Người cựu binh tàu không số "mát tay" với gốm sứ

Thứ tư, ngày 28/11/2012 09:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trải qua bao thăng trầm, vất vả với nghề gốm, giờ đây người cựu binh tàu không số Trần Đức Huấn đã là giám đốc công ty gốm sứ, mỗi năm dành hàng trăm triệu đồng giúp đỡ đồng đội và người nghèo.
Bình luận 0

Ký ức hào hùng

Ông Huấn bảo, để phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, lịch sử dân tộc đã có những con đường "xẻ dọc Trường Sơn", rồi cả "xẻ dọc Biển Đông" đi cứu nước. Và ông được tham gia chiến đấu trên cả 2 tuyến đường này.

img
Ông Huấn kiểm tra sản phẩm bát đựng mủ cao su.

 Năm 1965, ông tham gia lực lượng TNXP phục vụ chiến đấu trên Quốc lộ 12A ở miền Tây Quảng Bình. Đơn vị N74 của ông có nhiệm vụ bảo đảm mạch máu giao thông từ Cổng Trời đến đèo Mụ Giạ, là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Sau hơn 1 năm chiến đấu quên mình, lập nhiều thành tích xuất sắc, ông được cử đi học Trường ĐH Hàng hải. Tháng 5.1970, khi đang là sinh viên năm thứ nhất, ông lại xung phong vào bộ đội hải quân và được về công tác ở Lữ đoàn 125. Là thế hệ thứ hai của Đoàn tàu không số, nhưng các chuyến vận chuyển vào Nam mà ông tham gia vẫn không kém phần gay go, nguy hiểm…

Năm 1982, ông được nghỉ theo chế độ bệnh binh. Về quê, ông đã làm đủ nghề để kiếm sống, nhưng không thể làm giàu. Ông mong muốn có một nghề ổn định để có cơ hội giúp đỡ đồng đội.

Chiến đấu trên thương trường

Tại thời điểm đó, Xí nghiệp Gốm sứ Quảng Bình chuẩn bị giải thể, thế là ông dốc toàn bộ vốn liếng (khoảng 500 lượng vàng) quyết tâm vực lại cơ sở sản xuất này.

Giờ là Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Đức Huấn (Quảng Bình), ông Huấn bảo, nếu không có bản lĩnh của một người lính đã từng xông pha trận mạc thì ông đã gục ngã lâu rồi. Hiện, mỗi năm ông dành hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ đồng đội và người nghèo trong tỉnh.

Để học nghề gốm, ông xin đến làm ở làng gốm Bát Tràng. Sau nhiều ngày tháng vất vả, ông chủ lò gốm Bát Tràng biết ông Huấn có tâm huyết với nghề, đã tận tình truyền nghề và vào tận Quảng Bình hướng dẫn ông cách làm gốm.

Sản phẩm làm ra đang bán chạy trên thị trường thì tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) chia tách, hợp đồng của ông bị hủy hết. Không nản chí, ông lại về mở lò tại nhà để sản xuất gạch men ốp tường và lan can sứ. Sản phẩm làm ra bán không kịp, nhưng cũng bị đình chỉ bởi gây ô nhiễm môi trường.

Sau ít năm gián đoạn, ông mua hơn 2ha đất ở vùng gò đồi phía tây TP.Đồng Hới để xây nhà máy sản xuất gốm sứ với quy mô hiện đại, không ô nhiễm. Hiện tại, nhà máy sản xuất gốm của ông có hơn 80 công nhân, trong đó phần lớn là con em các cựu chiến binh trong tỉnh, với mức lương 3 - 5 triệu đồng/tháng. Sản phẩm làm ra ngày càng đẹp về chất lượng.

Riêng 9 tháng đầu năm nay, Công ty Gốm sứ Đức Huấn đã sản xuất được 3,5 triệu sản phẩm bát đựng mủ cao su, doanh thu đạt gần 10 tỷ đồng. Cơ sở của ông gần như “độc quyền” về loại bát đựng mủ ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên bởi chất lượng tốt, giá thành hợp lý…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem