Điều tra: Hàng lậu "chui lọt" qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài

Nhóm PV Dân Việt Thứ tư, ngày 27/11/2024 09:39 AM (GMT+7)
Tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, có những nhóm người không phải hành khách, cũng không đến đón người thân. Họ đến sân bay để được nhân viên hàng không giao tận tay những thùng hàng dạng hành lý ký gửi, "hàng xách tay" từ các chuyến bay quốc tế.
Bình luận 0

Hàng hóa có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại qua Cảng Hàng không Nội Bài. Thực hiện: Nhóm phóng viên.

LTS: Thời gian qua, lực lượng phòng chống buôn lậu đã vào cuộc quyết liệt, xử lý hoạt động vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua đường hàng không. Các lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.

Tuy nhiên, các đối tượng vẫn tìm lỗ hổng để tuồn hàng, tìm cách gian lận thương mại qua con đường này.

Nhóm phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã ghi nhận hiện tượng nêu trên với các chuyến bay Quốc tế về Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Một số chuyến bay chở khách về Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài bị lợi dụng để vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu là hàng lậu, gian lận thương mại, … Hoạt động "đánh hàng" của một số nhóm người có dấu hiệu làm ngơ, tiếp tay của nhân viên hàng không hoạt động tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.

Ngay sau khi các chuyến bay hạ cánh, tại cửa ra sảnh A1, A2 có nhiều nhóm người túc trực để đợi hàng. Những thùng hàng sau được nhân viên hàng không chất lên xe đẩy, bên ngoài có người đợi sẵn tiếp nhận. Các kiện hàng nhanh chóng được đưa ra bãi xe bên ngoài, chất đầy ô tô rồi di chuyển đến các kho hàng. Từ đây, những mặt hàng được gắn mác "hàng xách tay" Nhật Bản, Hàn Quốc được rao bán trên mạng xã hội rồi đến tay người tiêu dùng.

Những vị khách "quyền lực" ở nhà ga T2 Nội Bài (Bài 1)

Tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Nhà ga T2), có những người khá đặc biệt. Họ thường xuyên đến sân bay nhưng không phải hành khách, cũng không đón người thân. Họ đến để nhận những thùng hàng là hành lý ký gửi, hàng xách tay từ các chuyến bay quốc tế.

Không phải hành khách, đến sân bay nhận hành lý ký gửi

Báo NTNN/Điện tử Dân Việt nhận được phản ánh về hiện tượng gian lận thương mại, buôn lậu thông qua hành lý ký gửi từ một số chuyến bay quốc tế về Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Hoạt động này diễn ra tại Nhà ga T2 Nội Bài. Nhóm PV Dân Việt đã dành thời gian 3 tháng ghi nhận, tư liệu có được cho thấy phản ánh của bạn đọc là có cơ sở.

Điều tra: Hàng lậu "chui lọt" qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài- Ảnh 1.

Hàng hóa được đẩy ra phía ngoài chờ người đến nhận sau chuyến bay từ Nhật Bản, Hàn Quốc đầu giờ chiều ngày 24/8.

Gần 13 giờ một ngày cuối tháng 7/2024, bảng điện tử trong nhà ga T2 thông báo các chuyến bay VN311 từ Tokyo/Narita (Nhật Bản) và VN427 từ Busan (Hàn Quốc) hạ cánh.

Phía bên ngoài, rất đông khách đến đón người nhà, đối tác, bạn bè trở về từ nước ngoài. Nhưng cũng có những vị khách đặc biệt, họ không chờ đón người, mà đón hàng. Dân trong nghề gọi đây là những đội "đánh hàng" theo chuyến.

Nhóm người này gọi điện, nhắn tin, mắt hướng qua cửa kính cách ly nhìn về phía băng chuyền vận chuyển hàng hóa chỉ trỏ, vẫy gọi vào bên trong. Họ trao đổi với nhau về việc hôm nay có mấy thùng, "hàng dạo này chạy không". Từ bên trong, một nhân viên đeo thẻ Vietnam Airlines làm việc trong khu vực nhà ga đón khách nhận hàng từ băng chuyền, đưa lên xe đẩy đến khu vực soi chiếu.

Điều tra: Hàng lậu "chui lọt" qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài- Ảnh 2.

Nhóm "đánh hàng" nhận hàng  nhanh chóng đẩy hàng hóa ra xe ô tô 16 chỗ đậu ở bãi đỗ xe sân bay Nội Bài ngày 24/8.

Mỗi chuyến xe đẩy thường chở từ 3 - 5 thùng hàng to. Bên ngoài, nhóm người chỉ nhìn qua là biết có phải "hàng của mình hay không". Thùng hàng qua soi chiếu được nhân viên hàng không đẩy qua cửa kính khu cách ly, ngay lập tức có người nhận hàng. Họ không phải trao đổi với nhau nhiều, dường như đã quá quen thuộc với công việc này.

Có lúc, nhân viên hàng không đẩy xe hàng qua cửa, rẽ trái rồi để ở hướng đi phụ, vài phút sau có người tự đến lấy hàng. "Họ có ghi ký hiệu trên các thùng hàng, để biết hàng của ai", nguồn tin cho biết.

Điều tra: Hàng lậu "chui lọt" qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài- Ảnh 3.

Hàng hóa được đóng thành các thùng lớn tập kết bên ngoài sảnh tầng 3 nhà ga T2 Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài để chờ gửi đi.

Những hình ảnh Nhóm PV Dân Việt ghi nhận đã xác minh thông tin này. Trên các thùng hàng, có các chữ cái được ghi to, rõ ràng hoặc một ký hiệu đặc biệt nào đó. 

Khoản 6, Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về "hàng hóa nhập lậu". Trong đó có nội dung "Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan".

Nhiều ngày sau đó trong tháng 8, 9, 10, 11/2024, nhóm PV Dân Việt ghi nhận hoạt động có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại tương tự tại cửa đến sảnh A1, A2 nhà ga T2 Nội Bài. Nhóm người không phải hành khách trên chuyến bay thường xuyên túc trực trong khung giờ 13h00 – 14h30 để nhận hàng hóa dưới dạng hành lý ký gửi trên các chuyến bay từ Nhật Bản, Hàn Quốc chuyển về.

Trưa 19/8, chứng kiến cảnh đưa nhận hàng ngay ở cửa kính khu vực cách ly, kiểm soát, một người dân đi đón người thân phải thốt lên: "Buôn lậu bây giờ nhiều lắm, buôn lậu qua hàng không nhiều lắm", rồi lắc đầu chỉ tay về phía hàng dài xe đẩy chồng chất thùng hàng đang chờ người đẩy đi.

Điều tra: Hàng lậu "chui lọt" qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài- Ảnh 4.

Xe ô tô 16 chỗ chờ sẵn bên ngoài bãi đỗ xe nhà ga T2 Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài để chờ vận chuyển hàng. Ảnh chụp lúc 13h10 ngày 13/8, chiếc xe này nhiều lần đến Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài để nhận hàng.

Có người đẩy 3 xe hàng ra ngoài cửa kính, do nhiều hàng phải chia thành nhiều chuyến. Trong những người nhận hàng có người phụ nữ tên L (người được dân "đánh hàng" nhắc đến là nhân vật có số đi hàng chuyến) đẩy hàng ra và đứng ở làn số 1 chờ xe, bên cạnh có 3 xe đẩy, mỗi xe 3 thùng hàng.

Cùng lúc đó, bên trong vẫn còn nhiều thùng hàng của nhóm vận chuyển khác cũng được đưa ra khỏi cánh cửa kính tự động khu vực hạn chế an ninh. Nhân viên an ninh sân bay đứng ngay trước cửa nhưng không có động thái nhắc nhở, giám sát.

Thậm chí, trong quá trình tìm hiểu, nhóm PV Dân Việt ghi nhận những người "đánh hàng" được đi vào khu vực hạn chế kiểm soát an ninh hàng không để đẩy hàng ra. Từ bên ngoài, họ đi qua cửa kính ở sảnh A1 để nhận hàng. Có khi, nhân viên mặc áo đồng phục hải quan dẫn người từ bên ngoài vào để nhận hàng, tự đẩy ra.

Như ngày 26/8, hàng chục người của các nhóm thường xuyên "đánh hàng" đến gần cửa kính khu vực hạn chế an ninh hàng không để ngồi chờ. Một nhân viên hải quan tên T ra trao đổi một người đàn ông đợi hàng như đã quen biết từ lâu. Ít phút sau, các thùng hàng liên tục được đẩy ra, người nhận hàng nhanh chóng chuyển tiếp ra bãi xe để đến các kho hàng khắp thành phố.

Điều tra: Hàng lậu "chui lọt" qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài- Ảnh 5.

Nhóm người dùng xe đẩy chuyển hàng hóa ra xe ô tô tại bãi xe nhà ga T2 Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.

Trong khi đó, Điều 32 Thông tư 13/2019/TT/BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Thông tư 41/2020/TT-BGTVT đã quy định cụ thể về việc ra, vào và hoạt động tại khu vực hạn chế tại cảng hàng không. Người, phương tiện ra, vào hoạt động tại khu vực hạn chế phải có thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không được phép ra, vào khu vực đó.

Đánh hàng khứ hồi

Tối muộn, ga đi Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài tấp nập hành khách, người nhà tiễn người thân đi nước ngoài. Buổi sáng, các nhóm "đi chợ hàng xách tay" nhận hàng, thì vào buổi tối là thời điểm họ gửi hàng đi. 

Các chuyến bay từ Nội Bài (Hà Nội) đến Narita (Nhật Bản) hay điểm đến Busan (Hàn Quốc) thường cất cánh sau nửa đêm. Khoảng 20h00 đến 23h00 phút, các nhóm buôn hàng tập trung gần các quầy làm thủ tục từ G01 – G12 để tìm cách chuyển hàng theo thủ tục hành lý ký gửi đi Nhật Bản, Hàn Quốc.

Còn tại chiều đi (từ sân bay Nội Bài đi Quốc tế) vào khung giờ từ 20 giờ đến 23 giờ đêm, ở các quầy từ G01 – G12 một số chuyến bay VN310 đi Tokyo/Narita (Nhật Bản) VN426 đi Busan (Hàn Quốc) và nhiều chuyến bay khác của Vietnam Airlines như VN334, VN356, VN346 làm thủ tục cho khách cũng là lúc nhiều người vận chuyển hàng đến gửi.

Điều tra: Hàng lậu "chui lọt" qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài- Ảnh 6.

Hàng hóa được chuyển lên xe ô tô bán tải màu trắng.

Trong nhiều ngày giữa tháng 10/2024, nhóm PV Dân Việt ghi nhận hai nhóm "đi chợ bằng đường hàng không" sử dụng xe 16 chỗ chở hàng đến ga đi ở tầng 3 Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Hàng hóa được đẩy thẳng đến các quầy làm thủ tục, ít phút sau đã được đưa vào băng chuyền. 

Tháng 7/2024, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai Chỉ thị "Tăng cường ANHK, bảo vệ CQĐV, phòng chống cháy, nổ, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả". Trong đó, quán triệt toàn thể người lao động, đặc biệt là các bộ phận tuyến trước nâng cao ý thức, thái độ, trách nhiệm phục vụ, tuân thủ các quy trình công tác, các quy định về đảm bảo ANHK, phòng chống cháy nổ và bảo vệ CQĐV, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo ghi nhận của PV, mặt hàng gửi đi thường là hoa quả, bánh, thuốc lá, mỹ phẩm. Có điểm nhận chuyển hàng ghi rõ không nhận gửi thuốc lá, thuốc lào, hàng điện tử có pin, ... Nhưng cũng có nơi "đánh hàng" nhận gửi "hàng khó". Có người đánh hàng đến sân bay mới  bọc kín đồ bằng giấy bạc trước khi đưa vào vali hay các thùng các tông đóng kín. 

Người phụ nữ tên L. chúng tôi đã gặp nhiều lần vào ban ngày khi đến sân bay nhận hàng, cũng góp mặt trong các chuyến hàng gửi đi vào buổi tối. "Nhà em cứ ngày đi, ngày về, ngày chẵn lẻ, không lẻ thì chẵn, cứ thế thôi", L. nói khi chuẩn bị đưa hàng đi gửi.

Dấu hiệu "giúp sức" của nhân viên hàng không

Vì sao các nhóm "đi chợ bằng máy bay" có thể công nhiên đến nhận/gửi hàng hóa theo dạng hành lý ký gửi tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài? Có hay không sự làm ngơ, thậm chí tiếp tay của người có nhiệm vụ trong khu vực Cảng hàng không?

Điều tra: Hàng lậu "chui lọt" qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài- Ảnh 7.

Nhóm "đi chợ bằng đường hàng không" sử dụng xe 16 chỗ để vận chuyển hàng hóa về nội thành Hà Nội.

Trong nhiều ngày ghi nhận, PV Dân Việt nhận thấy người đẩy xe hàng ra đưa cho các đầu nậu hoặc "người vận chuyển" nhận hàng thường là nhân viên mặc đồng phục, đeo thẻ Vietnam Airlines. Việc giao nhận hàng ngay ở cửa ra khu vực hạn chế an ninh không gặp sự kiểm tra, giám sát từ lực lượng an ninh hàng không và hải quan làm việc gần đó.

Như ngày 31/7, một nhân viên mặc đồng phục Vietnam Airlines đẩy xe chứa hàng từ bên trong ra giao cho một người khác đang chờ sẵn ở bên ngoài cửa tự động. Họ cười nói với nhau như đã quen biết từ lâu.

Ngày 12/8, khung giờ từ 13h30 đến 14h20, hai nam nhân viên mặc áo đồng phục Vietnam Airlines đẩy hàng thẳng từ trong sân bay không qua soi chiếu, ra cửa cho một số người chờ sẵn, rồi nhanh chóng đẩy xe hàng di chuyển ra xe.

Ngày 19/8, khi các nhân viên hải quan đang yêu cầu khách mở vali ra kiểm tra tại băng chuyền máy soi chiếu, đối diện băng chuyền hai người mặc áo đồng phục VietNam Airlines xếp những kiện hàng lên xe đẩy. Sau đó hai người giao cho một phụ nữ đẩy hàng qua khỏi cửa kính tự động, nơi có người chờ sẵn, 3 xe đẩy chứa 7 thùng hàng được đưa đi.

Điều tra: Hàng lậu "chui lọt" qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài- Ảnh 8.

Xe ô tô 16 chỗ lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt, hướng qua cầu Thăng Long vào nội thành Hà Nội.

Nhiều ngày khác, hình ảnh tương tự cũng xuất hiện: Nhân viên mặc đồng phục VietNam Airlines đẩy xe chở các thùng hàng ra cho nhóm người buôn hàng xách tay nhận ngay ngoài cửa khu vực hạn chế an ninh.

Tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, đã từng xảy ra các vụ việc nhân viên hàng không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu qua đường hàng không. 

Tối 21/10, một nhân viên mặc đồng phục VietNam Airlines hỏi nhóm buôn hàng: "Vali này to thế có vừa không đấy?", người phụ nữ ngồi gần đáp: "Đi được anh ạ, tý em làm luật với … em cho vào, anh yên tâm". Bên cạnh đó, hai nhân viên khác trao đổi nội dung công việc với nhau, sau đó vào quầy làm thủ tục. Hàng hóa của nhóm dân buôn được làm thủ tục hành lý ký gửi lên chuyến bay.

Gần đây nhất, tháng 8/2024, TAND TP Hà Nội đã xét xử Dương Ngô Thu (cựu nhân viên Trung tâm An ninh Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài) và hai đồng phạm đều là cựu nhân viên Trung tâm Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam – chi nhánh Nội Bài. Các bị cáo đã giúp sức để chuyển sừng tê giác, ngà voi từ nước ngoài về Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, mỗi kiện hàng được trả công 40 triệu đồng.

Cục Hải quan Hà Nội cũng đã đưa ra nhận định buôn lậu qua đường hàng không vẫn còn diễn biến phức tạp. Hàng hóa buôn lậu qua đường hàng không chủ yếu là hàng gọn nhẹ, giá trị cao, với các mặt hàng vi phạm đa dạng, nhiều chủng loại như ma túy, tiền, vàng, điện thoại thông minh...

Điều tra: Hàng lậu "chui lọt" qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài- Ảnh 9.

Xe ô tô 7 chỗ chở hàng hóa vừa nhận tại sân bay Nội Bài chạy trên đường Vành đai 3 trên cao.

Các đối tượng lợi dụng chính sách nhập khẩu quà tặng, quà biếu, xé nhỏ hàng hóa gửi cho nhiều người nhận khác nhau, sau đó thu gom lại. Đồng thời, lợi dụng việc phân luồng kiểm tra, khai báo thành các mặt hàng khác để được phân luồng xanh, vàng, tránh bị phân luồng đỏ.

PV Dân Việt đã tiếp cận một số đầu mối buôn hàng qua đường hàng không để tìm hiểu cách thức đưa hàng lậu chui lọt qua tầng lớp kiểm soát tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.

Theo số liệu thống kê của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài đứng thứ nhất về số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và đứng thứ hai về lưu lượng hành khách xuất nhập cảnh qua đường hàng không trên toàn quốc. Trong sáu tháng đầu năm 2024, cơ quan hải quan tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài đã làm thủ tục cho 29.716 chuyến bay quốc tế với 5.386.223 lượt hành khách và khoảng 298.510 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đón đọc Bài 2: Thủ đoạn "trộn" hàng hóa buôn lậu thành hành lý ký gửi


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem