Người có uy tín ở bản vùng cao Sơn La giúp bà con xóa nghèo

Mùa Xuân Chủ nhật, ngày 07/05/2023 06:17 AM (GMT+7)
Ông Quàng Văn Hó (SN 1951), dân tộc Thái, già làng, người có uy tín ở bản Tre, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế để bà con học tập và noi theo.
Bình luận 0
Người có uy tín ở bản vùng cao Sơn La giúp bà con xóa nghèo - Ảnh 1.

Ông Quàng Văn Hó, bản Tre, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã (Sơn La) kể cho con cháu nghe về những thành quả sau bao nhiêu năm cống hiến. Ảnh: Trần Hiền.

Ông Quàng Văn Hó - Người có uy tín trăn trở làm sao để giúp bà con thoát nghèo

Sau gần 30 năm công tác tại xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, trên cương vị là Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Cang. Năm 2010, ông Hó được nghỉ hưu theo chế độ, trở về bản, ông tiếp tục được nhân dân tín nhiệm bầu là người có uy tín của bản. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Hó vẫn tích cực hăng hái tham gia phát triển kinh tế.

Chia sẻ với chúng tôi về những gian khó một thời khi ông Hó còn đang làm Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Cang, ông Hó, nhớ lại: Mảnh đất Chiềng Cang hàng chục năm trở về trước khó khăn, vất vả lắm. Bà con ở đây quanh năm chỉ trông chờ vào cây  ngô, sắn. Bản thân tôi là người đứng đầu cấp ủy luôn trăn trở với câu hỏi "trồng cây gì, nuôi con gì" để giúp bà con xóa được đói, giảm được nghèo.

Để làm được điều này, không chỉ có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương mà đòi hỏi những người cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng phải tiên phong gương mẫu, đi đầu bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Nhất là việc tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy sản xuất...

Người có uy tín ở bản vùng cao Sơn La giúp bà con xóa nghèo - Ảnh 2.

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Quàng Văn Hó, bản Tre, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã (Sơn La). Ảnh: Trần Hiền.

Nói là phải bắt tay vào thực hiện, bởi vậy, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, ông Hó đã tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất. Thế nhưng, do diện tích manh mún, không liền khoảnh, liền thửa phần nào đã ảnh hưởng đến việc quy hoạch phát triển sản xuất. 

Năm 2012, ông đã bàn với gia đình và bà con xung quanh đổi đất cho nhau, ý kiến này được các hộ nhất trí cao. Đến nay, gia đình ông có 10 ha đất liền khoảnh, thuận lợi trong việc quy hoạch sản xuất, chăn nuôi.

Theo ông Quàng Văn Hó, đầu tiên ông đã trồng thử nghiệm nhiều loại cây khác nhau. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc nên hiệu quả kinh tế đem lại không cao.

Từng bước khắc phục khó khăn trong khâu chăm sóc cũng như để có thêm kinh nghiệm chăm, bón cho cây trồng, ông Hó đã đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ những mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài huyện. Với những kiến thức trải nghiệm quý báu đã giúp ông Hó quy hoạch vùng trồng chuyên canh từng loại cây ăn quả sao cho phù hợp mảnh đất cằn cỗi ngày nào. 

Người có uy tín ở bản vùng cao Sơn La giúp bà con xóa nghèo - Ảnh 3.

Ông Quàng Văn Hó, già làng, người có uy tín ở bản Tre, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã (Sơn La) tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho bà con học tập và noi theo. Ảnh: Trần Hiền.

Điểm nhấn là ông Hó đã mang các loại giống cây ăn quả, như nhãn miền thiết, xoài Đài Loan và cam Vinh… về trồng. Đến nay, ông Hó có 9 ha cây ăn quả các loại, sản lượng ước đạt 70 tấn/năm.

Ngoài ra, ông Hó còn trồng thêm cỏ làm nguồn thức ăn chăn nuôi 6 con trâu, bò; đào 1.000 m2 ao thả cá… Nhờ phát triển trồng cây ăn quả, chăn nuôi, trung bình mỗi năm ông Hó có thu nhập nửa tỷ đồng.

Người có uy tín giúp bà con vươn lên

Để liên kết sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, năm 2017, ông Hó vận động bà con trong bản thành lập HTX sản xuất cây ăn quả Có Tre do con trai ông là Quàng Văn Diên làm Giám đốc HTX.

Anh Quàng Văn Diên, Giám đốc HTX Có Tre cho biết: Đến nay, HTX có 18 thành viên, quy mô sản xuất 96 ha cây ăn quả các loại. Trong đó, có 32 ha cam đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2022, sản lượng cây ăn quả của HTX đạt gần 400 tấn; thu nhập bình quân 200 triệu đồng/thành viên/năm.

Anh Lò Văn Miên, thành viên HTX, phấn khởi nói: Được ông Hó tuyên truyền, gia đình tôi đã chuyển đổi 5 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng cam và nhãn, xoài. Đặc biệt, việc liên kết tham gia HTX, đã tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp cận với những kỹ thuật mới, thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Nhờ trồng cây ăn quả, gia đình tôi đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả, có điều kiện chăm lo con cái học hành chu đáo hơn.

Người có uy tín ở bản vùng cao Sơn La giúp bà con xóa nghèo - Ảnh 4.

Nhãn miền thiết do ông Quàng Văn Hó, già làng, người có uy tín bản Tre, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã đã thành quả ngọt. Ảnh: Thiên Long.

Ông Lò Văn Diên, Bí thư Chi bộ - Trưởng bản Tre, xã Chiềng Cang thông tin: Bản Tre có 120 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Việc tiên phong đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của ông Hó đã góp phần thay đổi tư duy nhận thức, cách làm của bà con trong bản.

Để nhân dân tiếp cận mô hình, ông Hó còn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cây nhãn ghép cho 19 hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài bản trồng. Vận chuyển 10.000 giống cây cam Vinh từ tỉnh Hưng Yên lên cho bà con trồng.

Đến nay, trong bản Tre có 80% hộ dân đã học và làm theo mô hình kinh tế của ông Hó. Nhờ đó, đời sống của bà con nơi đây ngày càng khấm khá hơn, tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm xuống chỉ còn 25%.

Bản Tre nói riêng và vùng đất xã Chiềng Cang nói chung hôm nay trên các triền đồi bạt ngàn màu xanh các loại cây ăn quả. Có được những thành quả đó là một phần nhờ công sức của già làng, người có uy tín Quàng Văn Hó.

Ông Cầm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cang, nhận xét: Đảng viên, người có uy tín Quàng Văn Hó là tấm gương điển hình của địa phương trong sản xuất kinh doanh. Từ những mô hình như thế, đến nay bà con nhân dân toàn xã đã chuyển đổi hơn 1.300 ha đất đồi dốc sang trồng cây nhãn, cam, xoài... Trong số này, có hơn 1.000 ha đã cho thu hoạch, còn lại là diện tích trồng mới và đang chăm sóc.

Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã Chiềng Cang giảm xuống còn 35,74%, thu nhập bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng/người/năm.

Để từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã, thời gian tới, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem