Cá chết, cây chết...
Gặp phóng viên, vợ chồng ông Nguyễn Văn Liêm (77 tuổi) và bà Lê Thị Năng (72 tuổi), nhà ở bên vàm mương, rạch Bà Chèo than thở: “Từ năm 2007 trở về trước, gia đình chúng tôi sinh sống nhờ 7 hồ nuôi cá trong vườn. Mỗi vụ thu hoạch, trừ hết chi phí cũng còn lãi 25-30 triệu đồng.
Từ năm 2008 đến nay, cả 7 hồ đều bỏ hoang vì cứ thả cá xuống buổi sáng thì đến trưa cá nhảy dựng lên, phơi thân trắng hếu. Cá chết, hết vốn, cây trái trong vườn cũng bị ngập nước thải, khô héo dần rồi chết nên cuộc sống của vợ chồng khó khăn trăm bề, Ngoài ra, hàng đêm mọi người còn phài hít mùi hôi nồng nặc mỗi khi công ty xả nước ra”.
|
Ông Hải cuốn lưới lên bờ vì cá, tôm đã chết hết. |
Tương tự, vườn cây trái lâu năm khoảng vài sào của ông Út Méo ở kế bên nhà ông Liêm cũng bị nước thải bẩn từ họng xả của nhà máy xử lý nước thải của Công ty cổ phần Dịch vụ Sonadezi làm chết hàng loạt. Cây chết, đất bị nhiễm độc phải bỏ hoang đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của gia đình ông.
Đặc biệt, nghề đăng (đưa ghe đi giăng lưới bắt thủy sản) của bà con ngư dân ở khu vực này đã bị thiệt hại nặng nề. Ông Nguyễn Văn Hải cho biết: Nghề truyền thống của một bộ phận người dân ở đây là đánh bắt tôm, cá bằng ghe. Cả xóm trước đây có trên 20 ghe, từ năm 2008 đến nay, sau khi nhà máy đặt ống xả thải thì tôm cá trên vàm mương và rạch Bà Chéo cũng chết theo.
Đến nay, chỉ nhà ông còn giữ lại một ghe nhưng dự kiến vài ngày nữa ông cũng cuốn lưới lên bờ kiếm nghề khác mưu sinh. “Trước đây, mỗi ngày thả đăng trên rạch Bà Chèo hay mé sông Đồng Nai cũng kiếm được 40-50 ký tôm, cá. Nay mỗi ngày đi nghề chỉ được vài ký, bán không đủ mua xăng để chạy nên nghỉ là vừa…” - ông Hải bức xúc
|
Họng xả thải từ nhà máy ra vàm mương rạch Bà Chèo. |
Một nghề khác là nuôi vịt đẻ thả rạch cũng là nghề có lâu đời của người dân quanh khu vực rạch Bà Chèo. Tuy nhiên, theo họ, từ khi nhà máy xả thải bẩn trực tiếp ra sông thì đàn vịt xuống nước bơi, kiếm ăn… bị đỏ mắt, sinh bệnh chết dần. Nếu hôm nào nước đông đặc chất thải bẩn thì lông vịt dính đen thui, nhiều con về chuồng chỉ đứng ngáp rồi qụy luôn.
Sonadezi phải bồi thường thỏa đáng
Tiếp xúc với NTNN, những người bị thiệt hại về hoa màu, cây trái, vật nuôi ở khu vực sát rạch Bà Chèo có yêu cầu là được bồi thường thỏa đáng. Theo họ, bắt đầu từ khi nhà máy được xây dựng lên, xả thải ra gây hại thì họ đều có làm đơn gửi đến chính quyền, cơ quan chức năng và nhà máy nhưng đều không được giải quyết.
Quan điểm của tôi là nếu đã gây thiệt hại thì phải bồi thường cho dân.
Ông Võ Văn Luật.“Vụ Công ty Vedan xả thải gây thiệt hại cho hàng ngàn hộ dân ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM đã được Vedan bồi thường 100% thiệt hại sau khi được các cơ quan chức năng kiên quyết chỉ đạo và yêu cầu giải quyết. Nay Công ty cổ phần Sonadezi gây thiệt hại đã bị Bộ Công an bắt quả tang, chúng tôi cũng mong Nhà nước quan tâm giải quyết để người dân được nhờ” - ông Liêm nói.
Ông Võ Văn Luật-Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tam An cho biết: Ở ấp 1, 2,3 và 4 đều có các hộ bị thiệt hại về cây trồng, vật nuôi. Một số nghề như nuôi vịt, đánh bắt cá, tôm bằng ghe tại khu vực rạch Bà Chèo cũng bị thiệt hại nặng do chất thải của nhà máy xả ra làm nguồn nước bị ô nhiễm nặng…
Ông Luật cho biết, Đảng ủy và UBND xã vừa giao trách nhiệm cho Chủ tịch Hội Nông dân xã tiếp nhận đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại của người dân tại khu vực này. Còn mức bồi thường cụ thể thì phải chờ kết luận mức độ gây ô nhiễm của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và chỉ đạo của cấp trên.
Cao Thuyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.