Hằng năm, vào khoảng tháng 10, 11 dương lịch, các bản làng của người Cơtu từ vùng cao đến vùng trung, vùng thấp rộn ràng trong mùa gặt hái, đây cũng là dịp để họ ăn mừng những hạt lúa mới đầu tiên được thu hoạch. Theo truyền thống, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi nhà mà tiến hành tổ chức nghi lễ Phuôih zơvây haroo cho gia đình để tạ ơn thần lúa của mình.
Từ tờ mờ sáng, phụ nữ Cơtu dậy lấy ít lúa giống dự trữ còn lại sau khi đã gieo và lúa mới sau khi đã thu hoạch xong đem ra giã nấu cơm, để dâng cúng thần linh trong lễ Phuôih zơvây haroo. Mâm cúng cho nghi lễ Phuôih zơvây haroo bao giờ cũng có con gà trống tơ đã luộc chín, vài ba con cá liêng tươi nướng, thịt khô các loại, một con chuột khô nướng, một tô canh ốc nấu với rau lang, hai nắm cơm đặt trên lá chuối, bánh cuốc, ít rượu…
Chủ nhà khấn vái và tạ ơn thần lúa đã cho gia đình một mùa rẫy bội thu, no đủ. Sau khi cúng xong, một số bà con anh em thân thuộc được mời đến, cả nhà quây quần bên bếp lửa để cùng ăn và uống rượu, một ít thức ăn cũng được họ đem cho những nhà xung quanh. Cứ thế, lễ Phuôih zơvây haroo của người Cơtu từ vùng cao đến vùng trung, vùng thấp được bà con tổ chức hết nhà này đến nhà khác mới thôi. Theo truyền thống, trong quá trình diễn ra nghi lễ này, nếu gia đình nào có khách lạ hoặc bà con, họ hàng, anh em từ các làng khác đến chơi cũng được họ mời ăn uống no say và xem đây là niềm hạnh phúc lớn lao cho gia đình.
Nghi lễ Phuôih zơvây haroo còn để người Cơtu bày tỏ tình cảm với núi rừng, nương rẫy đã tạo ra của cải vật chất để họ có được cuộc sống ấm no. Đây cũng là dịp để người Cơtu chuẩn bị ngày mai mỗi người mỗi việc bắt tay vào công việc trên nương rẫy của mình. Nghi lễ Phuôih zơvây haroo còn là tài sản tinh thần vô giá chắt chiu những niềm tin cháy bỏng của người Cơtu về một cuộc sống an lành, no đủ, hạnh phúc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.