Người dân nên làm gì khi rút phải tiền giả ở ATM?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 08/03/2019 10:37 AM (GMT+7)
Hiện nay theo quy định, người dân có thể đổi lại tiền giả nếu phát hiện ngay khi giao dịch (giao dịch trực tiếp tại ngân hàng hoặc rút từ cây ATM). Tuy nhiên, khi đã mang ra khỏi ngân hàng (hoặc cây ATM rồi), nếu muốn đổi được tiền giả, người dân phải chứng minh số tiền giả đó do ngân hàng phát hành...
Bình luận 0

img

Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng

Liên quan đến việc một khách hàng của ngân hàng X rút tiền khỏi ATM thì phát hiện có lẫn đồng tiền giả nên đến ngân hàng đề nghị đổi lại. Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín (ảnh), chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, trong các vụ việc rút ATM gặp tiền giả thì đòi hỏi người dân phải có chứng cứ chứng minh mình rút phải tiền giả, lúc đó mới quy được trách nhiệm của ngân hàng, lỗi của ngân hàng đến đâu.

Tuy nhiên, theo ông Tín, trong thực tế chuyện khách hàng chứng minh được việc mình nhận tiền giả từ ngân hàng là rất khó nếu không chú ý từ ngay lúc giao dịch.

Làm thế nào để chứng minh “lỗi” tiền giả được nhả ra từ các ATM ngân hàng, thưa ông?

- Tại các cây ATM đều có camera, khi người dân rút tiền ra nếu phát hiện tiền giả, tiền rách hay tờ tiền có vấn đề gì thì có thể đưa đồng tiền này lên phía máy camera và phải có “bằng chứng” bằng cách chỉ vào một dấu hiệu nào đó của đồng tiền giả, chẳng hạn như mã số (số seri tờ tiền) vì mỗi tờ tiền có mã số khác nhau. Sau đó, người dân phải nhanh chóng cầm tờ tiền này đến một chi nhánh hay một phòng giao dịch của ngân hàng để các bên làm chứng với nhau là tờ tiền đó vừa được chiếu trên camera. Cũng lưu ý là camera chỉ lưu hình ảnh trong vòng 30 ngày nên người dân phải nhanh chóng liên hệ phía ngân hàng để xác minh tờ tiền đó.

Thông thường, cách xử lý tình huống với trường hợp này: Thứ nhất người dân phải chú ý khi lấy “chứng cứ” chứng minh lỗi là của phía ngân hàng khi để tờ tiền giả này vào máy ATM (bằng cách giơ tờ tiền này sát vào camera và chỉ ra lỗi). Sau khi có chứng cứ đầy đủ rồi, các ngân hàng phải xem xét các vấn đề như: Trách nhiệm trong việc quản lý tiền, đặc biệt là khâu quản lý tiền mặt tại các kho quỹ. Lúc đó có thể truy trách nhiệm từ phía kho quỹ.

Theo tôi được biết, thứ nhất, tiền thường đến từ các Hội sở chính của các ngân hàng. Các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng đó vào buổi sáng sớm thường đến hội sở để lấy tiền. Thứ 2 là tiền sẽ xuất phát từ chi nhánh phòng giao dịch. Các ngân hàng sẽ căn cứ theo lịch sử của hệ thống để xác định tiền đó xuất phát từ đâu, sau đó quy trách nhiệm cho nhân viên nào nhận tiền vô. Nói thật, thường các máy đếm tiền của ngân hàng sẽ có đầu soi nên rất khó có chuyện lẫn lộn tiền giả. Vì vậy phải xem xét trách nhiệm là ở lỗi của khách hàng hay của chính những nhân viên (chẳng hạn số tiền ít quá nên nhân viên sẽ đếm bằng tay).

Nếu tiền giả được “chứng minh” xuất phát từ phía ngân hàng, vậy thì theo ông khâu nào ở ngân hàng đã để “lọt” ra những tờ tiền giả này? Cách xử lý với những trường hợp cố tình này là gì, thưa ông?

- Thực tế hiện nay, tại các ngân hàng các máy soi đến việc đếm tiền của nhân viên là rất chuyên nghiệp nên rất khó xảy ra tình trạng “lẫn” tờ tiền giả vào giao dịch. Tuy nhiên, theo quy trình thông thường thì nếu khi xác định được lỗi là của ngân hàng thì phải truy trách nhiệm đó và về nguyên tắc thì phải bồi thường, còn nếu lỗi mang tính cố tình, lỗi hàng loạt liên quan đến nhân viên ngân hàng, thủ quỹ cố tình lấy tiền thật ra đổi tiền giả vào thì rõ ràng những người này có hành vi sử dụng, lưu thông lưu hành tiền giả thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tất nhiên, phía các ngân hàng cũng đồng thời nên có quy trình chặt chẽ hơn để quản lý công tác giao dịch tiền mặt của các nhân viên ngân hàng. Không nên để sự gian lận hoặc non kém nghiệp vụ của người vận hành, hoặc để những hỏng hóc, lỗi kỹ thuật của máy móc dẫn đến gây rủi ro cho khách hàng.

Như chia sẻ của ông, khi người dân phát hiện tiền giả ngay trong giao dịch hoặc tại ATM thì phải “chứng minh” liền bằng cách đưa đến camera, còn nếu không đưa lên camera để “lưu hình ảnh” thì không thể đòi được tiền, việc này có quá khó?

- Nếu người dân không làm như thế thì không đủ “chứng cứ” để gắn trách nhiệm ngân hàng vào được, vì khi đó tiền đã rút ra khỏi quầy ATM rồi. Vì vậy, trên nguyên tắc thì NHNN cũng khuyến cáo người dân rút ATM mà phát hiện tiền rách, tiền giả, tiền gian… thì hãy đưa thẳng lên camera của buồng ATM làm chứng cứ và đến chi nhánh hay phòng giao dịch gần nhất của ngân hàng để xử lý, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Tất nhiên, để an toàn nhất thì đối với những giao dịch lớn, người dân nên thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, còn giao dịch bằng tiền mặt chỉ nên thực hiện với các giao dịch nhỏ để tránh những thiệt hại có thể xảy ra.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem