Người cựu binh hàng chục năm tìm mộ: “Đồng đội vẫn thức gọi tôi mỗi ngày”

Nguyễn Dinh Chủ nhật, ngày 27/07/2014 06:40 AM (GMT+7)
Cứ đến gần ngày 27.7, lòng ông cứ nôn nóng không yên... Trong chiến tranh, chính ông đã tự tay chôn cất các đồng đội của mình, để rồi 30-40 năm sau, ông lại mò mẫm khắp các chiến trường, nghĩa trang miền Trung tìm lại hài cốt đồng đội. 
Bình luận 0

Tiếng gọi đồng đội

Đó là cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình ở khu 4B, thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy, Nam Định).

Ngày 15.7.1965, khi mới 17 tuổi, ông Bình cất sách vở gia nhập đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước thuộc Đại đội 261 – N37 sau này đổi thành C389 sống, chiến đấu tại mảnh đất Thanh Chương, Tân Kỳ (Nghệ An) rồi sang đường 22 (Hà Tĩnh).

Giọng ông đầy khí thế tươi trẻ, bất chợt chùng xuống, nghẹn ngào: “Trên tuyến đường máu lửa đó đã có biết bao đồng đội của tôi nằm lại, có những ngày đi phá bom mà cả tiểu đội hy sinh hết. Ngày đó, tính tôi bạo nên tôi thường tự tay bó gói rồi chôn cất đồng đội của mình”.

Sau này, khi hòa bình lập lại ông Bình được điều về Tiểu đoàn Kỹ thuật sửa chữa cơ động của Bộ Tư lệnh Công binh.

Năm 1988, ông phục viên về quê, lúc đó lòng ông luôn canh cánh về những người đồng đội còn nằm lại chiến trường cũ với ý niệm “nghĩa tử là nghĩa tận” ông đã một mình “tay xách nách mang” - gạo, mì tôm, lương khô lên đường đi tìm lại hài cốt đồng đội.

Trong hàng chục năm ròng rã ông đã trèo đèo lội suối, phá cây, xẻ đường đi khắp các chiến trường Tây Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khe Xanh và cả Xiêm Riệp (Campuchia), nhiều chuyến đi kéo dài đến hàng tuần thậm chí là hàng tháng. Đến năm 2011 ông đã xác minh được danh tính tìm và cất bốc được 7 hài cốt liệt sĩ đưa về với người thân, quê hương.

Hát mãi khúc quân hành

Những chuyến đi tìm hài cốt đồng đội của ông Bình kéo dài biền biệt mà nhiều khi ông chấp nhận trở về tay trắng. Bởi đa phần những người lính chưa tìm thấy phần mộ, hài cốt đều nằm ở các địa bàn có địa hình khó khăn hiểm trở.

Mặt khác do thời gian đã quá lâu các ngôi mộ bị xê dịch đi rất nhiều so với trí nhớ của ông và sơ đồ mộ chí mà đồng đội cung cấp. Thậm chí có ngôi mộ đã bị san phẳng cuốn trôi…

Không chỉ khó khăn về mặt xác định vị trí địa hình mà ông Bình còn eo hẹp về tài chính. Ông Bình tự bỏ tiền ra đi mà không có bất kỳ khoản trợ giúp nào từ các đoàn thể. Năm 2013, vì túng quá, ông đã phải giấu vợ bán đi một chỉ vàng để lấy tiền thực hiện những chuyến đi nghĩa tình như thế.

Ông bày tỏ: “Có những lúc gần như bất lực, tôi hoàn toàn đi trong vô định và tưởng chừng phải quay về nhưng không hiểu vì sao cứ có một cái gì đó nó níu chân tôi lại và như thế tôi lại tiếp tục cuộc tìm kiếm”.

Đi tìm kiếm mộ cũng giúp ông tìm lại nhiều kỷ niệm xưa. Ông bồi hồi nhớ lại: “Năm 1997, tôi đi tìm hài cốt đồng chí Roãn Thanh Đức ở Giao Hà (Giao Thủy). Dù nơi chôn cất liệt sĩ Đức tôi nhớ rất rõ nhưng suốt mấy ngày ròng rã chặt cây rẽ lối tìm kiếm mà không thấy mộ. Khi đến nghĩa trang liệt sĩ thuộc xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch thì trời tối, tôi tìm thuê nhà trọ và không ngờ lại về đúng nhà đã từng cưu mang tôi trong thời kỳ chiến tranh. Chủ nhà cung cấp thông tin phần mộ của liệt sĩ Đức. Ngay trong đêm đó tôi và mọi người đã ra nghĩa trang và òa lên khóc khi nhìn thấy tấm bia ghi tên tuổi liệt sĩ Roãn Thanh Đức”.

Đến năm 2011 ông tiếp tục đi vào TP.Tuy Hòa, đến cửa khẩu Prăng sang đền Ăng –co- vat để tìm kiếm những người đồng đội của mình còn nằm lại.

Tiễn tôi ra về, bằng chất giọng miền biển mặn mà, ông Bình chia sẻ: “Những lần đi mộ đồng đội, tuy có lần thất bại có lần thành công nhưng tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng thoải mái vì đã hết lòng với đồng chí đồng đội”.

Ông Bình cho biết, trong chiến tranh ông từng chôn cất vài chục đồng đội, và ông sẽ tìm kiếm, quy tập tất cả các đồng đội của ông, cho tới khi nhắm mắt, xuôi tay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem