Thông tư sai luật
Theo đó, Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp đã có ý kiến bằng văn bản về Thông tư 58/2015 quy định lộ trình chuyển đổi GPLX của Bộ Giao thông Vận tải. Quá trình kiểm tra, rà soát, đối chiếu với quy định hiện hành, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhận thấy Thông tư 58 “không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp”.
Người dân đứng chật kín tại các địa điểm làm thủ tục đổi, cấp mới GPLX của Sở GTVT Hà Nội để đổi GPLX mới. Ảnh Vinh Hải
Ngay sau khi nhận được ý kiến về Thông tư 58 của Bộ Tư pháp, Bộ GTVT cho biết sẽ ban hành thông tư mới bãi bỏ quy định không đổi GPLX PET phải thi lại lý thuyết. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ, cho biết Bộ Giao thông đang soạn thảo thông tư mới sửa đổi Thông tư 58. Thông tư mới dự kiến ban hành trong tháng 12, giữ nguyên lộ trình yêu cầu người dân đổi GPLX ôtô, môtô từ giấy bìa sang vật liệu PET, song bãi bỏ nội dung "không đổi GPLX PET sẽ phải thi lại lý thuyết".
Tuy nhiên, chính vì văn bản sai của Bộ GTVT, trong thời gian vừa qua, hàng nghìn người dân đang sử dụng GPLX bằng vật liệu cũ đổ xô đi làm thủ tục đổi sang thẻ PET. Điều này đã khiến cho các địa điểm làm thủ tục trở nên quá tải do phải tiếp nhận quá nhiều hồ sơ. Người dân thì tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc vì làm theo thông tư này.
Bồi thường thiệt hại còn bỏ ngỏ
Ngay sau khi thông tin Bộ GTVT sẽ sửa đổi, ban hành thông tư mới bãi bỏ nội dung phải thi lại lý thuyết, rất nhiều người đã bức xúc trước việc Bộ này đưa ra một văn bản không có cơ sở pháp lý, khiến người dân phải chịu nhiều hệ lụy. Trước những thông tin này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết người dân khó có thể yêu cầu cơ quan chức năng bồi thường vì một văn bản sai.
“Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao Thông Vận Tải theo Luật ban hành văn bản quy pháp pháp luật được xác định thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam.Việc Bộ Tư pháp thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra tính hợp pháp, hợp Hiến đối với nội dung văn bản này là việc làm đáng hoan nghênh, gỡ khó cho đông đảo nhân dân. Rõ ràng quy định về việc nếu những trường hợp nào sau 6 tháng kể từ thời hạn trên mà không thực hiện việc chuyển đổi từ GPLX giấy sang thẻ PET thì sẽ phải thi lại lý thuyết để cấp GPLX mới là trái luật gây ra quá nhiều hậu quả xấu cho nhân dân.Tuy nhiên hiện nay lĩnh vực yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với văn bản quy phạm pháp luật gây ra còn bị bỏ ngỏ, không được quy định. Người dân không có quyền yêu cầu cơ quan ban hành văn bản quy phạm bồi thường thiệt hại khi họ bị tổn thất do nội dung văn bản không hợp pháp” – luật sư Lực phân tích.
Theo luật sư Lực, hiện nay Nghị định 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ có những quy định xử lý khá chung chung đối với trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật.
“Pháp luật có vai trò tối quan trọng trong sự ổn định của bất cứ Nhà nước nào trên thế giới. Tuy nhiên ở Việt nam, dư luận nhân dân đánh giá quá trình xây dựng luật ở chúng ta không chu đáo, không được quan tâm đúng đắn. Có quá nhiều Luật, quá nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan này thiếu sự phối hợp nên Luật chồng nên luật, mâu thuẫn với nhau, Nghị định trái luật, thông tư trái nghị định khá nhiều” – vị giám đốc Cty Luật Hà Nội Tinh Hoa nêu quan điểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.