMT+7)
“Năm em lên cấp 2, vòng 1 to dần ra, ngực phát triển trong khi đó bộ phận sinh dục lại như bao người đàn ông khác. Em biết em có giới tính dị thường”, Lan Anh chia sẻ.
Bình luận 0

Bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà đúng ngày Tết

Vào dịp cuối năm 2019, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã chia sẻ với PV về quá trình chuẩn bị dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế soạn thảo.

TS. Nguyễn Huy Quang cho biết, hồ sơ dự án Luật Chuyển đổi giới tính đã được chuẩn bị công phu, khoa học với sự tham gia ý kiến của cộng đồng người chuyển giới, hiện chỉ chờ Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng Luật và pháp lệnh hằng năm.

img

Câu chuyện của cô gái chuyển giới bị chính bố mẹ kỳ thị "nửa nam nửa nữ", khiến cô không thể về nhà ăn Tết khiến nhiều người xót xa.

Tuy nhiên, những người chuyển giới ở Việt Nam vẫn còn quá khó khăn trong cuộc sống cũng như các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe vì họ chưa được công nhận.

Là người thường xuyên bảo vệ quyền lợi cho người chuyển giới, ông Quang đã từng tiếp xúc với hàng trăm hoàn cảnh khác nhau trong đó nhiều người chuyển giới uất ức, khổ đau vì họ không được thừa nhận.

Câu chuyện của cô gái chuyển giới bị chính bố mẹ kỳ thị "nửa nam nửa nữ", khiến cô không thể về nhà ăn Tết khiến nhiều người xót xa.

“Người ta nói nhà là nơi để về nhưng với em nhà lại là nơi mang cho em nhiều đau khổ nhất”, đó là tâm sự của bạn Trần Lan Anh, 25 tuổi ở Hà Nội.

Để có ngày hôm nay, khi đã tìm lại giới tính thật, Lan Anh đã trải qua không ít nước mắt, đắng cay.

“Bản thân em đã biết được giới tính dị thường của mình khá sớm, ngay lúc 5 tuổi em đã có những cử chỉ, lời nói, ăn mặc giống con gái. Em thích chơi trò con gái. Năm lên cấp 2, Lan Anh có sự khác biệt về cơ thể: Vòng 1 to dần ra, ngực phát triển trong khi đó bộ phận sinh dục lại như bao người đàn ông khác. Em quyết định công khai giới tính với bố mẹ, thay vì nhận được sự thương cảm, bố mẹ em lại đuổi đánh”, Lan Anh xót xa.

Cô kể: Em ngậm ngùi nghe lời bố mẹ em. Em không mặc váy, không đánh son. Nhưng sức chịu đựng chỉ dừng lại khi em học hết cấp 3. Em muốn tìm lại giới tính thật của mình. Em mặc kệ những lời chửi bới của cha mẹ. Em tiếp tục làm điệu (mặc váy, sơn móng tay, đi guốc cao).

Học xong cấp 3, Lan Anh không thi đại học mà đi học nghề cắt tóc. Bởi trước đó cô đã đã trải qua rất nhiều lần đi xin việc, nhưng đều vô cùng khó khăn. Xin đi làm công nhân cũng không được nhận vì họ nói cô pê-đê làm xấu hình ảnh công ty.

Sau 2 năm làm nghề cắt tóc, Lan Anh đã tiết kiệm được một khoản tiền nho nhỏ. Cô đi nâng ngực. Lúc này bề ngoài của Lan Anh đã trở về đúng giới tính thật sự.

“Tết năm đó, em về nhà gặp bố mẹ với hi vọng sum vầy nhưng chỉ cần nhìn thấy em trong hình dạng như vậy bố mẹ đã đuổi ra khỏi nhà. Đau lòng hơn, bố còn rủa em ra đường xe cán chế rồi cắt em ra khỏi hộ khẩu gia đình. Em hận bố mẹ lắm, em lại bỏ đi”, Lan Anh ngậm ngùi.

Rất nhiều người chuyển giới không dám công khai giới tính của mình

Chia sẻ với PV, TS.Nguyễn Huy Quang cho biết, theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có. Những người này, cơ thể sinh học là nam nhưng trong suy nghĩ và hành động lại ngược lại. Bên cạnh đó, còn quá nhiều người chuyển giới không dám công khai bản thân mình.

img

TS. Nguyễn Huy Quang cho biết, còn quá nhiều người chuyển giới không dám công khai bản thân mình.

Theo ông Quang, do Việt Nam chưa cho phép chuyển giới nên nhiều người có nhu cầu phải ra nước ngoài thực hiện, cả nước hiện có 500 đến 1.000 người ra nước ngoài thực hiện chuyển giới. Do chưa được pháp luật công nhận, họ buộc phải sử dụng các loại thuốc hormone trôi nổi ngoài thị trường theo cách truyền tai nhau. Thậm chí, đã có 8-10 người chuyển giới chết vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hormone, tiêm silicon.

Không những thế, người chuyển giới phải đối mặt rất nhiều khó khăn như sự kỳ thị, phân biệt đối xử, tình yêu hôn nhân, cơ hội việc làm, các vấn đề pháp lý cũng như rủi ro về sức khỏe. Khi không được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn họ sẽ thường xuyên bị tổn thương tâm lý, tình cảm.

Hiện nhiều người chuyển giới Việt Nam đã phải chọn cách phẫu thuật ở những cơ sở chui hay tại các cơ sở y tế nước ngoài với chi phí đắt gấp 8-10 lần nếu được thực hiện và chăm sóc ngay tại Việt Nam. Vì thế, khó khăn với những người này, chính là dù đã phẫu thuật thành công nhưng họ chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.

Do đó, theo ông Quang Dự thảo luật chuyển đổi giới tính nhằm tạo cơ sở pháp lý để người mong muốn chuyển đổi giới tính thực hiện được quyền chuyển đổi giới tính, bảo đảm họ nhận thức được đầy đủ, toàn diện về giới tính thật của mình và hậu quả có thể xảy ra, từ đó thực hiện quyền chuyển đổi giới tính một cách tự nguyện.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Căng thẳng khi mang thai có thể ảnh hưởng đến giới tính em bé

Thường xuyên căng thẳng khi mang thai không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người mẹ mà còn xác suất sinh...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem