Người đàn ông cụt chân "nhặt vợ" và chuyện tình như mơ

Thứ năm, ngày 15/10/2015 08:01 AM (GMT+7)
Trên cầu Rạch Bàn, quận 7, TP HCM không biết từ khi nào đã trở thành nơi dừng chân của đôi vợ chồng đang ở tuổi xế chiều. Họ đang nâng niu từng trái ngọt của hạnh phúc.
Bình luận 0

Tới cầu Rạch Bàn, quận 7, TP.HCM khi hỏi gia đình ông Lê Văn Đực và bà Nguyễn Thị Dĩnh không ai không biết. Cũng bởi hoàn cảnh thương tâm của đôi vợ chồng già. Dù đã ở cái tuổi xế chiều, họ vẫn phải vất vả mưu sinh, kiếm sống qua ngày để nuôi đứa con thơ dại.

Ngày ngày, người ta vẫn thấy người đàn ông đã ngoài 50 tuổi bị cụt một chân, chống chiếc nạng gỗ đi bán vé số khắp đường phố. Nhìn nét mặt hiền từ, nụ cười khắc khổ của ông nhiều người đã rơi nước mắt. Ít ai biết được rằng, người đàn ông tàn tật đó đang phải kiếm từng đồng nuôi sống nuôi bản thân và lo cho gia đình nhỏ.

img

Chân cầu nơi vợ chồng ông Đực sinh sống, cuộc sống khó khăn nghèo khổ nhưng họ vẫn luôn mỉm cười.

Bà Dĩnh vợ ông Đực ngày ngày vẫn bán nước để có thêm tiền phụ giúp chồng nuôi sống cả gia đình. Chiếc ghe cạnh bờ sông là nơi “định cư” của cả gia đình ông Đực bà Dĩnh. Nhìn chiếc ghe cũ kỹ, được chắp ghép từ nhiều mảnh gỗ khác nhau, khi bước lên ghe người ta tưởng chừng như những thanh gỗ mục có thể gãy tự lúc nào.

Gặp gỡ đôi vợ chồng già trên chiếc ghe ấy, nghe câu chuyện về cuộc đời của họ, chúng tôi không giấu nổi niềm xúc động. Đôi khi hạnh phúc thật giản đơn, chỉ một cuộc gặp gỡ tình cờ, nhưng là định mệnh mà cả đời người trong cuộc không ngờ tới.

img

Với người cha tàn tật ấy bé Diễm My là niềm trăn trở lớn nhất.

Vốn là dân làng chài, nay đây mai đó sống cuộc đời vô định. Từ nhỏ, ông Đực đã trải qua bao khó khăn. Rồi trời xe duyên cho ông gặp người vợ hiền thảo. Khi hạnh phúc vừa chớm nở, bỗng ngày nọ vợ ông lâm bệnh rồi qua đời để lại cho ông những đứa con thơ dại. Ông đã rất suy sụp, đau đớn nhưng rồi vì con mà ông vẫn gắng gượng sống tiếp.

Suốt một đời nuôi con tần tảo sớm hôm, cứ nghĩ khi chúng lớn ông sẽ có chỗ dựa vững chắc cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng rồi, khi khôn lớn các con ông đều kéo nhau lên thành phố lập nghiệp, bỏ lại người cha già nơi quê hương. Mình ông Đực bơ vơ không người thân thích. Chiếc ghe năm xưa nay cũ kỹ nhưng mình ông vẫn cố bám trụ kiếm con cá, con tôm sống qua ngày.

Cuộc sống trên sông nước lênh đênh vô định. Rồi một ngày ghe của ông đâm vào ghe của bà Dĩnh, cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã đưa họ đến với nhau.

img

Nước dùng phải mua, đêm đến phải dùng đèn dầu, gia đình ông Đực mong ước một lần được sống trong ánh điện mỗi khi đêm về.

Người phụ nữ ấy cũng khổ chẳng kém gì ông khi bị nhà chồng hắt hủi, mẹ chồng ruồng rẫy. Khi tâm sự với chồng, chồng không thấu hiểu, còn thẳng tay đánh vợ. Nhiều lần bị đánh bà Dĩnh trở nên chai lỳ. Nhưng rồi một lần, trước những trận đòn thừa sống thiếu chết của gia đình chồng, bà Dĩnh đã bỏ đi, mang theo cái thai trong bụng.

Bà Dĩnh cũng như ông, sống lênh đênh vô định trên ghe, một mình nuôi con khôn lớn. Cảm thương cho số phận người phụ nữ ấy, nên chỉ sau 3 ngày quen nhau, ông đã ngỏ lời yêu thương.

Hai con người tưởng chừng như xa lạ ấy đã đến với nhau bằng cả tấm lòng. Bà Dĩnh đã bỏ chiếc ghe cũ theo ông Đực xây dựng lại cuộc đời mới. Khi đứa con gái lớn đến tuổi dựng vợ gả chồng, ông Đực đã làm mai làm mối để con riêng của vợ có cuộc đời hạnh phúc. Còn ông bà sau đó vài năm cũng đón chào thêm tình yêu mới, đó chính là bé Diễm My.

Để tránh xa những thị phi của người đời, ông Đực và bà Dĩnh đã rời quê hương lên Sài Gòn mưu sinh. Địa điểm dừng chân của hai vợ chồng chính là chân cầu Rạch Bàn. Ngày ngày, bà Dĩnh bán nước bên lề đường, còn ông Đực đi bán vé số. Dù thu nhập mỗi ngày chỉ được xấp xỉ 100 nghìn đồng, nhưng họ vẫn vui vẻ.

img

Hàng ngày cô con gái nhỏ vẫn luôn theo cha từng giây, từng phút, với mong ước cha luôn được vui.

Lên thành phố lập nghiệp, không nhà cửa, không người thân. Đặc biệt khi Diễm My chào đời, họ đã xác định cuộc sống rồi đây sẽ cơ cực, bởi ông bà không được học hành đến nơi đến chốn. Họ chỉ biết con số và những chữ cơ bản để mưu sinh. Họ đã thấm thía được cái nghèo, cái thiệt thòi của việc không đến trường.

“Vợ chồng tôi đều không được học hành, tôi hiểu được cái nghèo, nên cố gắng cho cháu Diễm My đi học, mong rằng cháu sẽ có được cuộc sống tốt hơn”- bà Dĩnh cho hay.

Còn ông Đực không giấu nổi niềm xúc động khi chia sẻ, Diễm My là tất cả cuộc đời ông. Chỉ cần nhìn con cười ông quên hết mọi đau khổ. Ông cúi xuống lau giọt nước mắt đang chực rơi xuống má, khi nghĩ rằng mình không còn sống được bên con gái bao lâu nữa. Bé Diễm My được sinh ra khi cả hai vợ chồng đều ở tuổi xế chiều. Ông mếu máo “Diễm My là trăn trở của cuộc đời tôi, không biết sau này khi vợ chồng tôi qua đời, nó sẽ sống thế nào nữa...”.

img

Mơ ước của Diễm My là được là bác sĩ để chữa cho đôi chân của cha mình lành lặn.

Dù thế, họ vẫn đang nỗ lực từng ngày, nâng niu từng giây phút hạnh phúc. Hằng ngày đứa bé đó vẫn theo từng bước chân cha sau mỗi giờ học ở lớp tình thương. Theo cha nhặt củi, theo cha bán vé số, khi cha mẹ thấm mệt, Diễm My lại cất lên tiếng hát “Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba…”.

Tiếng hát trong trẻo của đứa con thơ đã sưởi ấm cảnh sống nghèo nàn của bao con người trên cầu Rạch Giá, cũng là niềm trăn trở của cặp vợ chồng già về tương lai vô định của đứa con yêu dấu.

Nhung Hà - Lê Duyên (Người đưa tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem