Người dân “cố thủ” lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ

Thứ ba, ngày 22/03/2011 14:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng chục hộ dân không chịu di dời khỏi lòng hồ Thuỷ điện Bản Vẽ. Họ làm nhà, góp tiền mở đường, xây dựng hệ thống dẫn nước, bầu trưởng bản để "cố thủ" lâu dài.
Bình luận 0

"Đại đội” không hộ khẩu

Thủy điện Bản Vẽ đã cung cấp sản lượng điện vào lưới quốc gia trên 1 năm nay. Thế nhưng đến nay vẫn còn 33 hộ với gần 200 nhân khẩu ở bản Chà Coong quyết tâm cố thủ tại lòng hồ. Anh Lô Văn Phong ở bản Chà Coong bức xúc: "Chúng tôi chưa đi vì chính quyền thu hồi đất chưa đền bù. Chúng tôi chờ tiền đền bù rồi mới đi".

img
Người dân tái định cư Thủy điện Bản Vẽ bỏ về quê cũ.

Ngoài 33 hộ ở bản Chà Coong không chịu di dời còn có hàng chục hộ từ khu tái định cư Thanh Chương ồ ạt kéo nhau trở về làm bè, dựng lều tạm bợ sinh sống trong vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ.

img Huyện đã nhiều lần thuyết phục dân vùng lòng hồ ký cam kết di dời và không quay trở về nữa, nhưng riêng bản Chà Coong không có hộ dân nào chịu ký. img

Anh Chưởng Văn Hùng, bản Kim Hồng cho biết: "Chúng tôi ngỡ là được đổi đời khi đến nơi tái định cư mới ở bản Kim Hồng (Ngọc Lâm, Thanh Chương). Nhưng ở đó không đất sản xuất, không trường học, không nước sinh hoạt; gạo trợ cấp chậm, ma tuý thì lây lan với tốc độ chóng mặt nên phải bán nhà trở về quê cũ".

Theo thống kê của UBND huyện Tương Dương, cùng với hơn 33 hộ còn “cố thủ” tại khu vực bản Chà Coong, trong vùng lòng hồ còn có 119 hộ với hơn 300 khẩu từ các khu tái định cư huyện Thanh Chương quay trở về quê cũ làm ăn sinh sống.

Thực tế các hộ đang sống ở lòng hồ đều không còn hộ khẩu tại huyện Tương Dương. "Đại đội” không hộ khẩu này hiện đang chiến lược "cố thủ" lâu dài. Ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: "Nan giải nhất hiện nay là 33 hộ dân ở bản Chà Coong chưa chịu di dời, trong đó có 5 hộ đã nhận đủ mọi chế độ nhưng vẫn không đi.

Đặc biệt, bản Chà Coong đã tự bầu ông Lương Văn Toán làm trưởng bản và chia dân thành 2 khu vực, tự đào đường giao thông dài gần 1km, xây dựng ống dẫn nước ở dưới lòng hồ lên khu dân cư.

Đùn đẩy trách nhiệm

Ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết thêm: “Huyện Tương Dương đã rất nỗ lực tuyên truyền, thuyết phục bà con, nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về Ban quản lý Thủy điện 2 và huyện Thanh Chương - nơi bà con đến tái định cư”.

Theo Ban quản lý Thủy điện 2, để xảy ra tình trạng người dân tái định cư quay về quê cũ, trách nhiệm thuộc về UBND huyện Thanh Chương, UBND xã tại nơi tái định cư không quản lý được nhân khẩu của địa phương mình. Ông Nguyễn Quốc Toản - Phó Ban quản lý Thủy điện 2 cho rằng: "Chia đất chậm cho dân là do lỗi của chính quyền địa phương. Chúng tôi làm sao cưỡng chế được người chiếm đất…".

Ông Nguyễn Hữu Vinh - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nói: "Việc khai hoang và chia đất cho dân đều được giao cho Ban quản lý Thủy điện 2 chứ không giao cho UBND huyện Thanh Chương. Huyện chỉ làm công tác bàn giao đất, bồi thường giải phóng mặt bằng". Các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không biết đến bao giờ lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ mới được giải tỏa?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem