Nguyễn Liễu
Thứ bảy, ngày 18/02/2023 06:00 AM (GMT+7)
Giữa Hà Nội đầy hối hả, tất bật với những lo toan, cơm áo gạo tiền, đâu đó vẫn còn những câu chuyện, những tấm gương thầm lặng hằng ngày làm công việc mà không phải ai cũng đủ can đảm thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Dũng, ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội đã làm công việc vớt xác ở sông Hồng đoạn qua trung tâm thành phố Hà Nội gần 40 năm nay. Những người xấu số đã được ông chôn cất, lập ban thờ. Những ngày đầu năm, người dân đến thắp hương và viếng mộ.
Khi phóng viên có mặt tại nhà ông Dũng đã chứng kiến người cầm trên tay gói bánh, người hộp quà hay nén hương thơm,... để tưởng nhớ về những mảnh đời xấu số.
Dẫn chúng tôi thắp nén hương tại nghĩa địa Cô Trôi ở bãi giữa sông Hồng, ông Dũng tâm sự: "Tôi làm nghề vớt xác này đã gần 40 năm nay, mỗi lần vớt xác là một câu chuyện mà tôi không thể nào quên. Chỉ trong năm 2022, tôi đã vớt được 17 xác trôi sông, hầu hết là các bạn thanh niên khoảng 20 tuổi vì cá độ bóng đá thua mà gieo mình tự vẫn".
"Đa số là những thanh niên có quê quán ở miền Trung. Sau này tôi mới biết họ ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa sống và lập nghiệp xa gia đình vì nợ nần, chán nản mà tìm đến cái chết" - ông Dũng cho biết thêm
Kí ức khiến ông Dũng nhớ nhất là vụ đắm thuyền khiến hàng chục người chết vào năm 1995, hôm đó trên sông Hồng xảy ra vụ đắm thuyền tại xã Phú Thượng, trong 30 người chỉ duy nhất một người sống sót.
"3h sáng, nhận được tin từ người dân có vụ đắm thuyền ở xã Phú Thượng, tôi vội tới hiện trường. Ngay trong đêm tôi đã kéo lên bờ được 30 thi thể nạn nhân xấu số, còn duy nhất một người sống sót".
Vụ đắm thuyền thứ hai còn kinh hoàng hơn. Vào năm 1996, thuyền chở những người đi chợ buôn bán hoa quả, va đâm phải một sà lan đang đỗ trên sông lúc nửa đêm, thuyền bị lật và hơn 30 người không qua khỏi.
"Một mình tôi vớt hơn 30 người trong vòng 5 ngày. Có người trôi xa tôi phải dùng dây buộc vào tay hay chân kéo vào bờ, thời điểm đó thanh niên còn sung sức nhưng nhiều lúc mệt quá nằm vật ở bờ luôn", ông Dũng trầm ngâm.
Nói về cái duyên đến với "nghề", ông Dũng kể lại: Vào năm 13 tuổi, trong một lần đi chơi cùng đám bạn ở bên bến Cô Trôi thì phát hiện xác chết một người đàn ông nổi dưới nước. Không chút hoảng loạn, ông lội xuống kéo cái xác lên rồi vác về để gần mộ Cô Trôi trong sự kinh hãi của nhiều người. Nghiệp vớt xác chết của ông bắt đầu từ đó, nghĩa địa vô danh cũng hình thành.
Nghĩa địa vô danh bên sông Hồng
Dẫn chúng tôi ra thắp hương ở nghĩa địa cô Trôi, ông Dũng thở dài tâm sự: "Đây là nghĩa địa chôn cất những người xấu số. Có lúc nghĩa địa này lên đến cả trăm người nhưng về sau người này truyền tai người kia, công an chụp hình nhận dạng đăng lên báo nên nhiều người biết đã tìm đến nhận. Nay còn 66 ngôi mộ chưa có ai nhận, chỉ mong sao nhiều người biết họ ở đây mà đến đưa họ về".
Ông Dũng kể nghĩa địa này hình thành từ những năm 1980, ban đầu từ cái chết của một cô gái. "Hôm đó nhiều người dân sống quanh sông Hồng phát hiện xác một cô gái khoảng 18 tuổi nổi trên sông. Bố tôi cùng nhiều người dân phường Nhật Tân đã tổ chức trục vớt xác lên bờ và quyết định chôn cất ngay bên bờ sông Hồng.
Ngôi mộ cô gái được chôn sau một đêm đã được xây thành một ngôi mộ to hơn. Do không ai biết cô gái xấu số dưới mộ là ai nên người dân địa phương đặt tên là Cô Trôi. Bến đò gần chỗ tìm thấy xác cô sau này cũng được người dân lấy tên Cô Trôi với mong muốn được Cô Trôi giúp đỡ, phù hộ", ông Dũng chia sẻ.
Cứ như vậy mỗi lần thấy xác trôi sông, ông và người dân địa phương lại vớt lên bờ, sau đó báo cơ quan chức năng. Khi không xác định được danh tính nạn nhân, không có người đến nhận xác, ông lại chôn gần mộ Cô Trôi. Nghĩa địa vô danh cứ thế đông lên và rộng ra theo từng ngày. Có thời điểm ở nghĩa địa lên đến cả trăm ngôi mộ.
Nói về những việc chồng làm, bà Lan - vợ ông Dũng - xúc động: "Ban đầu tôi sợ lắm, sợ người ta dị nghị, sợ đủ mọi chuyện nhưng thấu hiểu được suy nghĩ của chồng nên tôi rất ủng hộ. Mình không vớt lên thì họ ít có cơ hội được trở về với gia đình. Chôn cất rồi có người thân đến nhận mình cũng thấy vui lòng".
"Làm cái nghề này tôi không lấy của ai một đồng tiền phí. Sau mỗi lần vớt xác, người thân của người đã mất họ đến cảm ơn rất nhiều về vật chất, bồi dưỡng tiền nhưng tôi không nhận. Chỉ cần mỗi người nhớ mà đến thắp hương cho mộ Cô Trôi là tôi vui rồi" - ông Dũng chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.