Cụ thể, tại tọa đàm “Giá điện sinh hoạt – bao nhiêu thì hợp lý và minh bạch” vừa được tổ chức, ông Ngô Đức Lâm – chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, tình trạng người dân “kêu ca” tiền điện tăng vọt khi nắng nóng đã kéo dài trong nhiều năm qua. Nguyên nhân là bởi cơ quan quản lý đưa ra bậc thang bất hợp lý.
Giá tính điện bậc thang hiện hành.
Ở 2 bậc thang đầu được cho là để hỗ trợ các hộ chính sách, hộ nghèo... nhưng thực tế, theo ông Lâm, các hộ này vẫn được Nhà nước hỗ trợ hàng tháng qua chính sách của Bộ LĐ-TB&XH.
“Thực tế là biểu giá sinh hoạt luỹ tiến từ trước đến nay chỉ có lên không khi nào xuống, chưa thể hiện rõ sự minh bạch, chưa tuân thủ nguyên tắc là tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính cho từng bậc phải cân bằng với tổng doanh thu của giá điện bình quân", ông Lâm nhấn mạnh.
Mùa hè năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài nên các hộ dùng điện từ bậc 4 trở lên với cách tính giá điện bậc thang tất nhiên sẽ phải trả tiền nhiều hơn lượng điện tiêu thụ nhân với điện bình quân. “Đây là nguyên nhân khiến người dân “kêu ca” mãi”, ông Lâm nói.
Cách tính điện bậc thang khiến người dân “kêu ca”.
Do đó, ông Ngô Đức Lâm đề xuất áp dụng điện 1 giá và mức giá này đúng bằng giá điện bình quân. Hơn nữa cần có quỹ bình ổn giá, quỹ này chính là để hỗ trợ người nghèo, hộ chính sách...
Lý giải lý về mức giá áp dụng cho điện một giá, theo ông Ngô Đức Lâm, căn cứ vào Luật Điện lực năm 2004, Luật Điện lực sửa đổi năm 2012, Quyết định 69/2013/QĐ-TTg, Quyết định 24/2017/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn về giá bán lẻ điện bình quân thì giá bán điện bình quân là giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện. Trong đó giá bình quân được tính để đảm bảo cho tất cả các đơn vị điện lực và toàn ngành điện duy trì được các chi tiêu tài chính để hoạt động bình thường và có lãi để đảm bảo tái đầu tư và phúc lợi.
“Điều này có nghĩa là giá bán lẻ điện bình quân đã là giá cuối cùng của ngành điện, đã thực hiện đầy đủ theo cơ chế thị trường, tính đủ các yếu tố chi phí đầu vào, có lãi để cho ngành điện hoạt động lâu dài, ổn định”, ông Lâm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm tại tọa đàm, bà Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, sử dụng điện là nhu cầu thiết yếu của người dân do đó cần minh bạch giá đầu vào, công khai từng thông số tính giá bình quân.
Theo bà An, với mức giá bình quân để đảm bảo ngành điện có lãi rồi tại sao vẫn có biểu giá để thu thêm trên giá bình quân. “Các bộ ngành đưa ra lập luận giá điện ở Việt Nam thấp và tham khảo cách tính từ các nước. Ta đi sau, tham khảo là đúng nhưng mỗi nước có đặc thù riêng.
“Giá điện ở Malaysia hơn 8 Uscent/kWh, ở Trung Quốc hơn 8 USD/kWh, ta cũng tương tự, nhưng thu nhập bình quân đầu người của họ là trên 10.000 USD/người/năm, ta mới hơn 2.600 USD/người/năm. Đã so sánh thì phải đưa dữ liệu đầy đủ”, bà Bùi Thị An nói.
Sử dụng điện là nhu cầu thiết yếu của người dân do đó cần minh bạch thông tin.
Bà An cũng đề nghị cần minh bạch các thông tin giá điện, thay đổi cách tính giá điện cho người dân dễ theo dõi,tính toán và có quỹ bình ổn giá điện để hỗ trợ người nghèo, hộ chính sách.
Phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được Bộ Công thương đưa ra để lấy ý kiến từ đầu năm vẫn đang là đề tài gây tranh cãi khi bên cạnh phương án 5 bậc thang sẽ tính tới phương án điện một giá. Phương án một giá sẽ được xây dựng dựa trên giá điện bình quân 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Trường hợp người tiêu dùng chọn phương án giá điện nào thì sẽ được ngành điện áp dụng phương án đó cho tới khi có biểu giá mới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù áp dụng cách tính giá điện sinh hoạt đồng giá hay chia thành bậc thang thì ngành điện cũng cần minh bạch thông tin để người dân biết và ủng hộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.