Người đàn ông đập máy ATM vì khó chịu khi thấy đèn màn hình nhấp nháy có thể bị xử lý thế nào?

Việt Sáng Chủ nhật, ngày 20/02/2022 15:23 PM (GMT+7)
Theo luật sư, cơ quan chức năng cần làm rõ hành vì của người đàn ông này, chỉ cố ý làm hư hỏng tài sản hay có ý đồ khác.
Bình luận 0

Cụ thể, Công an huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Đức Dũng (SN 1978, trú thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) về hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, vào ngày 19/12/2021, Công an huyện Can Lộc nhận được tin báo của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh Hà Tĩnh (Phòng giao dịch Can Lộc) về việc bị kẻ xấu đập phá làm hư hỏng 1 máy ATM, gây thiệt hại gần 100 triệu đồng.

Vào cuộc điều tra, Công an huyện Can Lộc đã xác định và làm rõ đối tượng Ngô Đức Dũng là thủ phạm gây ra vụ việc nói trên.

Người đàn ông đập máy ATM vì khó chịu khi thấy đèn màn hình nhấp nháy có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Công an huyện Can Lộc làm việc với đối tượng đập hỏng máy ATM của Vietinbank.

Khai nhận tại cơ quan điều tra, đối tượng Dũng cho biết, do uống rượu, lại sẵn tâm lý buồn bực, khi đi qua thấy đèn màn hình của máy ATM nhấp nháy đâm ra khó chịu nên đã lấy gậy sắt đập vào máy ATM.

Theo dõi sự việc, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, hành vi của Dũng là không thể chấp nhận được, chỉ vì đèn nhấp nháy mà phá hỏng cây ATM.

"Cơ quan công an đã khởi tố về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản, vì vậy căn cứ vào quy định thì khung hình phạt của Dũng cao nhất có thể lên đến 7 năm tù. Hành vi của Dũng được quy định tại điều `178 Bộ luật hình sự 2015.

Lực lượng chức năng sẽ xác minh, kiểm tra kĩ về thiệt hại để xác định mức độ vi phạm. Nếu số tiền như phía ngân hàng báo, thiệt hại gần 100 triệu đồng thì hành vi phạm tội của Dũng có thể chịu mức phạt từ 2 - 7 năm tù ", ông Nghĩa phân tích.

Người đàn ông đập máy ATM vì khó chịu khi thấy đèn màn hình nhấp nháy có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn LS TP Hà Nội phân tích vụ việc.

Cụ thể, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là di vật, cổ vật.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Tài sản là bảo vật quốc gia; Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Để che giấu tội phạm khác; Vì lý do công vụ của người bị hại; Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo vị luật sư, cơ quan công an cần kiểm tra và xác minh rõ ràng về lời khai cũng Dũng là "chỉ vì say rượu lại sẵn tâm lý buồn bực, khi đi qua thấy đèn màn hình của máy ATM nhấp nháy đâm ra khó chịu nên đã lấy gậy sắt đập vào máy ATM ". Ngoài việc cố ý làm hư hỏng tài sản thì hành vi của Dũng có xuất hiện từ mục đích khác hay không? Tại sao lại có gậy sắt để phá?

Cơ quan chức năng cần làm rõ những điểm này để xử lý đúng người, đúng tội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem