Người dân Mường Tè giữ rừng như báu vật

Lê San Thứ năm, ngày 26/05/2016 06:00 AM (GMT+7)
Năm 2010, tỷ lệ che phủ rừng ở huyện Mường Tè (Lai Châu) đạt 50%, đến năm 2016 đã tăng lên 62%, trở thành địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất nước. Đây là kết quả đáng mừng từ việc thực hiện chính sách khoanh nuôi, bảo vệ rừng ở Mường Tè.
Bình luận 0

Phá rừng sẽ bị phạt nặng

Theo ông Tống Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, để giữ được con số tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước và chỉ tăng mà không giảm, một phần là nhờ vào chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Tính đến năm 2015, trung bình một hộ nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng ở huyện được chi trả 7,4 triệu đồng/năm. Huyện đã tiến hành giao khoán đến xã, bản và tới từng hộ gia đình, với gần 18.000 lao động tham gia, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc.

img

 Ngươi Hà Nhì ở xã Mù Cả làm lễ cúng rừng để giữ và bảo vệ rừng. ảnh:  L.S

Xã Mù Cả (Mường Tè) là một trong những xã có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lai Châu với hơn 38.000ha. Trên 440 hộ dân ở đây nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã được thụ hưởng chính sách DVMTR. Ông Pò Khừ Xá – Chủ tịch UBND xã Mù Cả cho hay: “Diện tích rừng ở xã phần lớn là rừng phòng hộ đầu nguồn, tập trung ở những địa hình hiểm trở, độ dốc lớn nên  chúng tôi xác định, công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng chỉ thực sự có hiệu quả khi mọi người coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; các cấp ủy, chính quyền thôn, bản đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho mỗi người dân; xử phạt nghiêm các đối tượng gây ra cháy rừng nên công tác bảo vệ rừng tại địa phương rất hiệu quả”.

"Tác động lớn nhất mà chính sách chi trả DVMTR mang lại chính là ý thức bảo vệ và phát triển rừng của người dân được nâng lên, theo đó việc đốt phá rừng làm nương rẫy giảm rõ rệt. Công tác tuần tra bảo vệ rừng được thực hiện thường xuyên hơn”.
Ông Tống Văn Dương

“Ở đây phá rừng bị phạt rất nặng và ảnh hưởng tới quyền lợi được chi trả nên người dân đều tuân thủ rất nghiêm ngặt. Hàng tuần mỗi hộ tự cắt cử người thay phiên nhau đi tuần rừng. Nếu phát hiện cháy rừng, mọi người rất tự giác tham gia dập lửa. Mấy năm gần đây, trong bản chưa xảy ra đám cháy rừng nào” – ông Lỳ Đại Khai – Phó Bí thư bản Ma Ký chia sẻ.

Kiên quyết với di cư tự phát

Hiện công tác bảo vệ rừng ở Mường Tè cũng gặp không ít khó khăn do hiện tượng xâm lấn của các hộ di dân tự do. Trong đó, xã Mù Cả có 45 hộ người Mông di cư tự phát tới tạo thành 3 điểm dân cư Khu Ma Thấp, Khu Ma Cao và Khù Nhò. Theo ông Tống Văn Dương, di cư tự do chính là một trong những thủ phạm gây ra mất rừng, do các hộ dân chặt phá rừng làm nhà, làm nương.

“Chúng tôi đã thành lập tổ công tác liên ngành, phối hợp lực lượng kiểm lâm thuyết phục những người mới di cư tới phải quay về nơi ở cũ. Chúng tôi vào tận rừng giúp dân khuân vác đồ đạc, lo xe cộ cho họ. Còn những người đã di cư tới từ lâu thì cho tạm trú, tạm vắng và tăng cường các biện pháp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp mới phát sinh. Năm 2014, Mường Tè có 1,7ha rừng bị phá đã được trồng lại rừng mới” – ông Tống Văn Dương cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem